Tự hào bao nhiêu...
Sông Nhuệ không phải là con sông lớn như sông Hồng, tuy nhiên sông Nhuệ lại gắn bó sâu sắc với dân tộc Việt từ những buổi đầu dựng nước. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40-42 tại thượng nguồn sông Nhuệ, nay vẫn còn hội chèo tàu ở Tân Hội (Đan Phượng) mô phỏng lại tích xưa là minh chứng rõ ràng nhất. Con sông dài 76km lấy nước từ sông Hồng, chảy uốn éo qua các huyện Đan Phượng, quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, huyện Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên (TP Hà Nội), huyện Duy Tiên và kết thúc ở TP Phủ Lý (Hà Nam). Dọc con sông là biết bao ngôi làng cổ, nghề cổ, tích xưa mà nghe thôi cũng đủ biết vai trò của những dòng sông đối với đời sống con người quan trọng như thế nào.
Cuối thế kỷ XIX, ở miền Bắc, làng Cự Đà bên dòng sông Nhuệ nổi tiếng giàu có. Không chỉ với nghề làm miến, làm tương truyền thống mà bởi có giao thương thuận tiện. Ông cha ta từng có câu “nhất cận thị, nhị cận giang” để nói về điều kiện phát triển thương mại mà ở Cự Đà lại có cả hai. Đặc biệt, làng Cự Đà có nhiều điểm thích hợp để đóng bến bãi, thuận tiện cho thuyền bè neo đậu, xếp dỡ hàng. Nhờ có sông Nhuệ mà Cự Đà giàu bền vững qua bao nhiêu thế kỷ.
|
Ngôi nhà cổ của ông Lai ở làng Cự Đà đã 103 tuổi được làm từ gỗ chuyển bằng đường sông Nhuệ. |
Làng Cự Đà nay nổi tiếng với nhiều ngôi nhà cổ, nhà cửa kin kít nhau, nối giữa chúng là các con đường gạch chỉ đỏ au. Giao thương phát triển, cộng thêm “chất Âu hóa” xâm nhập, nhiều ngôi nhà theo kiến trúc Pháp được xây dựng, bên cạnh các ngôi nhà có kiến trúc cổ thuần Việt.
Thăm ngôi nhà cổ nhất nhì Cự Đà của ông Đinh Văn Lai, tôi được biết ngôi nhà đã 103 tuổi do cha ông Lai xây dựng từ năm 1918, khi đó cha ông Lai là một chủ buôn có tiếng. Ngôi nhà được xây dựng bằng gỗ vàng tâm, chỉ có móng và tường được xây bằng gạch, những khối gỗ nặng vài tấn được chuyển theo đường biển từ vùng Thanh Hóa, Nghệ An rồi đi vào Cự Đà theo sông Nhuệ và phải mất đến 2 năm ngôi nhà mới xây dựng xong.
Có thể thấy sông Nhuệ chẳng những giúp cho người dân Cự Đà thuở ban đầu lập làng phát triển nông nghiệp, rồi sang thương nghiệp, mà trong cả xây dựng, sông Nhuệ cũng góp công để có một làng cổ Cự Đà như ngày nay.
Nói chẳng quá khi cho rằng sông Nhuệ là nguồn sữa mẹ dồi dào và yên bình, vì nước sông không mấy khi lên cao, hệ thống đê điều được đắp từ thời Lý đến thời Lê sơ cơ bản đã hoàn thiện.
Đặc biệt, ở các ngã ba sông Nhuệ giao nhau với các phụ lưu tấp nập thuyền bè. Như ở Trại Ổi, nơi ngã ba sông Nhuệ - sông Tô Lịch, nay là làng Nhị Khê (huyện Thường Tín) trứ danh với ổi tiến vua từ thời Lý. Dân Nhị Khê từ ngày đó đã đông đúc, rồi sản sinh ra bao nhiêu nhân tài như cha con Nguyễn Phi Khanh - Nguyễn Trãi. Cách đó có vài bước chân là làng hát trống quân Đan Nhiễm bao đời nay vẫn gìn giữ điệu hát như mạch ngầm văn hóa nuôi lớn bao thế hệ nam thanh nữ tú.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Vẫy (83 tuổi) kể với tôi rằng, bà tiếc nuối cái thời nam thanh nữ tú hát trống quân dong thuyền trên sông Nhuệ. Bà bảo, hát trống quân chính là hát giao duyên, dong thuyền như hát quan họ, lời hát ngẫu hứng nhưng giờ thì khó vì chẳng còn mấy ai để ý đến làn điệu từng nức tiếng đất Đan Nhiễm này.
Chẳng vậy mà sông Nhuệ còn được gọi là con sông dân ca. Ngoài hát trống quân, bên dòng sông Nhuệ còn khai sinh ra các làn điệu chèo Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, làng chèo Nghiêm Xá (Thường Tín), làng chèo Tri Trung, hò cửa đình múa hát bài bông làng Phú Nhiêu (huyện Phú Xuyên), chắc chắn không phải điều ngẫu nhiên mà đó là văn hóa vùng sông nước chiêm trũng, văn hóa của vùng ven đô theo kiểu “nửa tỉnh nửa quê” mà người ta thường nói.
Sông Nhuệ chảy đến đâu, nhân tài xuất hiện đến đó. Vùng thượng lưu Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) là quê hương của Thái úy phụ chính Tô Hiến Thành, xuôi xuống làng Đại Mỗ có Tể tướng Nguyễn Quý Đức, làng Đa Sĩ (Hà Đông) có “thần y” Hoàng Đôn Hòa, làng Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) có dòng họ Ngô Thì; làng Hòe Thị (Thường Tín) nhà thơ Dương Trực Nguyên hay làng Tri Trung (Phú Xuyên) có tiến sĩ Nguyễn Nho...
...Xót xa bấy nhiêu
Tôi gặp lão nông Trần Quang Tuyến (thôn Phú Lương, xã Tân Minh, Thường Tín) trong một buổi chiều đầy nắng, ông Tuyến không khỏi tự hào giới thiệu về vựa rau gia vị Tân Minh đã có hàng trăm năm. Nhưng, lạ thay, hầu hết các hộ ở Tân Minh đều không lấy nước sông Nhuệ để tưới rau, đơn giản vì đến ngửi mùi thôi đã thấy khó chịu, nếu tưới rau thì ai đảm bảo rằng thứ nước “đen, thối” đó không trở lại bàn ăn của các gia đình. Vậy tưới bằng cách nào? Để có nguồn nước tưới, các hộ sản xuất ở Tân Minh đều đào giếng khoan và phun giàn mưa, đảm bảo rau gia vị an toàn đến bàn ăn của mọi gia đình, còn nước ăn hầu hết đều sử dụng nước máy.
|
Rác thải bủa vây ở chân cầu dân sinh bắc qua sông nối thôn Đan Nhiễm và Liễu Nội (Thường Tín). |
Không nói đâu xa, cách đây chừng 20 năm, ông nội tôi (thôn Yên Phú, xã Văn Phú) từng có những bè rau muống rất lớn trên sông Nhuệ, một vài bè cá. Tôi hồi đó thường giúp ông thả bỏ trên triền đê xanh mơn mởn, nô đùa cùng đám bạn nối khố tuổi thần tiên. Giờ thì bò bê đã hết, cỏ cao ngập đầu, gạch vỡ mảnh sành bị người ta mang ra đổ chẳng còn ai dám đi chân trần xuống triền đê như ngày xưa.
Và rồi, thứ nước đen sì và hôi thối đó từ đầu nguồn thải về, từ các nhà máy pin, phân lân ở đầu nguồn cứ ào ào thay áo cho sông Nhuệ. Chẳng ai dám ăn rau do ông nội tôi bán nữa, mấy bè cá chết nổi lềnh phềnh, ai đi xe trên đê sông Nhuệ đều phải bịp mũi mà đi thật nhanh, trạm bơm xả nước bọt nổi bồng bềnh trắng xóa. Và, đã 20 năm rồi, vẫn màu nước ấy, vẫn con sông đó nhưng chẳng còn được sử dụng làm con đường thông thương cũng như tưới tiêu. Có người còn quá lời bảo “ghét” con sông này vì hằng ngày phải nhìn thấy nó, hít mùi ô nhiễm của nó.
Nhưng, thực tế là, chẳng con sông nào tự nhiên ô nhiễm mà tất cả đều do con người. Không phải do người này thì sẽ do người kia. Thậm chí, ô nhiễm không chỉ đến từ việc xả trộm nước thải mà còn đến từ nước thải các làng nghề, nơi mà người ta “đồng thuận” đổ rác, đốt rác trên đê, bất chấp một vài biển cấm cắm cho có.
|
Ông Đinh Văn Lai - chủ nhân ngôi nhà cổ ở Cự Đà.
|
Nổi tiếng nhất là một số làng nghề như kim khí Liễu Nội, chăn ga gối đệm Trát Cầu (Thường Tín), làm hương ở xã Văn Hoàng (Phú Xuyên)... những bọc rác thải, phế liệu vô tư vứt xuống lòng sông hoặc đốt ở trên đê. Đáng kể nhất là ở Trát Cầu, nhiều hộ sản xuất đốt len, bông thừa bốc khói đen nghi ngút, khét lẹt làm các triền cỏ cháy rụi không thể mọc lại. Đã có những lần, tôi phải lao xe máy trong vô định trên đường đê bởi khói đen phủ kín không còn nhìn thấy đường. Sợ hãi và sợ hãi.
Xót xa nhất có lẽ phải nhắc đến cụm từ “làng ung thư” như ở xã Văn Hoàng mỗi năm có hàng chục người chết do bệnh ung thư, xã Văn Phú (huyện Thường Tín) tuy chỉ có 2 thôn nhưng số lượng bệnh nhân ung thư cũng không kém, nào ung thư ruột, đại tràng, phổi... Chưa có nghiên cứu nào cụ thể chỉ ra nguyên nhân ung thư từ ô nhiễm nguồn nước từ sông Nhuệ nhưng hỏi một số người dân sống dọc dòng sông thì từ ngày sông Nhuệ ô nhiễm, số ca ung thư ở địa phương cứ tăng dần đều. Người ta chẳng dám phán đoán chính xác thứ nước đen sì đó là nước gì nhưng mỗi khi các trạm bơm trên đê sông Nhuệ bơm nước là bọt bay trắng xóa như xà phòng, chẳng còn chút mùi phù sa nào còn vương trong trí nhớ.
Những trăn trở
Những năm gần đây, hai bờ sông Nhuệ đã được bê tông hóa, một số đoạn đê xung yếu được kè gia cố. Tín hiệu vui khi càng xuôi dòng về phía Nam thì con sông “dễ thở” hơn đối với con người. Có lẽ vì dưới hạ lưu sông rộng hơn, nguồn nước ô nhiễm không thể tấn công được nhiều, nước thải làng nghề được quản lý chặt chẽ hơn, một số nơi còn có sen bồng bềnh như ở các xã Chuyên Mỹ, Hoàng Long của huyện Phú Xuyên.
|
Ông Tuyến không lấy nước sông Nhuệ tưới rau mà dùng nước giếng khoan. |
Tuy nhiên, khi nhiều đoạn đường đê chưa kịp hoàn thành thì một số đoạn đã bị cày xới tả tơi. Ông Vũ Văn Thanh, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Thượng, xã Chuyên Mỹ cho rằng, tuyến đường đê là đường dân sinh, phải hạn chế các xe có trọng tải lớn vào đê. Lòng đường đê nhỏ, xe tải chạy vào đê gây nguy hiểm cho các phương tiện khác. Ngay như đoạn đê chạy qua xã Chuyên Mỹ đã bị băm nát nhiều năm nay bởi xe tải, cát bụi bay mù mịt những ngày khô nắng.
Trước sự phát triển của kinh tế xã hội, nhiều làng cổ bị “đô thị hóa”, nghề xưa mang đầy nét văn hóa truyền thống bị mai một dần, sông Nhuệ từ chỗ vun đắp, bồi dưỡng để hình thành làng, nghề thì nay chứng kiến sự lụi tàn, thoái hóa.
Như tại Cự Đà, tốc độ đô thị hóa cao, nhiều hộ dân muốn phá bỏ nhà cổ để thay vào đó là các ngôi nhà gác nhiều tầng, tiện cho sinh hoạt, nguồn thu từ du lịch không lớn khiến họ đứng trước sự day dứt, dùng dằng. Hiện, Cự Đà có khoảng 50 ngôi nhà cổ, không ít trong số đó đang xuống cấp nghiêm trọng và có thể đi vào thiên cổ.
Năm 2008, trước tình hình ô nhiễm nặng nề của sông Nhuệ, TP Hà Nội đã có kế hoạch chấn hưng dòng sông này, xây dựng nhiều nhà máy xử lý nước thải, song đến nay, tình trạng ô nhiễm dòng sông vẫn hiện hữu, mùi hôi thối vẫn phảng phất khi đi trên đê, không thể phát hiện bất kỳ con cá nào bơi lội dưới dòng sông. Một phần cũng vì nguồn nước thải sinh hoạt đổ ra sông ngày càng nhiều do mật độ dân cư tăng và chưa có chế tài xử phạt nghiêm minh các hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Nay, cảnh trên bến dưới thuyền ở sông Nhuệ như các khu vực Chuôn - Tre - Đồng Vàng (Phú Xuyên) hay ra vào tấp nập đê làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) không còn nữa, vai trò tưới tiêu, mang phù sa chăm bẵm đồng ruộng cũng dần bị lu mờ, khu vực nào người dân còn ăn nước giếng khoan đều phải khoan sâu ít nhất 50 mét. Vì vậy, sông Nhuệ cần phải trở về là một con sông trong sạch, mát lành, điều hòa không khí cho khu vực phía Nam TP Hà Nội.
Với lòng khắc khoải của một người con lớn lên bên dòng sông Nhuệ, gần 20 năm không nhìn thấy màu và ngửi thấy vị phù sa, tôi chỉ ước ao và vương vấn rằng, một ngày nào đó, chúng ta sẽ trả lại màu, vị cho dòng sông, để không cảm thấy có lỗi với môi sinh, có lỗi với nguồn sữa mẹ nghìn năm.