MÔI TRƯỜNG + AN TOÀN LĐ
(99)-Hành trình cải tạo môi trường Phong Khê: Bài cuối - Nơi sự sống được hồi sinh
(Ngày đăng: 04/10/2021   Lượt xem: 598)

Những ngày này về phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, mỗi người đều cảm nhận được sự đổi thay của môi trường. Ở đây, không còn cảnh khói bụi đầy đường hay nước sông hôi thối bốc lên nồng nặc; không có các công trình nhà xưởng lấn chiếm hành lang đê điều thủy lợi, đất nông nghiệp... Có được kết quả trên là nhờ đến sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và sự đồng thuận của các doanh nghiệp.
Khi doanh nghiệp đồng lòng
Chú thích ảnh

 
Hệ thống xử lý nước thải CCN Giấy Phong Khê. Ảnh: baobacninh.com.vn

Ông Nguyễn Văn Lại, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhất Hảo, phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh cho biết, trước đây khi xây dựng nhà máy sản xuất giấy, do chưa hiểu biết đầy đủ về xây dựng hệ thống sản xuất gắn với bảo vệ môi trường nên không đầu tư hệ thống xử lý nước thải và rác thải.

Trong quá trình đi vào sản xuất, ông cũng thấy bất cập, "phá hủy" môi trường sống. Theo yêu cầu của các cấp chính quyền từ cuối tháng 4/2021, cơ sở sản xuất của ông đã tạm dừng hoạt động và thực hiện theo đúng quy định của tỉnh về xây dựng hệ thống xử lý xử lý nước thải, khí thải và tháo dỡ toàn bộ nhà xưởng vi phạm công trình thủy lợi. Theo đó, ông đã đầu tư 5 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải với công nghệ tuyển nổi qua xử lý vi sinh. Nhờ vậy, nước thải thải ra từ quá trình sản xuất được tuần hoàn 100% để tiếp tục quy trình sản xuất mới. Gia đình ông cũng hoàn thành việc tháo dỡ 300m2 diện tích lấn chiếm đất trên công trình thủy lợi.

Nếu như trước đây, mỗi tháng với năng lực sản xuất gần 1.000 tấn giấy thương phẩm, toàn bộ đều sử dụng than củi gây ô nhiễm môi trường, đến nay gia đình ông đã chuyển sang sử dụng hơi để đốt lò. Nhờ vậy, môi trường đã có sự cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, thực hiện theo quy định của tỉnh về tạm ngừng sản xuất tại khu vực làng nghề để khắc phục vấn đề môi trường, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, bởi hầu hết các doanh nghiệp trong làng nghề đều phải vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh. Nhiều tháng doanh nghiệp không hoạt động, không sản xuất ra giấy, trong khi đó vẫn phải nuôi công nhân lao động, bảo trì máy móc, xây dựng thêm hệ thống xử lý nước thải, trả lãi ngân hàng... Nghiêm trọng hơn, do không đáp ứng được các đơn hàng nên mất nhiều đối tác. Bởi vậy, các doanh nghiệp đề nghị tỉnh Bắc Ninh sớm cho các doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm những yêu cầu của tỉnh được đi vào vận hành; đồng thời, có chủ trương động viên, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện tốt.

Cũng giống như Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhất Hảo, Công ty Sản xuất và Kinh doanh giấy Trường Sơn, phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh sản xuất giấy từ năm 2004. Ban đầu cơ sở sản xuất thủ công với quy mô nhỏ, sau đó áp dụng máy móc, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lớn. Đến nay, trước yêu cầu về thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường công ty rất ủng hộ chủ trương của tỉnh thời gian qua. Đây cũng chính vì mục tiêu phát triển bền vững làng nghề, anh Ngô Văn Sơn, Công ty Sản xuất và Kinh doanh giấy Trường Sơn cho biết. Thực hiện theo chủ trương đó, doanh nghiệp của anh đã cùng với chủ 3 doanh nghiệp cùng xây dựng chung hệ thống xử lý nước thải với tổng chi phí khoảng 4 tỷ đồng. Song song với đó, doanh nghiệp cũng chấp hành mọi quy định về bảo vệ môi trường, mua hơi để đốt lò, xử lý rác thải theo đúng quy định.

Nơi sự sống được hồi sinh

Theo ông Nguyễn Hà, Bí thư Đảng ủy phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố Bắc Ninh, phường Phong Khê đã yêu cầu các cụm công nghiệp, khu dân cư, sản xuất trong toàn phường thành lập 5 tổ tự quản tại: Cụm Công nghiệp Phong Khê I, Cụm công nghiệp Phong Khê II, khu Dương Ổ, khu Đào Xá và khu Châm Khê. Các tổ tự quản có nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của tỉnh, địa phương về bảo vệ môi trường; đồng thời, hướng dẫn, đôn đốc các công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong địa bàn phường đảm bảo các tiêu chí về khí thải, nước thải, rác thải hoạt động theo đúng pháp luật về bảo vệ môi trường. Đến nay, các tổ tự quản đã hoạt động theo đúng chức năng nhiệm vụ và phát huy hiệu quả.

Anh Quách Văn Thiết, Tổ trưởng Tổ tự quản khu Dương Ổ, phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh cho biết, ngay sau khi có thông báo số 43 của UBND tỉnh về kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn tại buổi làm việc xử lý ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê vào cuối tháng 4/2021, tổ tự quản khu Dương Ổ đã được thành lập ngày 10/5. Tổ gồm 4 người có nhiệm vụ tập hợp các thành viên khác trong khu thành lập các tổ tự quản nhỏ có nhiệm vụ đi từng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tuyên truyền chủ trương của tỉnh về bảo vệ môi trường. Đồng thời, kịp thời phát hiện sai phạm các hộ và trực tiếp nhắc nhở, ngăn chặn các hành vi vi phạm. Đến nay, 120/120 hộ sản xuất, kinh doanh trong khu đều chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường.

Cùng với việc phát huy vai trò của các tổ tự quản và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, đến nay về Phong Khê, môi trường như được thay da đổi thịt. Điều thấy rõ nhất là sự thay đổi trên sông Ngũ Huyện Khê, từ một “dòng sông chết”, đến nay sự sống đang hồi sinh, nảy nở.

Ông Nguyễn Văn Bền, khu Đào Xá, phường Phong Khê chia sẻ, đã hơn 20 năm trở lại đây, ông mới được sống trong bầu không khí trong lành như vậy. Trước đây, khi ra khỏi nhà, người dân phải che chắn cẩn thận, nếu không đeo kính thì bụi bẩn và thường xuyên bị mắc các bệnh về hô hấp, mắt. Đặc biệt, dòng sông đặc quánh nước thải, rác, không có sinh vật nào có thể sống được, nên mỗi khi đi qua dòng sông, mùi ô nhiễm bốc lên nồng nặc. Nhưng đến nay, nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy nước sông trong hơn trước rất nhiều. Theo ông Bền, mỗi ngày ông còn đánh bắt được 5kg cá trên sông.

Còn ông Nguyễn Tiến Ngào, Bí thư Chi bộ khu phố Dương Ổ, phường Phong Khê cho biết, sau hơn 4 tháng vào cuộc quyết liệt bảo vệ môi trường tại Phong Khê, đến nay môi trường sống của người dân đã từng bước được cải thiện. Hiện nay, mong muốn lớn nhất của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tại đây là các cấp chính quyền có định hướng, hướng dẫn nhân dân để làng nghề phát triển bền vững.

Sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp cùng sự phối hợp của doanh nghiệp, cộng đồng người dân tại Phong Khê đã và đang giúp môi trường hồi sinh mạnh mẽ. Tuy nhiên, đây mới là thành quả bước đầu. Việc tiếp tục duy trì và giữ vững thành quả này sẽ cần sự chuyển biến trong ý thức và hành động của doanh nghiệp, người dân cũng như sự giám sát chặt chẽ của các cấp chính quyền.

                                           Theo:  baotintuc.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

26
Đang xem:
72.468.038
Tổng truy cập: