MÔI TRƯỜNG + AN TOÀN LĐ
(98)- Đưa các cơ sở chế biến gỗ ra khỏi khu dân cư
(Ngày đăng: 24/02/2022   Lượt xem: 262)
Thời gian gần đây, hoạt động chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang sôi động. Do phát triển “nóng”, mạnh ai nấy làm nên hầu hết các cơ sở chế biến gỗ gây ô nhiễm tiếng ồn và bụi bẩn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. 

Bức xúc vì bụi, ồn

Toàn tỉnh có hơn 720 cơ sở chế biến gỗ, chủ yếu là bóc gỗ, băm dăm, ván xẻ thanh, đồ mộc dân dụng. Phần lớn các cơ sở này nằm trong khu dân cư, quá trình hoạt động gây tiếng ồn, bụi bẩn, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của hộ dân xung quanh. Khảo sát tại xã Đông Sơn (Yên Thế), hiện địa phương này có hơn 60 cơ sở bóc gỗ, băm dăm, ván xẻ thanh. Các xưởng chế biến gỗ tại đây đều nằm trong khu dân cư. 

Sản xuất đồ mộc dân dụng tại làng nghề mộc Bãi Ổi, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang).

Sản xuất đồ mộc dân dụng tại làng nghề mộc Bãi Ổi, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang).

Mới đầu năm nhưng hoạt động chế biến gỗ đã diễn ra sôi động. Gỗ nguyên liệu, gỗ bóc được chất thành đống cao từ 3-5 m, sát đường giao thông liên xã, đoạn từ thị trấn Bố Hạ qua xã Đông Sơn. Máy bóc, máy xẻ hoạt động cả ngày. Nhiều thời điểm, việc bốc xếp gỗ còn diễn ra cả ban đêm. Ông Nguyễn Văn H, thôn Đông Kênh chia sẻ: “Ngày nào chúng tôi cũng phải nghe âm thanh phát ra từ máy xẻ gỗ rất khó chịu. Vào những ngày nắng hanh, bụi gỗ bay khắp nơi. Vì các chủ xưởng gỗ đều là người thân hay hàng xóm nên rất ngại góp ý”.

Làng nghề mộc Bãi Ổi, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) có gần 100 hộ làm nghề mộc, tạo việc làm cho khoảng 400 lao động trong và ngoài xã với thu nhập khá, quá trình hoạt động cũng ảnh hưởng xấu đến môi trường. Tại đây, các công đoạn như: Bào, cưa, xẻ, phun sơn, máy đục vi tính (CNC) gây bụi, khí dung môi và tiếng ồn lớn. Nhiều hộ còn lấn chiếm hành lang giao thông để sản xuất, kinh doanh, sử dụng quạt công nghiệp thổi bụi bẩn ra đường, ngõ xóm.

Thực tế, việc gây tiếng ồn từ các hộ chế biến gỗ bóc, ván xẻ, đồ mộc dân dụng vẫn chưa thấm vào đâu so với các cơ sở băm dăm gỗ. Ví như, xưởng chế biến dăm gỗ của Công ty TNHH Hùng Mười, thôn Trại Một, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn), cách xa hàng trăm mét vẫn nghe thấy tiếng ồn do máy băm gỗ phát ra. 

Hơn nữa, bãi để nguyên liệu và phế phẩm chất thành những đống lớn dọc 2 bên đường liên thôn qua xưởng gây nguy hiểm cho người và phương tiện giao thông. Cách cơ sở này khoảng 200 m là xưởng chế biến dăm gỗ của doanh nghiệp tư nhân Quang Hùng, khi hoạt động cũng gây ô nhiễm tiếng ồn và bụi bẩn, bị người dân trong thôn khiếu nại lên các cấp chính quyền trong tỉnh. Cuối năm 2021, doanh nghiệp này đã phải chi gần 600 triệu đồng khắc phục, xử lý ô nhiễm.

Ngoài gây ô nhiễm môi trường, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trong tỉnh còn tự ý san gạt, hạ cốt nền đất trồng cây lâu năm tạo sân phơi sản phẩm; lấn chiếm hành lang giao thông, gây ra không ít vụ tai nạn.

Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm

Nghị định số 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định các dự án xây dựng cơ sở chế biến gỗ có công suất dưới 3 nghìn m³ sản phẩm/năm phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường. Đồng thời phải có xác nhận của Chủ tịch UBND cấp huyện thì mới được hoạt động. 

Việc lập kế hoạch bảo vệ môi trường cho các cơ sở này như một sự ràng buộc trách nhiệm giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với cộng đồng và cơ quan hữu quan nhằm bảo đảm phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sống. Tuy nhiên hiện nay, ngoài các nhà máy chế biến lớn (gỗ ép, gỗ công nghiệp) và một số ít cơ sở chế biến gỗ bóc, băm dăm có kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định, đa phần cơ sở chế biến gỗ đều không có kế hoạch này. 

Nguyên nhân là do UBND cấp huyện, xã, phòng tài nguyên và môi trường không thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá tác động môi trường tại các cơ sở chế biến gỗ. Bên cạnh đó, nhiều chủ cơ sở sản xuất, chế biến gỗ chưa nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, mạnh ai nấy làm gây ra tình trạng ô nhiễm, khiến nhiều hộ dân bị ảnh hưởng.

Theo Chi cục Kiểm lâm, toàn tỉnh có hơn 720 cơ sở chế biến gỗ, gồm 60 tổ chức, còn lại là hộ gia đình, cá nhân. Công suất thiết kế đạt hơn 2 triệu m3/năm; sản lượng gỗ xuất bán hơn 650 nghìn (m3 hoặc tấn), giá trị gỗ xuất khẩu hơn 550 tỷ đồng/năm.

Việc các cơ sở chế biến gỗ gây ô nhiễm môi trường diễn ra đã lâu nhưng đến nay chỉ có TP Bắc Giang và huyện Hiệp Hoà có quy hoạch và xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) làng nghề để các hộ sản xuất có điều kiện ra sản xuất tập trung. 

Dù vậy, sau gần 10 năm xây dựng, điều chỉnh quy hoạch, dự kiến phương án giá đất, đến nay các CCN này vẫn chưa đi vào hoạt động. 

Ông Nguyễn Văn Doanh, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch TP Bắc Giang cho biết, hiện TP vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án và mức tiền đấu giá quyền sử dụng đất kinh doanh tại CCN làng nghề Bãi Ổi. Dự kiến sang quý 2 năm nay, TP mới tổ chức đấu giá.

Ngày 17/2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 219/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030, toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp, diện tích khoảng 7 nghìn ha và 63 CCN, diện tích hơn 3 nghìn ha. 

Ông Thân Nhân Khuyến, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Yên Thế cho biết, trong diện tích đất quy hoạch CCN của tỉnh, riêng xã Đông Sơn có hơn 60 ha dành cho sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tập trung nên các hộ chế biến gỗ trên địa bàn sẽ có cơ hội chuyển đến nơi sản xuất mới.

Thực tế, các cơ sở chế biến gỗ đã tạo việc làm, thu nhập cho hàng nghìn lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế rừng và sản xuất đồ mộc của tỉnh với giá trị khoảng 4 nghìn tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, vấn đề môi trường do các cơ sở này gây ra rất đáng lo ngại. Dù tỉnh đã có quy hoạch “gom” các cơ sở chế biến gỗ vào CCN nhưng đó là phương án lâu dài. Trước mắt, chính quyền các địa phương, ngành chức năng cần có biện pháp quản lý hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ hiệu quả, xử lý nghiêm vi phạm, sớm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

                                            Theo:  baobacgiang.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.392.484
Tổng truy cập: