Nằm ven sông Đáy, thôn Trại Trung (xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ) vẫn giữ được phong cảnh hữu tình với rặng duối, khóm tre bao trùm, vẳng tiếng chuông nhà thờ mỗi chiều dịp cuối tuần. Nhưng gần đây, từ khi chăn nuôi phát triển, môi trường sống của người dân nơi đây dần biến đổi theo hướng ngày càng xấu. Chỉ cần đi đến đầu thôn, đã “cảm nhận” được mùi không mấy dễ chịu từ phân gia súc, mùi nước cống lưu cữu lâu ngày.
Tuy là thôn thuộc diện “vùng sâu vùng xa”, nhưng không gian sống của người Trại Trung rất chật chội, nhà dân đa phần là kề hồi giáp mái. Trong cái không gian chật hẹp ấy, lại có nhiều hộ chăn nuôi đến cả chục con bò, lợn. Vì vậy chỗ ở của người và gia súc đôi khi chỉ cách nhau vài bước chân. Vậy nên dẫu có sử dụng hầm bioga và dọn rửa thế nào vẫn không thoát khỏi mùi hôi thối. Đặc biệt là tại khu vực phía Tây của thôn Trại Trung có 4 gia đình (là anh em ruột), cùng lúc nuôi mấy chục con bò, hàng ngày xả ra một lượng lớn chất thải, gây ô nhiễm môi trường.
Các thôn Cầu Bầu, Phú Lương Thượng, Đạo Tú (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) là nơi có nghề làm tăm hương. Tại đây, không khí quanh năm mù mịt bởi bụi bặm từ sản xuất tăm hương từ tre, nứa và tiếng ồn từ máy móc đưa lại. Trên những mái nhà xưởng, chỗ nào cũng ken dày một lớp bụi màu vàng, thậm chí cây cối xung quanh các xưởng sản xuất cũng ám một màu bụi bặm.
Những ngày này, cư dân thuộc các thôn nằm ngoại đê sông Đáy (ven kênh tiêu T5) thuộc các xã Cát Quế, Dương Liễu, Yên Sở, Đắc Sở, Tiền Yên (huyện Hoài Đức)… cũng suốt ngày phải đóng chặt cửa vì mùi hôi thối từ kênh tiêu nước bốc lên. "Thủ phạm" gây ra mùi hôi là nước thải từ các cơ sở chế biến nông sản nằm ở ngoại đê của xã Dương Liễu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, vùng bãi của xã Dương Liễu hiện có khoảng trên 30 hộ sản xuất tinh bột sắn và dong riềng, với sản lượng bình quân trăm tấn nguyên liệu mỗi ngày và 100% số hộ sản xuất tinh bột vùng bãi chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Toàn bộ nước và bã thải đều xả thẳng ra sông Đáy. Hiện tại đoạn sông Đáy (giáp ranh giữa xã Yên Sở, huyện Hoài Đức và xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) đã “đóng băng” bởi bùn thải, còn mùi hôi thì chẳng ai có thể chịu nổi…
Chưa có giải pháp khả thi
Theo ông Hà Văn Nhuận - Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Diệu (huyện Chương Mỹ), xã cũng rất đau đầu về tình trạng ô nhiễm môi trường ở thôn Trại Trung, nhưng do không có quỹ đất để xây dựng khu chăn nuôi tập trung, nên trước mắt cũng chưa có giải pháp nào khả dĩ. Dù vậy, tình trạng ô nhiễm ở thôn Trại Trung giờ đây cũng được cải thiện vì xã Hoàng Diệu mới được đầu tư tuyến kênh tiêu phục vụ nông nghiệp nên lượng nước thải từ khu dân cư cũng được tiêu thoát phần nào. Tuy nhiên, theo một người dân thôn Trại Trung, số lượng bò đang được các hộ nuôi trong thôn chừng 600 con. Có những gia đình chăn nuôi nhiều, họ cũng đào hầm bioga, nhưng do số lượng bò quá nhiều nên phân, nước tiểu bò xả ra môi trường vẫn gây ô nhiễm không khí trầm trọng.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức) Nguyễn Tiến Quảng cho biết, đối với các hộ sản xuất phía trong đê, nước thải đã được thu gom và xử lý tại nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà. Còn những hộ ngoài đê vẫn chưa có biện pháp xử lý nên vẫn xả thẳng ra môi trường. Hiện tại xã vẫn chưa có biện pháp nào khắc phục được tình trạng này.
Trở lại câu chuyện bụi ở các thôn làm nghề sản xuất tăm hương tại xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), gần đây một số hộ đã đầu tư hệ thống thu gom bụi để sản xuất than hoạt tính, vì vậy tình trạng ô nhiễm bụi cũng phần nào được cải thiện. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời, tình trạng ô nhiễm ở xã Quảng Phú Cầu chỉ chấm dứt khi chính quyền địa phương xây dựng xong và chuyển các hộ sản xuất ra cụm công nghiệp Cầu Bầu…
Theo: kinhtedothi.vn