KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
"Làng gốm" bên sông Hồng
(Ngày đăng: 13/07/2013   Lượt xem: 447)
Khởi đầu từ một "bến gốm", giờ đây, khu vực bãi sông Hồng thuộc phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) đã trở thành một chợ gốm khá sầm uất, nhiều người gọi đùa đây là một "làng gốm" thứ hai của Hà Nội.

Trước đây, khi thấy những hàng rong chở gốm len lỏi khắp các phố phường, tôi cứ nghĩ họ là người Bát Tràng đem hàng đi bán. Nhưng hỏi ra mới biết, hầu như tất cả những người bán gốm rong trên địa bàn Hà Nội đều xuất phát từ "làng gốm" ven sông Hồng, nằm trên địa phận phường Tứ Liên. Các làng gốm cổ đều nằm ở ven sông, cho nên từ lâu, những người buôn bán gốm đã dùng đường thủy là con đường vận chuyển chính hàng hóa này. Từ Ðông Triều (Quảng Ninh) hay Phù Lãng (Bắc Ninh), Bát Tràng... những thuyền chở gốm đưa hàng về nội thành Hà Nội tiêu thụ. Người ta thường tập kết gốm ở những bến ven sông Hồng như địa bàn các phường Phú Thượng, Tứ Liên, An Dương.

Khu vực Tứ Liên gần nội thành hơn cả, thuận tiện cho việc tiêu thụ, cho nên dần dần, những người buôn bán gốm tụ họp ngày một đông hơn. Những người buôn gốm không chỉ cất hàng tại đây, mà họ còn thuê đất bãi để bán hàng. Thế rồi, một khu chợ gốm đã ra đời, đến giờ đã được hơn mười năm. Chị Nguyễn Thị Ngoan, chủ bãi gốm ở đây cho biết: "Phần lớn chúng tôi người ở Lập Thạch (Vĩnh Phúc), quanh năm làm ruộng vất vả, mà thu nhập chẳng là bao. Lúc đầu có người làng ra đây bán gốm, thấy làm ăn được, thì kéo anh em, họ hàng, hàng xóm cùng đi. Chúng tôi "định cư" ở đây phần vì thuận tiện cho vận chuyển, phần khác khu vực này toàn là làng trồng đào, quất, cây cảnh, nên những người trồng hoa, cây cảnh tiêu thụ một lượng hàng đáng kể cho chúng tôi".

Giờ đang là mùa hè, chợ gốm nằm ở bãi sông không có bóng mát, nên cũng vắng khách. Nhưng vào dịp cuối tuần, rất nhiều người đến đây mua gốm. Mặc dù thiếu vắng những mặt hàng cao cấp, nhưng đến với chợ gốm Tứ Liên, gần như mặt hàng gì cũng có, từ các loại gốm trang trí nội thất, cho đến đồ thờ cúng, gốm mỹ thuật, gốm gia dụng... Người ta có thể chọn cho mình từ những con giống gốm có giá vài chục nghìn đồng, cho đến những chiếc lộc bình tiền triệu.

Nếu như chợ gốm Bát Tràng, mặt hàng chủ yếu là gốm tráng men thì tại chợ gốm Tứ Liên, có những gia đình chuyên doanh mặt hàng gốm sành (gốm đất nung) tráng men nâu, men da lươn nhập từ Phù Lãng. Anh Tuấn Anh - một khách hàng đến từ phố Nguyễn Lương Bằng cho biết: "Tôi rất hay đến chợ gốm Tứ Liên, mỗi lần đến là mất cả buổi chọn hàng.

Chợ gốm ở Tứ Liên có sức hút riêng với những người thích dùng gam mầu gốm mộc mạc như gốm Phù Lãng để làm đồ trang trí gia đình. Thay vì đi gần 60 km đến Bắc Ninh mới mua được gốm sành, người ta có thể mua ngay trong nội thành. Loại gốm này có vẻ đẹp riêng, rất dân dã". Giá cả ở chợ gốm Tứ Liên cũng dễ chịu hơn nhiều nơi khác. Ðôi khi, họ mua buôn cả lô hàng lỗi của một xưởng với giá rẻ. Sau đó, kỳ công chọn ra những sản phẩm còn tốt để bán hàng.

Người bán hàng ở đây chủ yếu là lấy công làm lãi. Khách hàng đến đây cảm nhận không khí mua bán thoải mái, bởi những người bán hàng còn giữ phong cách chân chất, quê mùa. Ðó là không nói thách nhiều, nhiệt tình hướng dẫn khách chọn hàng, cho dù xem hàng cả buổi, khách hàng có thể không mua gì. Chị Ngọc Anh, một chủ hàng gốm sành tâm sự, gia đình chị có bốn người. Bố mẹ chị làm ăn ở đây đã nhiều năm. Hai chị em sống ở quê, khi lớn lên theo bố mẹ nghề buôn gốm. Hằng ngày, bố mẹ chị trông nom việc bán hàng tại chỗ, còn hai chị em, mỗi người làm một chiếc xe bán gốm rong quanh thành phố, mỗi người kiếm được khoảng 150 nghìn đồng/ngày, tuy không nhiều, nhưng đỡ vất vả hơn làm ruộng.

Những thương hồ đến từ Vĩnh Phúc góp phần tạo nên một nét đẹp trong đời sống văn hóa Thủ đô. Nhưng cuộc sống của họ còn rất nhiều vất vả. Do là đất bãi, nên người bán hàng chỉ được dựng nhà tạm. Người ta không ai dám chắc về tương lai chợ gốm, bởi Hà Nội đã có chợ gốm Bát Tràng, khó có thể hy vọng chính quyền cho phép mở rộng chính thức chợ gốm này... Người dân chỉ biết cách kiên trì bảo ban nhau làm ăn, sinh sống thật kỷ luật để giữ tiếng, để giữ sự thiện cảm của mọi người, từ đó mới có thể hy vọng làm ăn lâu dài.

Rất nhiều người ngạc nhiên khi ven sông là bãi gốm bạt ngàn đến lóa mắt. Chẳng thế mà họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, người đề xuất ý tưởng "Con đường gốm sứ ven sông Hồng" từng kể rằng, chính một lần đi xuống bãi sông, nhìn thấy chợ gốm tấp nập, chị đã nảy ra ý tưởng tại sao không dùng gốm để làm đẹp thêm con đường ven sông? Ý tưởng đó giờ đã thành hiện thực và là một công trình đẹp của Thủ đô. Không chỉ là điểm đến của người thích chơi gốm sứ, những khách du lịch nước ngoài không hiểu bằng cách nào cũng bảo nhau đến đây khá đông vào dịp cuối tuần. Tất nhiên, đây còn là "phim trường" cho nhiều người mê chụp ảnh. Chợ gốm đẹp hơn giữa những mầu xanh ngắt của hoa, cây cảnh. Mai này, có thể nó sẽ không còn tồn tại, nhưng chợ gốm đã và đang đem đến một không gian thanh bình đầy thú vị giữa lòng Thủ đô.

                                                                                              Theo: Nhân Dân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.518.390
Tổng truy cập: