MÔI TRƯỜNG + AN TOÀN LĐ
(29-33)- Công nghiệp nông thôn Hà Nội “xanh hóa” giảm chi phí, tăng lợi nhuận
(Ngày đăng: 09/09/2023   Lượt xem: 179)

Ứng dụng thiết bị tiên tiến vào sản xuất, sử dụng năng lượng thay thế là một cách tiếp cận làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng đã và đang là giải pháp giúp Hà Nội xanh hoá làng nghề. Giảm được chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo cho làng nghề phát triển bền vững.

Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội chia sẻ về giảm thiểu tiết kiệm năng lượng ở Bát Tràng ảnh: Hải Anh
Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội chia sẻ về giảm thiểu tiết kiệm năng lượng ở Bát Tràng. Ảnh: Hải Anh

Làng nghề thực hiện tiết kiệm năng lượng

Thống kê của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, hiện có 70% máy móc, trang thiết bị ở các làng nghề đơn giản, thủ công. Dẫn đến các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm thường bị ô nhiễm do đốt nhiên liệu, do sự phân hủy yếm khí các chất hữu cơ có trong nước thải, chất thải rắn như CO2, NH3, CH4. Không khí tại các làng nghề mây tre đan, làm nón, tăm hương… bị ô nhiễm do khâu sấy chống mốc dùng diêm sinh gây phát sinh một lượng lớn khí SO2. Số máy móc hiện đại chỉ tập trung tại một số làng với những ngành nghề như dệt, may, gốm sứ. Bên cạnh đó, hệ thống xử lý nước thải tại các khu vực làng nghề nhìn chung vẫn chưa được quan tâm đầu tư xây dựng. Do vậy, ô nhiễm môi trường đang trở thành tình trạng chung, là vấn đề nổi cộm của hầu hết các làng nghề ngoại thành Hà Nội và ngày càng có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống cũng như phát triển sản xuất.

Theo TS. Nguyễn Thị Tòng - Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Mỹ thuật Sản phẩm làng nghề Việt Nam cho biết: Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề hoàn toàn có thể khắc phục được nếu áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, đồng thời, tăng hiệu quả kinh tế. Chính vì vậy, sản xuất sạch hơn được xem là một hướng đi và là xu hướng tất yếu để hạn chế lãng phí nguyên, nhiên liệu, góp phần phòng ngừa tổng hợp về môi trường, nâng cao hiệu suất và giảm thiểu rủi ro.

Bà Hà Thị Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội chia sẻ về giảm thiểu tiết kiệm năng lượng ở Bát Tràng, Hà Nội: Trước đây mỗi ngày, làng nghề tiêu thụ khoảng 800 tấn than và thải vào môi trường các loại khí độc hại: CO, SO2, H2S, bụi silic, chất thải rắn... Tuy nhiên, kể từ khi Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Quỹ Môi trường toàn cầu của UNDP triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các DN nhỏ và vừa ở Việt Nam” tại làng nghề đã giúp các DN và các hộ gia đình tại Bát Tràng chuyển đổi công nghệ nung gốm từ các lò than, lò gas truyền thống sang lò gas hiện đại.

Từ khi sử dụng công nghệ đốt gas LPG để nung sản phẩm gốm sứ giúp người lao động trong làng giảm tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm tới 30% vì thế lợi nhuận cũng tăng gấp 2-3 lần so với công nghệ cũ. Ngoài ra còn giúp tăng tỷ lệ sản phẩm ra lò đạt tiêu chuẩn chất lượng tới 95% so với mức 60%-70% trước kia. Doanh thu của xã Bát Tràng hiện nay đạt 400 tỷ đồng/năm, bình quân 22 triệu đồng/người, lợi nhuận tăng gấp 2-3 lần so với công nghệ cũ. Đến này, Bát Tràng đã có gần 1000 hộ sử dụng lò nung gốm bằng khí gas hóa lỏng (LPG). Nhờ có hơn 90% các hộ sản xuất gốm sứ chuyển sang sử dụng công nghệ lò gas LPG đã giúp giảm tiêu hao năng lượng, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.

Tương tự, Bà Nguyễn Thị Thủy, GĐ HTX mây tre đan xuất khẩu Phú Vinh, (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) đã áp dụng sản xuất sạch. Trước khi chưa áp dụng sản xuất sạch hơn, DN bị hao hụt tới 10% mây tươi ở khâu luộc, tẩm, thu mua. Hóa chất tổn thất nhiều do hệ thống luộc và tẩm mây làm bằng xi măng không có gia nhiệt, cũng ở khâu này, thêm 10% nguyên liệu tiếp tục bị hao hụt. Khi thực hiện sản xuất sạch hơn, kết quả mang lại rất khả quan, lượng nguyên liệu hao hụt giảm mạnh, DN không mất nhiều chi phí, đặc biệt, giảm phát thải ra môi trường.

TS. Nguyễn Như Chinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cho biết: Sản xuất sạch hơn được xem là một hướng đi và là xu hướng tất yếu để hạn chế lãng phí nguyên, nhiên liệu, góp phần phòng ngừa tổng hợp về môi trường, nâng cao hiệu suất và giảm thiểu rủi ro. Tình trạng sử dụng lãng phí năng lượng, kèm với đó là vấn đề ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề làm giảm sức cạnh tranh và tính bền vững của các DN làng nghề.

Giải pháp thực hiện

Tiết kiệm năng lượng cụ thể là tiết kiệm điện: Phần lớn điện năng được tạo ra từ nước, than, dầu khí… đều là những nguồn năng lượng của thiên nhiên, do vậy nếu sử dụng lãng phí thì nguồn tài nguyên sẽ nhanh chóng cạn kiệt. Tiết kiệm năng lượng có lợi ích rất to lớn góp phần bảo vệ nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường, giảm rác thải hiệu ứng nhà kính, đóng góp cho ngành năng lượng và nền kinh tế đất nước phát triển bền vững.

Ông Lại Đức Tuấn, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho hay: Các làng nghề ở nước ta hiện vẫn còn một bộ phận các cơ sở sản xuất đang sử dụng các thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng. Ví dụ đối với ngành sản xuất giấy, chi phí năng lượng thường chiếm từ 20 - 40% giá thành sản phẩm. Chi phí suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm tại các cơ sở sản xuất giấy, đặc biệt là các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, luôn cao hơn từ 1,5 đến 2,0 lần so với sản phẩm cùng loại do các nước trong khu vực sản xuất.

Vì thế cần phải chuyển đổi sang máy móc hiện đại để giảm thiểu tiêu hao năng lượng và tăng năng suất lao động. Bằng cách, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất: Tận dụng thời gian máy hoạt động hiệu quả, giảm thời gian máy chạy không tải. Sử dụng máy có công suất phù hợp công việc. Luôn cải tiến kỹ thuật, cải tiến công nghệ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Sử dụng năng lượng thay thế: Một thí dụ điển hình là việc chuyển đổi lò bầu dùng than chuyển sang dùng lò ga nung gốm ở Bát Tràng vừa dễ điều chỉnh nhiệt độ nung, nâng cao chất lượng sản phẩm vừa giảm khí CO ô nhiễm môi trường.

Theo các chuyên gia, hầu hết các cơ sở sản xuất tại làng nghề đều có tiềm năng giảm lượng nguyên, nhiên liệu tiêu thụ từ 10-15%. Ông Trịnh Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cho rằng: Một trong những cách để giảm chi phí sản xuất lại chính là việc đầu tư máy móc thiết bị. Các máy móc thiết bị với công nghệ hiện đại thay thế cho một số công đoạn sản xuất thủ công ở làng nghề có thể có chi phí đầu tư ban đầu cao, nhưng giải quyết được vấn đề năng suất lao động, chi phí nhân công, nâng cao chất lượng sản phẩm và từ đó góp phần làm giảm chi phí sản xuất...

                                                 Theo:  phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.476.442
Tổng truy cập: