Làng Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh ) được coi là làng nghề tái chế nhôm có quy mô lớn nhất miền Bắc, hiện cả làng có hơn 300 hộ làm nghề cô đúc nhôm.
Việc thu mua phế liệu, tái chế, cô đúc nhôm trong những năm qua giúp người dân tại xã Văn Môn ngày một khấm khá, giàu có. Tuy nhiên, hệ luỵ kéo theo là tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, rác thải công nghiệp do tái chế, cô đúc nhôm bị đổ tràn ra khắp các ngả đường, cánh đồng.
Mỗi ngày các hộ ở đây có thể tái chế từ 500kg đến 2.000 kg phế liệu. Cứ 1 tấn phế liệu tái chế, người dân thu được từ 700- 850kg nhôm, còn lại 150-300 kg xỉ nhôm thải loại.
Hơn 300 lò đúc nhôm hoạt động suốt ngày đêm khiến làng trên xóm dưới đâu đâu cũng mờ mờ vì khói bụi, ngạt thở bởi mùi hóa chất, chất thải nguy hại vứt đầy đường.
Hiện nay, người dân thôn Mẫn Xá ngày đêm phải “sống chung” với cảnh môi trường bị ô nhiễm trầm trọng từ rác thải, khói, bụi của các lò cô đúc nhôm đang bủa vây, bóp nghẹt cuộc sống của họ.
Đặc biệt là hơn 370.000 tấn chất thải xỉ nhôm đang tồn tại hàng chục năm ở khu đồng Cậy, thôn Mẫn Xá gây ô nhiễm môi trường, đe dọa cuộc sống của người dân. Người dân "làng ung thư" Mẫn Xá đang tự giết mình bởi chất thải trong quá trình tái chế nhôm.
Một số hình ảnh ô nhiễm môi trường tại làng nghề cô đúc nhôm lớn nhất miền Bắc:
Làng Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) được coi là làng nghề tái chế nhôm có quy mô lớn nhất miền Bắc, hiện cả làng có hơn 300 hộ sản xuất cô đúc nhôm.
Những lò cô đúc nhôm của hàng trăm hộ dân Mẫn Xá hoạt động suốt ngày đêm khiến xả ra khói đen độc hại, lượng chất thải từ nghề thu gom, tái chế nhôm thải ra chất cao như núi.
Người dân Văn Môn sản xuất theo cách truyền thống, mang tính tự phát và theo mô hình hộ gia đình nên gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Những ống khói ngay trong khu dân cư đang ngày đêm xả thải.
Việc sản xuất thủ công và trong khu dân cư khiến không khí ở đây luôn ngột ngạt, khó chịu... đâu đâu cũng mờ mờ ảo ảo vì khói bụi, ngộp thở bởi mùi hóa chất.
Cây cối ở Văn Môn luôn phủ thêm màu đen của khói bụi, không phát triển được.
"Chúng tôi ở đây mùa gì cũng khổ. Vào ngày nắng nóng thì khói, bụi là thứ thường gặp ở nơi đây. Ngày mưa, khi nước mưa gặp xỉ nhôm khô sẽ bốc mùi lên không chịu nổi. Người nào mới đến cũng choáng váng vì tình trạng ô nhiễm ở đây. Nhiều hộ gia đình có kinh tế hoặc không làm nghề thì chuyển đi nơi khác sinh sống. Chúng tôi vì không có kinh tế nên phải thích nghi, lâu rồi cũng thành quen”, người dân ở Văn Môn ngao ngán cho biết.
Để cô được 1 tấn nhôm thành phẩm thì sẽ có từ 150-300 kg chất thải xỉ nhôm thải loại ra môi trường.
Để đáp ứng sản xuất, mỗi ngày hàng chục xe ô tô chở hàng trăm tấn phế liệu, vỏ lon từ các nơi đổ về đây.
Nguyên liệu để cô nhôm như vỏ lon, dây điện được chất đầy ngoài đường.
Hàng trăm tấn nhôm được tạo ra đồng nghĩa có hàng chục tấn bã nhôm, xỉ nhôm được thải ra môi trường mỗi ngày.
Do chưa có khu xử lý nên người dân thôn Mẫn Xá cứ vô tư mang ra các bãi đất trống để tạo ra những ngọn núi rác khổng lồ, bao quanh làng.
Bã nhôm, xỉ nhôm được người dân đóng bao mang đi đổ bừa bãi ra cánh đồng ven làng.
Bà Hà Thị Linh ở thôn Mẫn Xá chia sẻ: “Do không có chỗ xử lý cũng như không có chỗ để đổ bã, xỉ nhôm nên thấy người khác vứt ở đâu thì chúng tôi vứt ở đấy thôi, còn chính quyền cấm đoán thì chúng tôi mang đi đổ trộm”.
Người dân Mẫn Xá, Văn Môn đều biết, làm nghề tái chế nhôm là nguy hại sức khỏe, gây ô nhiễm môi trường nhưng họ vẫn đánh đổi vì lý do mưu sinh.
“Do làng nghề phát triển mà không có chỗ xử lý rác thải nên chúng tôi buộc phải đổ ra ngoài môi trường. Chúng tôi biết việc đổ ra ngoài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và sức khỏe nhưng người dân ở đây không còn lựa chọn khác”, ông Mẫn Văn Kiên chia sẻ.
Người dân Văn Môn ngày đêm phải “sống chung” với cảnh môi trường bị ô nhiễm trầm trọng, rác thải, khói bụi bủa vây, bóp nghẹt cuộc sống của người dân.
Khu cánh đồng Cậy của thôn Mẫn Xá hiện không thể canh tác được do lượng xỉ nhôm ngày càng nhiều.
Vì lợi ích kinh tế mà người dân Mẫn Xá đang tự giết mình bằng việc đổ trộm bã, xỉ nhôm ra môi trường khi chưa được xử lý.
Ông Bùi Đức Thuyên, Phó chủ tịch UBND xã Văn Môn (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) cho biết: "Bãi xỉ nhôm này tồn tại hơn 20 năm và có khoảng trên 370.000 tấn đang làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân địa phương và các vùng lân cận. Hiện chúng tôi cũng đang xin UBND tỉnh Bắc Ninh phương án xử lý".
"Năm 2016 xã Văn Môn được công bố là 1 trong 37 “làng ung thư” của Việt Nam do chịu ảnh hưởng từ ô nhiễm nguồn nước, khí thải, rác thải. Trong năm 2020, toàn xã có 10 người chết vì các bệnh ung thư, tuy nhiên thực tế có thể cao hơn bởi nhiều gia đình vẫn có tâm lý cố che giấu bệnh”, ông Nguyễn Văn Duy, Trạm trưởng trạm y tế xã Văn Môn, Yên Phong (Bắc Ninh) cho biết.