MÔI TRƯỜNG + AN TOÀN LĐ
Đâu chỉ một làng
(Ngày đăng: 24/10/2012   Lượt xem: 1329)

Làng nghề hình thành và phát triển từ lâu đời trong nông thôn Việt Nam và đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường trong các làng nghề và các cơ sở ngành nghề nông thôn ngày càng gia tăng tới mức báo động…

Ai đặt chân đến xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội đều cảm thấy mùi chua nồng, bởi tại đây có hàng trăm hộ dân chế biến bánh đa, làm miến hằng ngày vô tư xả nước, rác thải không qua xử lý xuống thẳng cống rãnh, ao, hồ. Mỗi ngày, nước thải từ các hộ chế biến nông sản tuôn ra khoảng 10 nghìn mét khối. Hệ thống mương, hồ nước đen sánh, không có dấu hiệu của bất kỳ sự sống nào. Không những thế, sau khi sản xuất, chất thải là bã sắn được người dân tích trữ để bán; còn bã dong vì không thể bán, chỉ có thể đổ đi. Tại xã, lúc nào cũng có tới hàng nghìn đống bã sắn, dong mốc meo đen sì và bốc mùi chua nồng tồn đọng. 

Anh Nguyễn Danh Vượng, một chủ hộ sản xuất tại thôn Phú Diễn cho biết: "Biết là ô nhiễm, UBND xã cũng có biện pháp nhưng không khắc phục được, vì cả một làng ai cũng xả thẳng ra cống rãnh thì tình trạng ô nhiễm sẽ càng nặng hơn".

o nhiem lang nghe.jpg

Con mương bị chặn hoàn toàn bởi nước, bã thải từ chế biến miến dong ở xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Ở Hoài Đức, không riêng làng nghề Dương Liễu, tại làng bún bánh Cao Hạ (Đức Giang), làng sản xuất két bạc Kim Chung, làng sản xuất bánh kẹo và dệt kim La Phù… vấn đề ô nhiễm môi trường cũng ở mức báo động, phải đối mặt với một thực trạng ô nhiễm ở tất cả các dạng: Nước thải, khí thải và chất thải rắn. Đây là nguyên nhân khiến các bệnh về mắt, da liễu, đường hô hấp của người dân cao gấp 3 đến 5 lần so với các địa phương khác. Chị Lê Thị Nhàn ở đội 6, xã Cát Quế cho biết, toàn bộ các hộ trong làng đều sử dụng nguồn nước giếng khơi, có những giếng đào sâu tới 20m nhưng vẫn có mùi khó chịu, gia đình chị phải mua nước để sử dụng. Mặc dù vậy, với các loại bệnh liên tiếp từ đau mắt đỏ, bệnh ngoài da đến tiêu hóa… do môi trường bị ô nhiễm, khiến chị Nhàn rất lo lắng.

Hiện nay, rất nhiều địa phương và làng nghề cũng đang báo động về tình trạng ô nhiễm môi trường, như: Làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ (Bắc Ninh), chạm bạc Đồng Xâm (Thái Bình), sản xuất rượu Vân Hà (Bắc Giang), tái chế chì (Chỉ Đạo, Hưng Yên)…

Theo thống kê, cả nước hiện có gần 3000 làng nghề, trong đó có tới 90% làng nghề vi phạm pháp luật về môi trường. 

Ông Lê Duy Dần, Phó chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết: Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng nghề, xử lý kiểu phong trào thì không được, mà người dân phải chịu trách nhiệm cùng với Nhà nước để bảo vệ môi trường. Theo tôi, cách tốt nhất hiện nay là Nhà nước hướng dẫn, tuyên truyền và lấy sức của dân đóng góp, rồi Nhà nước có đầu tư, nhưng chính sách phải sát thực. 

 Hiện nay, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường ở nước ta khá hoàn thiện, nhưng chế tài xử phạt chưa đủ mạnh và khó áp dụng triệt để trong mối quan hệ làng xã, còn nhiều nể nang, e dè; thậm chí việc xử lý vi phạm nếu làm không khéo sẽ mất đi nhiều làng nghề. 

Không thể phủ nhận những đóng góp của làng nghề trong sự phát triển kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn nhưng làng nghề càng phát triển, thì ô nhiễm môi trường càng gia tăng. Để có lời giải cho bài toán này cần sự vào cuộc mạnh mẽ của tất cả các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, mà quan trọng là ý thức của người dân.

Theo QĐND

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

100
Đang xem:
76.244.913
Tổng truy cập: