Làng nghề sản xuất bún, bánh đa đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương ở Hải Dương. Tuy nhiên, tiếng ồn, khói bụi và nước thải từ không ít làng nghề đã và đang tác động xấu đến môi trường.
Nhiều làng nghề sản xuất bún, bánh đa vẫn chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nên ảnh hưởng tới môi trường xung quanh
Nhiều tiếng ồn, khói bụi và mùi hôi thối
Làng nghề bánh đa Lộ Cương ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương) được UBND tỉnh công nhận từ tháng 6/2006. Làng hiện có 15 hộ sản xuất mỳ gạo quy mô lớn bằng hệ thống công nghệ lò hơi liên hoàn, sản lượng đạt khoảng 3-5 tấn/hộ/ngày.
Tới khu Lộ Cương A, nơi có nhiều hộ duy trì sản xuất bánh đa, mắt thường cũng nhìn thấy những ống khói từ lò hơi vẫn xả thẳng khói đen ra môi trường. Hầu hết các hộ đều sản xuất bằng hệ thống máy tráng bằng lò hơi, sử dụng củi đốt lấy hơi nóng sấy mỳ. Dù hầu hết các hộ sản xuất đều đã xây dựng bể lắng chứa nước thải nhưng nhiều hộ để nước thải từ các bể lắng này tự chảy tràn cả ra ngoài đường. Vào giờ cao điểm sản xuất, tiếng máy tráng liên hoàn của các hộ sản xuất hoạt động hết công suất gây tiếng ồn lớn. “Hằng ngày tiếng ồn, khói bụi, mùi khét từ lò hơi rất khó chịu. Nhiều hộ làm bánh đa nước thải không cho vào hệ thống để chảy tràn ra đường rất mất vệ sinh và mỹ quan đường phố. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị, nhưng chỉ được vài hôm tình trạng này lại đâu vào đấy”, bà N.T.T ở phố Nguyễn Ư Dĩ, khu Lộ Cương, phường Tứ Minh bức xúc nói.
Làng nghề bún Đông Cận, xã Tân Tiến (Gia Lộc) cũng được UBND tỉnh công nhận từ năm 2004. Đến nay, làng nghề này chỉ còn khoảng 30 hộ sản xuất, buôn bán bún. Tuy ít nhưng nhiều hộ đã chuyển sang sử dụng máy sản xuất bún liên hoàn, năng suất đạt 4 tạ - 1 tấn/ngày/hộ. Vì thế, lượng nước thải từ ngâm bột của các hộ thải ra môi trường tương đối lớn. Hầu hết các hộ sản xuất bún đều xây dựng hố ga hoặc hầm biogas để chứa nước thải, sau đó nước thải này chảy vào hệ thống nước thải chung của cả thôn rồi đổ ra kênh Đồng Tràng mà không hề được xử lý. “Vào mùa mưa còn đỡ, chứ vào mùa khô nước thải từ các nhà sản xuất chảy ra kênh chung bốc mùi hôi thối, rất khó chịu. Người dân nhiều lần kiến nghị cấp trên có giải pháp xử lý nước thải đối với các hộ làm bún nhưng vẫn chưa được giải quyết”, ông Nguyễn Xuân Phí, Trưởng thôn Đông Cận cho biết.
Cần giải pháp tổng thể
UBND phường Tứ Minh đã ban hành quy chế tạm thời quản lý hoạt động sản xuất mỳ gạo ở làng nghề bánh đa Lộ Cương trên với 7 chương, 14 điều quy định cụ thể trách nhiệm của gia đình, cá nhân, khu dân cư trong sản xuất mỳ gạo, cũng như các biện pháp xử lý với những trường hợp vi phạm. UBND phường cũng đã yêu cầu các hộ lắp đặt hệ thống phun sương dập khói bụi, xây dựng bể lắng chứa nước thải… Tuy nhiên, các hộ không sử dụng thường xuyên nên vẫn còn tình trạng xả khói đen ra môi trường.
Tại làng bún Đông Cận, dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải do Tổ chức Nghiệp đoàn của Cộng hòa Pháp tài trợ không thể thực hiện cũng do các hộ sản xuất còn ít và nằm rải rác. Nếu xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải thì phải làm chung toàn thôn gồm cả nước thải sinh hoạt, việc đặt ống thoát nước sẽ mất nhiều chi phí. Hơn nữa, theo đề án, nhà máy xử lý nước thải này sẽ bàn giao cho thôn tự quản lý, vận hành. Qua tính toán sơ bộ, để có đủ kinh phí vận hành thì mỗi hộ dân ở thôn Đông Cận phải đóng 100.000 đồng/hộ/tháng. Mức phí này đối với các hộ làm nghề thì chấp nhận được, nhưng nếu yêu cầu cả các hộ dân xả nước thải sinh hoạt bình thường phải đóng thì rất khó. Vì thế dự án này không khả thi và khó triển khai ở Đông Cận. Theo ông Nguyễn Thanh Ngành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, địa phương cũng đã quy hoạch và bố trí nguồn đất để xây dựng 1 khu tiểu thủ công nghiệp của xã với diện tích khoảng 2 ha. Chỉ có 1 hộ duy nhất chuyển ra xây dựng cơ sở nhưng cũng gặp khó khăn do dịch Covid-19, hiện đã đóng cửa. Các hộ còn lại không có nhu cầu chuyển ra bởi phải đầu tư lớn, trong khi các hộ có thể làm tại nhà.
Kênh Đồng Tràng đoạn qua thôn Đông Cận, xã Tân Tiến (Gia Lộc) vào mùa khô bốc mùi hôi thối khiến người dân bức xúc
Bài toán giải quyết ô nhiễm môi trường ở làng nghề bún Đông Cận hiện nay chỉ còn cách tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất xây dựng thêm các hầm biogas chứa nước thải, chủ động xử lý trước khi thải ra nguồn thoát nước chung của thôn, xã.
Theo ông Trần Tiến Quân, Phó Chủ tịch UBND phường Tứ Minh, địa phương yêu cầu các hộ sản xuất bánh đa phải chuyển đổi công nghệ sản xuất, thay sản xuất bằng củi lửa sang sử dụng công nghệ bằng điện. Với công nghệ mới này vừa giảm khí thải ra môi trường vừa không gây tiếng ồn. Khi hệ thống xử lý nước thải của thành phố hoàn thành, các hộ dân đấu nối vào hệ thống chung của khu thải ra sẽ hạn chế việc xả thải bừa bãi như hiện nay. Để khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề, trước mắt địa phương sẽ tăng cường tuyên truyền cho các hộ, đồng thời làm việc với bên cung cấp điện, nước nâng công suất cấp cho các hộ thay đổi công nghệ. Tuy nhiên, để thay đổi công nghệ, các hộ phải đầu tư số vốn khá lớn, nên địa phương đề nghị có chế độ hỗ trợ khoản vay ưu đãi ban đầu cho họ.
Theo báo cáo gần đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, toàn tỉnh hiện có 14/66 làng nghề chưa có phương án bảo vệ môi trường, chủ yếu là các làng nghề đã dừng hoạt động hoặc số lượng các hộ hoạt động ít, chỉ còn 2-3 hộ làm nghề. Có 9/66 làng nghề hoạt động phát sinh nước thải. Đây là nhóm làng nghề nấu rượu, làm bún, bánh đa, chế biến hàng nông sản, nhưng đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. 30/66 làng nghề hoạt động có phát sinh khí thải, bụi là nhóm làng nghề nấu rượu, làm bún, bánh đa, chế biến hàng nông sản, mộc…
Theo: baohaiduong.vn