Đến Tân Tây vào những ngày này, không khỏi choáng ngợp trước tán mai vàng xanh mượt, nụ nhú đầy cành chuẩn bị khoe sắc khắp chốn thị thành trong những ngày xuân. Hình ảnh nông dân chân lấm tay bùn trên những thửa tràm bạt ngàn hay ruộng lúa xanh tươi đã được thay vào đó là những gốc mai vàng mơn mởn đã làm cho làng quê trên vùng Đồng Tháp Mười tràn đầy sức sống, tươi vui sau một năm khó khăn vì dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng Ban đại diện làng trồng mai vàng xã Tân Tây (huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) cho biết, làng mai vàng hình thành và phát triển mạnh là bà con học hỏi từ anh Trần Văn Thống (sinh năm 1981) ở ấp 4, xã Tân Tây. Anh Thống là một thanh niên trong xã, sau một năm theo nghệ nhân học nghề trồng cây cảnh tại Bến Tre, anh đã mang cây mai vàng từ quê hương Đồng Khởi (Bến Tre) về vùng Đồng Tháp Mười này trồng. Năm 2003, anh xin gia đình đốn tràm trồng cặp kênh nội đồng để trồng 500 cây mai vàng trên diện tích gần 2.000 mét vuông. Sau năm năm chăm sóc anh bán được gần 500 triệu đồng, trừ chi phí, lợi nhuận thu về hơn 300 triệu đồng.
Từ hiệu quả của anh Thống bà con đã học làm theo, đến nay, đã nhân rộng cả một cánh đồng rộng 265 ha, với 300 hộ dân canh tác. Giá trị kinh tế thu về của cây mai vàng sau bốn năm trồng cao gấp 20 lần so với trồng lúa hai vụ. Từ ngày bà con chuyển đổi từ cây lúa qua cây mai vàng cuộc sống trong từng nông hộ sung túc hơn và phát triển lên rõ nét, nhà tường, biệt thự mọc lên ngày càng nhiều, hộ giàu tăng lên theo độ tuổi của cây mai. Sau bốn năm đầu tư trồng mai vàng, trừ phí khoảng 120 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu về khoảng 800 triệu/một ha/năm. So với cây lúa thì cây mai rất bền vững, không lo đầu ra vì mai vàng càng lớn giá trị càng cao.
Tháng 7-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đã công nhận làng nghề với tên “Làng mai vàng Tân Tây”. Vẻ đẹp đặc trưng của cây mai vàng Tân Tây là được nghệ nhân tạo giàn đế và bộ rễ từ lúc mới trồng nên đến cây trưởng thành đẹp hơn các nơi khác ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Phạm Văn Mười, nhà vườn trồng mai ở ấp 4, xã Tân Tây (huyện Thạnh Hóa) rất vui vì 500 gốc mai vàng trị giá hơn một tỷ đồng đã được thương lái ký hợp đồng thu mua. So với năm trước, sau khi trừ chi phí đầu tư ông Mười thu về lợi nhuận cao gấp đôi. Hiện tại, vườn mai vàng của ông Mười còn khoảng 1.500 gốc mai vàng đang thương lượng giá với thương lái.
Ông Mười cho biết: Lúc trước làm lúa kinh tế gia đình chỉ ở mức trung bình. Từ ngày chuyển đổi sang trồng mai kinh tế tốt hơn rất nhiều. Nhờ cây mai Tết này gia đình ăn Tết trong căn nhà mới xây đựng trị giá hơn một tỷ đồng, lo cho con đi học, mua sắm đầy đủ tiện nghi trong nhà, cuộc sống của gia đình thoải mái hơn lúc còn làm lúa.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Tây (huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) Trần Văn Hè cho biết: Làng mai đã nhen nhóm phát triển cách đây sáu năm và mạnh nhất là trong ba năm trở lại đây. Nếu như năm 2018, toàn xã chỉ mới có hơn 180 ha đất tràm, đất lúa được bà con chuyển qua trồng mai vàng thì đến cuối năm 2020 đã tăng lên 260 ha, với 300 hộ dân chuyên trồng mai kiểng với số lượng hơn 50 nghìn cây. Bình quân một héc-ta trồng 2.000 cây mai vàng, sau bốn năm đầu tư, trừ chi phí người dân thu về lợi nhuận ròng hơn 800 triệu đồng/ha/năm.
Từ ngày làng mai được công nhận làng nghề, thu thập của bà con tăng lên khá cao. Từ đó, phong trào sản xuất nông dân giỏi năm 2020 đạt khá cao so với năm 2019. Tạo được công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương với mức thù lao 500 nghìn đồng/ngày/người. Năm 2020, tổng thu nhập của bà con trồng mai trong xã đạt hơn 70 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về cao gấp 20 lần so với trồng lúa. Thu nhập của nông dân trồng mai tăng lên đã đóng góp cùng với địa phương xây dựng nhiều kết cấu hạ tầng trong việc xây dựng nông thôn mới.
Ông Hè nói: Trồng lúa thu nhập chỉ khoảng 30 đến 40 triệu đồng/ha/năm thì trồng mai vàng đã giúp nhiều bà con tại xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa đổi đời và ngày có nhiều hộ nông dân trở thành khá giả. Trong số 300 hộ dân trồng mai vàng thì đã có khoảng 30% gia đình đã có thu nhập hơn một tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Hoàng là một trong nhiều nông dân điển hình trồng mai tại xã Tân Tây cho thu nhập rất cao. Với 4.000 gốc mai vàng được trồng trên diện tích 2 ha, sau bốn năm chăm sóc lợi nhuận thu được hơn 3,6 tỷ đồng.
Hiện tại, toàn bộ nông dân chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, đất trồng tràm ở xã Tân Tây đều thành công và ngày càng có thêm nhiều hộ dân đã trở thành tỷ phú. Tổng doanh thu của 300 hộ dân trồng mai vàng ở làng mai Tân Tây năm 2020 là 70 tỷ đồng. Định hướng của địa phương đến năm 2025 là phát triển làng mai gắn với du lịch sinh thái cộng đồng để quảng bá thương hiệu làng mai Tân Tây, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân địa phương.
Với sự phát triển nhanh chóng về diện tích và số lượng mai vàng, vùng Đồng Tháp Mười đã và đang trở thành vùng đất của mai vàng, đã và sẽ góp phần tô điểm sắc xuân phương nam thêm rực rỡ.