MÔI TRƯỜNG + AN TOÀN LĐ
Bài toán vẫn chưa tìm được lời giải
(Ngày đăng: 23/10/2012   Lượt xem: 1233)

Những năm qua, mặc dù chính quyền địa phương đã triển khai một số biện pháp khắc phục, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề đúc đồng xã Đại Bái (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) vẫn chưa được cải thiện là bao. Hằng ngày, người dân nơi đây vẫn phải đối mặt với những rủi ro, bệnh tật...

Hệ lụy từ phát triển ồ ạt

Xã Đại Bái có 1.650 hộ thì có tới gần 1000 hộ  chuyên làm nghề gò, đúc, cán đồng, nhôm, cô các loại phế liệu. Doanh thu từ nghề truyền thống này chiếm hơn 90% tổng doanh thu của cả xã. Song, mặt trái của nó là việc gây ô nhiễm môi trường. 

langnghe db1.jpg

Người dân xã Đại Bái đang bị ô nhiễm tiếng ồn bởi những chiếc máy cán nhôm như này.

Ông Nguyễn Văn Hải, người dân ở xóm Trại bức xúc: “Ngày nào cũng thế, suốt từ sáng đến tối, người dân chúng tôi phải sống chung với những tiếng ồn chói tai, nhức óc như thế này. Thậm chí, có những hôm từ 5 giờ đến tận 23, 24 giờ chúng tôi bị “tra tấn” bởi tiếng ồn, người trẻ còn đỡ, chứ người già và trẻ nhỏ mất ngủ cả đêm. Mấy chục năm qua ngày nào cũng phải nghe những âm thanh phát ra từ những chiếc máy cán nhôm, máy dập... khiến tai chúng tôi ù đi, nhiều lúc nghe không rõ. Không chỉ ô nhiễm tiếng ồn, chúng tôi còn phải sống chung với ô nhiễm về không khí, nguồn nước. Các chất tẩy rửa như sút, a-xít từ các hộ làm nghề xả thẳng ra mương, ao khiến cho các dòng sông trở lên đen ngòm, không thể tắm, giặt được. Không chỉ ô nhiễm nguồn nước mặt, mà nước ngầm cũng bị ô nhiễm nặng. Để có nước sinh hoạt, chúng tôi phải khoan giếng để lấy nước tắm rửa, giặt giũ, còn nước ăn thì phải dùng nước mưa hoặc mua nước máy với giá 120.000 đồng/m³”.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Phó chủ tịch UBND xã Đại Bái cho biết: “Hiện toàn xã có khoảng 200 lò đúc đồng, nhôm lớn bé, đa số ống khói của các cơ sở này đều không đạt tiêu chuẩn, thậm chí có những lò không có ống khói đã làm ảnh hưởng lớn đến không khí, gây ra các bệnh về đường hô hấp. Cùng với đó, các chất thải công nghiệp và các loại chất thải rắn, dầu mỡ, chất xúc tác thừa được chôn lấp bừa bãi nên đã ngấm vào nguồn nước ngầm”.

Giải pháp nào cho môi trường làng nghề?

Trước tình trạng ô nhiễm trên, UBND tỉnh Bắc Ninh và UBND huyện Gia Bình đã có chủ trương thành lập cụm công nghiệp làng nghề Đại Bái để di dời các cơ sở sản xuất trong làng ra cách xa khu dân cư. Năm 2004, cụm công nghiệp làng nghề Đại Bái đi vào hoạt động với diện tích 6,2ha, một số cơ sở hạ tầng như đường giao thông, khu xử lý chất thải đã được UBND tỉnh và UBND huyện hỗ trợ. Nhưng các hộ dân làm nghề cũng chẳng mặn mà gì với việc chuyển ra cụm công nghiệp tập trung, đến nay, mới chỉ có khoảng 100 hộ chuyển ra cụm công nghiệp làng nghề Đại Bái. Anh Vương Văn Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Hà Phong cho chúng tôi biết: “Khi chuyển ra đây, chúng tôi có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh, khép kín các công đoạn nên giảm được khá nhiều chi phí vận chuyển”.

langnghe db2.jpg

Việc chôn rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp chưa qua xử lý khiến cho nguồn nước ở xã Đại Bái ngày càng bị ô nhiễm.

Ông Nguyễn Văn Quảng cho biết thêm: “Nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, xã Đại Bái đã thành lập ban bảo vệ môi trường do Phó chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban để tuyên truyền, vận động người dân xây ống khói cao từ 8 đến 10m; xây bể lắng (để lắng kim loại, chất thải rắn) trước khi xả nước ra môi trường… Chúng tôi cũng đã thành lập 4 tổ thu gom rác thải, đưa vào bãi rác tập trung cách khu dân cư khoảng 3km để đốt và chôn rác. Bên cạnh đó, chúng tôi cùng với Mặt trận Tổ quốc xã thống kê các hộ làm lò đúc, máy cán, máy dập... để tuyên truyền, vận động làm đúng giờ, không làm trước 5 giờ và sau 21 giờ”.

Về vấn đề nước sạch, ông Nguyễn Văn Lý, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Bình cho biết: “Cảm thông với hoàn cảnh khó khăn của bà con, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo UBND huyện Gia Bình đầu tư nâng cấp nhà máy nước Thị trấn Gia Bình nhằm cung cấp đủ nước sạch cho cả xã Đại Bái. Theo kế hoạch, đến đầu năm 2013 dự án này sẽ được triển khai. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng chỉ đạo UBND huyện mở rộng và nâng cấp các khu xử lý rác thải để giúp người dân nâng cao hiệu quả trong vấn đề xử lý rác thải”.

Nghề đúc đồng và chế tác kim loại ở xã Đại Bái đã giúp người dân nơi đây có được cuộc sống ấm no, đầy đủ. Tuy nhiên, để làng nghề phát triển bền vững thì việc giải quyết các vấn đề về môi trường rất cần được quan tâm hơn nữa. Ngoài các biện pháp tuyên truyền, vận động, các ngành chức năng và UBND huyện Gia Bình, UBND tỉnh Bắc Ninh cần xây dựng các chính sách hỗ trợ người dân về vốn, đầu ra cho sản phẩm để giảm qua các khâu trung gian, mang lại hiệu quả cao hơn cho người làm nghề.

Theo QĐND

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

24
Đang xem:
72.471.902
Tổng truy cập: