MÔI TRƯỜNG + AN TOÀN LĐ
(29-33)- Kỳ 1: Nan giải vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề
(Ngày đăng: 21/11/2023   Lượt xem: 89)

Ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm môi trường tại các làng nghề nói riêng đã trở thành vấn đề báo động bấy lâu. Giải quyết tình trạng này, thời gian qua nhiều hội nghị, hội thảo được các cấp, ngành tổ chức để tìm giải pháp xử lý. Tuy nhiên, hiện không ít địa phương vẫn còn đang lúng túng trong quản lý, xử lý thực trạng ô nhiễm môi trường làng nghề, khiến hàng nghìn người dân tại các làng nghề vẫn phải chấp nhận sống chung với ô nhiễm.

Ô nhiễm làng nghề vẫn nhiều nhức nhối

Cùng với các huyện như Thường Tín, Phú Xuyên, Thạch Thất, Đông Anh… Hoài Đức (Hà Nội) cũng là một trong những địa phương có nhiều làng nghề truyền thống như nghề bánh kẹo - dệt kim La Phù; điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng; chế biến nông sản (miến, bún phở khô, bánh đa) ở Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai, Lưu Xá… Thời gian qua, mặc dù các cấp chính quyền và người dân địa phương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, xử lý vấn nạn ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn huyện Hoài Đức, tuy nhiên, thực trạng này cho đến nay dù có giảm nhưng không đáng kể.

Kỳ 1: Nan giải vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề
Chất thải sản xuất được xả trực tiếp ra kênh thoái nước tại làng nghề Cát Quế (Hoài Đức)

Xã Dương Liễu, một trong những làng nghề làm miến dong, bánh kẹo lâu đời ở huyện Hoài Đức và thành phố Hà Nội. Thực tế cho thấy, làng nghề truyền thống Dương Liễu khá phát, nhiều gia đình đã có thu nhập cao từ nghề truyền thống sản xuất miến và bánh kẹo. Tuy nhiên, chính sự phát triển manh mún, thiếu đồng bộ, thiếu quy hoạch, đã khiến người dân sinh sống tại làng nghề Dương Liễu và khu vực xung quanh phải đối diện với tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề.

Dương Liễu những ngày này đã bắt đầu bước vào “chính vụ” sản xuất miến dong, bánh kẹo phục vụ nhu cầu cho người dân dịp Tết Nguyên đán, vì thế, không khó để chúng tôi bắt gặp hình ảnh sản xuất tất bật của người dân địa phương. Tuy nhiên, cùng với sự hối hả trong sản xuất, điều khiến chúng tôi “ấn tượng” chính là mùi hôi thối, ngai ngái khó chịu của nước thải, mùi ngâm các loại củ, tinh bột sắn… hòa trộn vào nhau. Do thiếu diện tích, sản xuất quy mô nhỏ lẻ, nhiều hộ gia đình sau khi sản xuất đã xả thải trực tiếp ra kênh thoát nước T2, rồi chảy thẳng ra sông Đáy… khiến nhiêu kênh rạch bị ô nhiễm nặng, nước biến thành màu đen đục, đóng keo.

Cũng như Dương Liễu, một điểm nóng về ô nhiễm môi trường làng nghề tại huyện Hoài Đức đó là làng nghề sản xuất miến, mạch nha, chăn nuôi và giết mổ gia cầm xã Cát Quế. Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề tại xã Cát Quế không những không giảm, mà ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Thừa nhận vấn đề ô nhiễm môi trường tại xã Cát Quế ngày càng trở nên nghiêm trọng, trong Phương án bảo vệ môi trường làng nghề xã Cát Quế, ông Trần Văn Long Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Cát Quế đề cập, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ô nhiễm môi trường tại xã Cát Quế chủ yếu là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ sản xuất còn lạc hậu. Sau khi sản xuất, các chất thải chưa qua xử lý được người dân xả trực tiếp vào các ao, hồ, hoặc đổ ra mương rãnh công cộng. Trong khi đó, hệ thống hạ tầng xử lý chất thải còn thiếu, chưa đồng bộ...

Không chỉ có huyện Hoài Đức, huyện Thạch Thất (Hà Nội) cũng là địa phương có tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề “nóng” trên địa bàn Thủ đô. Trong đó, bên cạnh các xã làng nghề truyền thống như Hữu Bằng, Canh Nậu, Dị Nậu… thì Chàng Sơn, với nghề mộc, chạm trổ, làm quạt giấy truyền thống đang cho thấy sự phát triển nhanh về quy mô. Về Chàng Sơn, bên cạnh hình ảnh nhà nhà làm mộc, người người làm mộc, thì điều gây “ấn tượng” chính là âm thanh phát ra từ những tiếng máy cưa, máy xẻ gỗ và đến cả sự ô nhiễm không khí từ bụi gỗ, hóa chất phun sơn.

Kỳ 1: Nan giải vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề
Khó khăn trong vấn đề xử lý môi trường tại các làng nghề đó là đa số các cơ sở sản xuất thường nằm ngay trong các hộ gia đình. Do đó, nhiều hộ gia đình mong muốn có quy hoạch bài bản để mở cơ sở xuất để góp phần bảo vệ môi trường

Cũng giống như các các làng nghề tại huyện Hoài Đức, một điểm chung tại các làng nghề truyền thống ở huyện Thạch Thất, đó là đa phần cơ sở sản xuất mộc thường được nằm ngay trong các hộ gia đình và nằm sâu trong các ngõ nhỏ. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường về không khí, tiếng ồn, hóa chất, nước thải… mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, sức khỏe, tính mạng của nhiều thế hệ trong gia đình và người dân sinh sống tại các làng nghề.

Tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân

Theo số liệu từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề chiếm gần 30% tổng số làng nghề trong cả nước (trong đó khoảng 1.000 làng nghề Thủ công mỹ nghệ), 321 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND Thành phố công nhận, tập trung tại 24 quận, huyện, thị xã. Trong đó, các làng nghề phát triển chủ yếu với các nghề truyền thống như gốm sứ, dệt lụa, mây tre đan, vàng bạc đồng kim khí, đồ gỗ mỹ nghệ, hoa nghệ thuật (hoa khô, hoa lụa, hoa đất...), sơn mài, khảm trai, thêu ren...

Hàng năm, tổng doanh thu của các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội ước đạt bình quân 20.000 tỉ đồng. Trong đó, có khoảng 20 làng nghề cho doanh thu hơn 50 tỉ đồng/năm. Kinh tế làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua từng năm. Cùng với doanh thu lớn, sự phát triển của các làng nghề còn giúp cải thiện đáng kể thu nhập cho lao động nông thôn.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngoài những giá trị kinh tế mang lại, sự phát triển của các làng nghề cũng đặt ra những vấn đề cấp thiết về ô nhiễm môi trường. Kết quả rà soát mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, trên địa bàn Thành phố hiện có khoảng 139 làng nghề đang bị ô nhiễm nghiêm trọng; gần 100 làng nghề khác cũng đang trong tình trạng ô nhiễm. Các làng nghề gây ô nhiễm chủ yếu thuộc nhóm ngành nghề như: Thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản - thực phẩm, dệt - may mặc, gia công cơ kim khí… Trong khi đó, có đến 36% tổng số hộ sản xuất trong các làng nghề không có công trình xử lý chất thải; khoảng 60% số hộ có hệ thống xử lý nhưng còn rất thô sơ, chưa đạt quy chuẩn.

Kỳ 1: Nan giải vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề
Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề không chỉ ảnh hưởng tới sự phát thương hiệu, sản phẩm làng nghề truyền thống, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hướng đến sức khỏe người dân.

Từ những số liệu trên có thể thấy, thực trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố chưa được thực hiện đồng bộ, thậm chí nhiều làng nghề chưa được thực hiện. Do đó, toàn bộ nguồn nước thải ra tại các làng nghề hầu hết được xả trực tiếp ra các ao hồ trong khu vực, dẫn đến ô nhiễm cục bộ tại các ao, mương thoát nước làm ảnh hưởng đến chất lượng nước, không khí trong khu vực. Cùng với đó, việc đầu tư các hệ thống xử lý bụi, mùi, nước thải chưa được thực hiện đồng bộ nên các hệ thống này chưa xử lý được triệt để các nguồn ô nhiễm tại làng nghề.

Đề cập đến vấn đề này, GS.TS Đặng Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, không khí làng nghề ô nhiễm do khói bụi, nước thải sản xuất không qua xử lý, các chất thải rắn đổ bừa bãi khắp nơi làm môi trường bị ô nhiễm, giảm năng suất cây trồng, vật nuôi hoặc gây nhiễm độc theo dây chuyền thực phẩm, chất lượng sông, ao, hồ giảm sút… gây tác động xấu tới đa dạng sinh học và chất lượng môi trường sống, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng dân cư sống trong khu vực.

“Bệnh tật của người dân làng nghề cao hơn ở các làng thuần nông và thường mắc các bệnh về đường hô hấp, đau mắt, bệnh ngoài da, bệnh đường ruột. Một số làng nghề có đặc thù sản xuất dẫn tới các bệnh nan y vì nhiễm độc kim loại nặng. Riêng với phụ nữ, ảnh hưởng tới sức khỏe rõ rệt như rối loạn phụ khoa, đau lưng, đau thần kinh… Trong khi đó, với trẻ em, tỉ lệ viêm đường hô hấp rất cao, chiếm từ 80 - 90% tại các làng nghề tái chế chất thải”, GS.TS Đặng Kim Chi cho hay.

Có thể thấy, thực trạng ô nhiễm môi trường không chỉ diễn ra ở Hà Nội, mà còn diễn ra trên khắp cả nước. Về lâu dài, bên cạnh việc ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân; ô nhiễm môi trường làng nghề còn làm giảm sức hút đối với du lịch và phát sinh những xung đột như, xung đột giữa các nhóm xã hội trong làng nghề, giữa cộng đồng làm nghề và không làm nghề, giữa các hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp, giữa hoạt động sản xuất và mỹ quan, văn hóa và cả xung đột trong hoạt động quản lý môi trường... Điều này vô hình chung sẽ tạo nên những vấn đề mới khó giải quyết.

Kỳ 2: Đổi mới công nghệ sản xuất để giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề

                                        Theo:  laodongthudo.vn                               
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

16
Đang xem:
72.476.471
Tổng truy cập: