Hiện nay, 4 thôn nghề mộc ở thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc đã và đang tạo việc làm ổn định, góp phần nâng cao thu nhập, làm giàu cho nhiều hộ dân. Bên cạnh các yếu tố tích cực, các làng nghề mộc nằm xen giữa các khu dân cư đang gây ra những hệ lụy không nhỏ về môi trường, sức khỏe của người dân. Nghiêm trọng hơn, đất làng ngày chật hẹp, nhiều gia đình chiếm dụng lề đường tập kết gỗ lại là vấn đề nan giải...
Từ ô nhiễm môi trường
Thị trấn Yên Lạc chủ yếu tập trung ở 4 thôn (Thôn Đông, Đoài, Tiên, và Trung) khoảng gần 4 nghìn hộ dân chiếm trên 70% dân số làm nghề mộc. Các xưởng sản xuất nằm chen chúc giữa các khu dân cư, nhiều gia đình tận dụng khuôn viên sân nhà làm xưởng sản xuất, xưởng lớn hơn chục công nhân, xưởng nhỏ cũng 3 - 5 người. Mặc dù chủ các xưởng mộc đã có ý thức xây tường ngăn hoặc sử dụng bạt che, vách ngăn, quạt thông gió, máy hút bụi để giảm bớt ô nhiễm, nhưng thực tế bụi gỗ và mùi sơn vẫn lan tỏa trong không khí đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái.
Nhiều hộ còn sử dụng hóa chất ngâm, tẩm gỗ, sau khi ngâm xong, nước thải chưa qua xử lý được thải trực tiếp ra môi trường. Tỷ lệ những người dân mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp ở thị trấn Yên Lạc những năm gần đây khá phổ biến.
Ông Dương Bá Quyền, Chủ tịch UBND thị trấn Yên Lạc và ông Lê Đức Ngọc, Phó công an TT Yên Lạc (Vĩnh Phúc) không dấu khỏi sự lo lắng bởi tình trạng các hộ làm mộc chiếm dụng lề đường, vỉa hè tập kết gỗ gần như trở thành thói quen nhiều năm rất khó giải quyết triệt để.
Chúng tôi về Thôn Đông, TT.Yên Lạc mới tới đầu con ngõ dẫn vào các xóm nhỏ đã cảm nhận hơi nóng và mùi hóa chất sơn gỗ nồng nặc, từ những xưởng mộc nằm san sát nhau và từ những đống gỗ phơi ngồn ngộn ven đường.
Tại một xưởng mộc nằm ngay đầu ngõ, ông Nguyễn Phú Loan, người dân sống ở làng mộc cho biết cho biết: "Nhà tôi không làm mộc, chỉ buôn bán tạp hóa dịch vụ. Ngày nào chúng tôi cũng tiếp xúc với bụi gỗ, mạt cưa, mùi sơn, tiếng máy khoan, tiếng cưa gỗ ngày càng khiến bầu không khí nơi đây… thực sự ô nhiễm. Biết là ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, nhưng sống ở làng nghề thì chúng tôi cũng đành chịu, nhà nào cũng vậy, hứng chịu lau thành quen".
Không riêng gì hộ ông Loan, nhiều hộ khác ở thị trấn Yên Lạc dường như đều có phần chủ quan với bụi bẩn và mùi hóa chất. Một điều dễ nhận thấy là hầu hết các cơ sở sản xuất và các cửa hàng đồ gỗ nơi đây đều nằm ở ven đường, xen lẫn với khu dân cư đông đúc. Các gia đình thường tận dụng nhà ở tầng một làm nơi chế biến gỗ và đóng đồ mộc, đồng thời làm địa điểm giao dịch với khách. Mặc dù chủ các xưởng mộc đã có ý thức xây tường ngăn hoặc sử dụng bạt che, vách ngăn, quạt thông gió, máy hút bụi để giảm bớt ô nhiễm, nhưng thực tế, bụi gỗ và mùi sơn vẫn lan tỏa ngột ngạt trong không trung. Hơn nữa rác thải mạt cưa vương vãi, chảy tràn vào cống rãnh. Ngay ở gần sân bóng, trường tiểu học và trung học cơ sở của thị trấn cũng có hàng chục cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ mộc, khiến bầu không khí các lớp học bị ô nhiễm.
Vì là trung tâm lớn chuyên sản xuất đồ mộc của huyện Yên Lạc và tỉnh Vĩnh Phúc, cho nên gỗ từ các nơi đổ về thị trấn Yên Lạc nhiều vô kể. Các gia đình tận dụng mọi khoảng sân, góc nhà, lối đi, ngõ ngách, vỉa hè đường giao thông, bờ ruộng làm nơi tập kết gỗ, càng khiến cho không gian làng nghề thêm bức bối. Ngay cả đoạn tường của trụ sở UBND thị trấn Yên Lạc và khu vực gần nghĩa trang cũng xuất hiện những đống gỗ to, nhỏ nằm ngổn ngang.
Bà Nguyễn Thị Hoa, thôn Tiên thở dài: Nghề mộc đã khiến dân làng tôi đổi đời nhưng nỗi khổ vì ô nhiễm thì ngày càng rõ, không khí ô nhiễm hành hạ chúng tôi triền miên suốt nhiều năm qua. Nhà nào làm mộc hoặc ở gần xưởng mộc, người già, trẻ nhỏ hay bị tức ngực, khó thở, lúc nào cũng cứ phải lấy tay che mũi, bịt miệng. Chẳng biết có phải vì ô nhiễm bụi gỗ hay không mà mấy năm nay, số người chết vì bệnh ung thư nhiều lên.
Thực trạng ô nhiễm môi trường trong không khí từ bụi gỗ và mùi sơn, trong nguồn nước do sử dụng hóa chất ngâm, tẩm gỗ...ở thôn Đoài, thôn Trung cũng rất nghiêm trọng.
Ông Dương Bá Quyền, Chủ tịch UBND TT Yên Lạc chia sẻ: Nghề mộc càng phát triển thì môi trường làng nghề càng có nguy cơ bị đe dọa. Chính quyền huyện và thị trấn đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Tuy nhiên, với sự phát triển nóng như nghề gỗ nơi đây, xem ra việc này hạn chế ô nhiễm vẫn chưa có câu trả lời.
Đến bất an về trật tự giao thông
Hàng ngày, gỗ từ các nơi đổ về 4 thôn thị trấn Yên Lạc nhiều vô kể. Cả thị trấn có trên 500 đầu xe ô tô các loại. Các gia đình tận dụng mọi khoảng sân, góc nhà, lối đi, ngõ ngách, vỉa hè, bờ ruộng làm nơi tập kết gỗ, khiến không gian làng nghề càng thêm bức bối.
Nhiều tài xế chạy xe chở khách về thôn Đoài, TT Yên Lạc không khỏi ám ảnh bởi đi bất cứ con ngõ nào của thôn cũng không thể lách qua được các đống gỗ xếp thành khối cứ nối dài từ nhà nọ sang nhà kia.
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lề đường mất trật tự an toàn giao thông ở Thôn Đoài và các thôn lân cận khiến người dân rất bức xúc.
Anh Nguyễn Hữu Quyết, người chạy xe Taxi ở TT.Yên Lạc cho biết: Ám ảnh nhất khi chạy xe vào thôn Đoài xe chạy bất cứ giờ nào cũng bắt gặp cảnh bốc xếp hàng gỗ. Đi chẳng được, quay đầu xe cũng không xong bởi đường hẹp, nhiều đống gỗ tập kết chiếm dụng lòng đường càng khó di chuyển".
Theo giải thích của người dân ở thôn Đoài, hầu hết nhà nào cũng làm nghề mộc, không trực tiếp sản xuất thì cũng kinh doanh dịch vụ từ mộc do đó việc tập kết gỗ do diện tích đất chật hẹp nên các hộ sử dụng vỉa hè, lề đường tập kết.
Ông Hoàng Văn Khang chủ cơ sở kinh doanh gỗ ở thôn Đoài tâm sự: "Biết là vi phạm hành lang an toàn giao thông, vi phạm trật tự đô thị nhưng do không còn cách nào khác chúng tôi đành sử dụng tạm. "UBND thị trấn và lực lượng công an nhiều lần tuyên truyền và đã xử phạt nhưng sau thời gian gia đình tôi cũng như các hộ lân cận lại tái phạm nhưng đó là bất đắc dĩ", ông Khang lý giải thêm.
Trao đổi với PV, ông Dương Bá Quyền, Chủ tịch UBND thị trấn Yên Lạc và ông Lê Đức Ngọc, Phó công an TT Yên Lạc (Vĩnh Phúc) không dấu khỏi sự lo lắng bởi tình trạng các hộ làm mộc chiếm dụng lề đường, vỉa hè tập kết gỗ gần như trở thành thói quen nhiều năm rất khó giải quyết triệt để.
Trên tay cầm hàng loạt các văn bản, quyết định về công tác triển khai đảm bảo an ninh trật tự triển khai gay gắt từ năm 2019 đến 2020 và kế hoạch triển khai 2022 về thiết lập công tác trật tự giao thông ở làng nghề, ông Quyền cho biết: "Rất nhiều quyết định ban hành, nhiều phương pháp tuyên truyền về trật tự giao thông, đô thị và hiện nay là nhiều văn bản xử phạt các hộ làm mộc lấn chiếm lề đường, vỉa hè nhưng gần như giải quyết xong dân vẫn thói quen cũ lại tập kết đâu lại vào đấy".
Ông Lê Đức Ngọc, Phó trưởng Công an TT .Yên Lạc chia sẻ: Lực lượng công an chính quy quá trình thực hiện dân bước đầu tuôn thủ nhưng lực lượng quá mỏng, chỉ 5 cán bộ trong đó có cán bộ cử đi học, do đó không đủ lực để thường xuyên kiểm tra xử lí. Về trang thiết bị công cụ hỗ trợ đang còn thiếu thốn vì vậy rất khó khi triển khai cưỡng chế tịch thu đồ các hộ vi phạm.
Theo ông Ngọc, thời gian gần đây khi tiếp nhận các vấn đề người dân phản ánh bức xúc về tình trạng các xe tải tập kết những đống gỗ cao gây mất an toàn, lực lượng công an đã tập trung xử lí, xử phạt.
Vẫn loay hoay tìm giải pháp
Dự án CCN làng nghề Minh Phương (Yên Lạc) do Công ty cổ phần KEHIN làm chủ đầu tư là một trong nhóm giải pháp nhằm giảm áp lực cho 4 làng nghề nhưng theo ông Ông Dương Bá Quyền, Chủ tịch UBND TT Yên Lạc thì cụm CCN Minh Phương chỉ giải quyết được phần nhỏ. Bởi với số lượng, quy mô 4 làng nghề thì CCN Minh Phương chưa đáp ứng được.
Được biết, dự án Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương là dự án Nhà nước thu hồi đất và đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 1081/QĐ - UBND 07/4/2017, về việc thành lập và giao chủ đầu tư xây dựng - kinh doanh hạ tầng CCN làng nghề Minh Phương. CCN làng nghề Minh Phương được đầu tư xây dựng tại khu vực Đồng Nắng, thị trấn Yên Lạc và xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc với tổng diện tích gần 34 ha; ngành nghề thu hút đầu tư vào CCN Minh Phương là ưu tiên, khuyến khích đầu tư thuộc các lĩnh vực, ngành nghề cơ sở sản xuất, ít gây ô nhiễm môi trường: Sản xuất VLXD; sản xuất chế biến gỗ, mộc dân dụng; sản xuất chất phế liệu; điện tử, cơ khí chế tạo và các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Dự án CCN làng nghề Minh Phương (Yên Lạc) do Công ty cổ phần KEHIN làm chủ đầu tư. Đến thời điểm hiện tại, việc triển khai dự án CCN làng nghề Minh Phương đã giải phóng mặt bằng được gần 28/34ha. Trong đó trong đó, hơn 14 ha thuộc địa phận thị trấn Yên Lạc và gần 20 ha thuộc địa phận xã Nguyệt Đức. Tại xã Nguyệt Đức đã hoàn thành GPMB xong diện tích của 236 hộ dân và bàn giao 100% mặt bằng sạch. Tại thị trấn Yên Lạc đã thực hiện GPMB và bàn giao mặt bằng được hơn 6 ha, chỉ còn lại gần 2 ha đất 5 % của xã và hơn 6 ha diện tích đất của 116 hộ khu vực Đồng Nắng, thôn Vĩnh Trung, thị trấn Yên Lạc chưa nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng với lý do cho rằng, đơn giá bồi thường còn thấp, giá thỏa thuận với chủ đầu tư và phải được chi trả tiêu chuẩn đất dịch vụ,...
Được biết, đơn giá BT-GPMB, thực hiện công trình cụm Công nghiệp làng nghề Minh Phương được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước. Các hộ, cá nhân, bị thu hồi đất được BT-GPMB mức bồi thường bình quân là 83,6 triệu đồng/sào (360m2). Tổng số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án gần 100 tỷ/34ha, đến nay tổng số tiền BT- GPMB người dân đã nhận trên 70 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo UBND TT Yên Lạc, để dự án sớm được hoàn thành, UBND huyện Yên Lạc cùng các ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước trong công tác đền bù, GPMB, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu triển khai dự án CCN làng nghề Minh Phương.
Có thể nói, về lâu dài chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã có giải pháp nhưng trước mắt đời sống người dân vẫn ngày đêm hứng chịu ô nhiễm môi trường, đặc biệt là mất an toàn giao thông, trật tự đô thị. Trước thực trạng này, người dân vẫn kiến nghị chính quyền Thị trấn Yên Lạc, Công an TT. Yên Lạc cần kiên quyết vào cuộc xử lí các vấn đề nhức nhối mà người dân bức xúc.