KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
“Trống đồng Thanh Hóa”, một cuốn sách hay và công phu
(Ngày đăng: 18/07/2013   Lượt xem: 496)
“Trống đồng Thanh Hóa”, một cuốn sách hay và công phu
Trống đồng Thanh Hóa có 4 khối tượng cóc, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Nói đến văn hóa Đông Sơn là nói đến trống đồng và Thanh Hóa. Sắp đến dịp kỷ niệm 90 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn, các nhà khoa học và bảo tàng cho ra đời một cuốn sách về trống đồng xứ Thanh, nơi vốn được coi là cội nguồn của nền văn hóa này.

Tác giả cuốn sách là 3 giáo sư và phó giáo sư cả đời nghiên cứu về trống đồng và văn hóa Đông Sơn cùng với các nhà bảo tàng học xứ Thanh. Vì thế, cuốn sách có được cái chất lượng và cập nhật toàn bộ trống đồng các loại ở Thanh Hóa. Có đến 106 trống đồng đang được trưng bày trong bảo tàng Thanh Hóa đều có mặt trong sách. Đấy cũng là con số đáng nể, đưa Thanh Hóa lên vị trí là một trong ít bảo tàng có nhiều trống nhất Việt Nam.

Bên cạnh đó, một số trống đẹp của Thanh Hóa đã được mang về Bảo tàng Lịch sử Quốc gia để trưng bày như báu vật quốc gia. Một số trống có nguồn gốc Thanh Hóa nay phiêu bạt đi một số tỉnh thành và một số trống trong các bộ sưu tập tư nhân trong tỉnh Thanh Hóa. Chưa kể, để không bỏ sót một trống đồng nào của tỉnh Thanh, các nhà khoa học đã đi sưu tầm và lấy tư liệu của nhiều trống đồng vẫn còn lưu giữ ở các huyện trong tỉnh.

Theo chân các nhà khoa học đến tận vùng núi Quan Sơn, Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước để nghiên cứu trống đồng, mới thấy quả là làm khoa học cũng vất vả, đi đến các vùng sâu vùng xa thế nào. Cũng thấy được lãnh đạo và người dân các địa phương coi trọng trống đồng ra sao. Thường thì một huyện còn giữ được một, hai cái trống đồng, còn lại là đã đưa về bảo tàng tỉnh. Những trống đồng ở huyện được đóng tủ kính trang trọng và để trong phòng họp quan trọng nhất của huyện, để tiếp khách, để khoe ra “đặc sản” của địa phương mình.

Vậy là trong một quãng dài thời gian, tất cả tư liệu về trống đồng Thanh Hóa đã được thu thập đầy đủ và gói gọn trong cuốn sách gần 300 trang bề thế, khổ lớn, ảnh đẹp.

Từ khối tư liệu khổng lồ đó, độc giả có thể hình dung ra trống đồng là vật báu và là sử liệu quý để biết về lịch sử xứ Thanh và lịch sử các dân tộc Thanh Hóa cũng như những bước đi ban đầu của sự hình thành nền văn hóa Đông Sơn, sự hình thành các dân tộc cổ đại vùng sông Mã từ cách đây 2.000 năm tới ngày nay.

Thanh Hóa có những trống Đông Sơn đẹp như trống Quảng Xương, Vĩnh Ninh, Thành Vinh, nhiều trống đào được ngay trong lòng đất của di chỉ Đông Sơn nổi tiếng ven bờ nam sông Mã. Có những chiếc trống trang trí đẹp, độc đáo như trống Vĩnh Hùng mà phần lưng trống có hình 6 con bò có u, 6 thuyền chở người và bò ở phần tang trống. Cái nét hoa văn thuyền chở bò này quả là hiếm gặp trên các trống Đông Sơn. Một số tư liệu mới cũng được công bố trong dịp này, như trống đồng Yên Thịnh, đào được ở huyện Yên Định năm 2011, vừa mới được phục chế có hoa văn chim Lạc được trang trí khá ngộ nghĩnh, có cả phần đùi chim chắc khỏe và chân chim có nhiều ngón.

Trong sách còn có ảnh, bản vẽ, bản dập của những chiếc trống loại II, vẫn được quen gọi là trống Mường tìm được nhiều ở Thanh Hóa. Một điều khá lý thú là những chiếc trống Mường được tìm thấy ở chính những bản người dân tộc Mường còn sinh sống. Nhiều bản ở Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thạch Thành gần đây người Mường vẫn còn sử dụng trống. Điều đó chứng tỏ người Mường là chủ nhân của trống loại này trong gần 2.000 năm. Qua nghiên cứu nghệ thuật, dáng trống, kỹ thuật đúc, các nhà khoa học còn thấy chính địa bàn Thanh Hóa là nơi có sự chuyển biến từ trống loại Đông Sơn sang trống Mường. Điều đó rất thú vị khi nghiên cứu quá trình chia tách và hình thành dân tộc Việt và Mường vốn được coi là trước đây cùng một ngôn ngữ, tộc người cổ đại.

Một chiếc trống loại III duy nhất có tên gọi là trống Trung Xuân, đào được trong hang đá ở huyện Quan Sơn cùng với nhiều đồ đồng thau khác, cũng được công bố bằng ảnh chụp. Trống loại III vốn được coi là trống ở vùng Myanmar, Thái Lan và có niên đại muộn, thì nay lại có mặt trong lòng đất Thanh Hóa, đã giúp các nhà khoa học đoán định: Phải chăng miền tây Thanh Hóa là một trong những địa bàn khởi nguồn của loại trống này?

Sách là một công trình công phu, công bố tư liệu gốc của 142 trống đồng của 3 loại mà Thanh Hóa sở hữu trong tổng số 4 loại trống theo phân loại của học giả F. Heger và một số chậu trống, trống đặc biệt khác nữa. Một số tư liệu về hai địa điểm thờ thần Đồng Cổ, tức thần trống đồng ở Đan Nê (huyện Yên Định) và Hoằng Minh (huyện Hoằng Hóa) cũng được công bố dịp này. Sách cũng điểm qua vài nét về truyền thống đúc trống ở nhiều làng nghề xứ Thanh.

Cuốn “Trống đồng Thanh Hóa” thực sự là công cụ hữu ích cho các nhà khoa học trong nước cũng như nước ngoài (một số phần trong sách được dịch ra tiếng Anh, được Nhà xuất bản Khoa học Xã hội biên tập) khi tìm hiểu về một báu vật cũng như lịch sử cổ đại của nước ta. Đây cũng là tài liệu quý giá để các nhà nghiên cứu mỹ thuật tham khảo về nền nghệ thuật xưa của cha ông.
                                                                                                           Theo: Lao Động
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

2
Đang xem:
72.518.351
Tổng truy cập: