MÔI TRƯỜNG + AN TOÀN LĐ
Bài 05- Áp dụng hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001 vì lợi ích doanh nghiệp
(Ngày đăng: 04/07/2020   Lượt xem: 447)
Langnghevietnam.vn - Bức tranh năng lượng Việt Nam
Hiện trạng cung cầu năng lượng:


Hình ảnh tại hội nghị

Kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với tăng trưởng GDP trong thập kỷ 2009-2019 từ 6-7%/năm, trong đó tăng trưởng của 3 năm gần nhất rất cao: năm 2017 tăng 6,81%, năm 2018 tăng 7,08% (mức tăng cao nhất 10 năm qua), năm 2019 tăng 7,02%. Dù rằng ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 vừa qua có làm chậm đà tăng trưởng kinh tế 2020, nhưng các phân tích trong nước và thế giới đều nhận định rằng Việt Nam sẽ sớm vượt qua và hồi phục khả quan sau 2021. Dân số Việt Nam cũng có mức tăng trưởng 1,26%/năm và GDP trên đầu người đã tăng hơn gấp đôi, từ 1.160 USD năm 2009 lên 2.700 USD vào năm 2019, đồng nghĩa với khả năng chi trả cho tiêu thụ hàng hóa và năng lượng cũng tăng theo.
 
Nhìn từ góc độ cung, tuy Việt Nam có nhiều loại nguồn năng lượng nội địa như dầu thô, than, khí tự nhiên và thủy điện … và trước đây, xuất khẩu dầu thô và than còn khá đáng kể, nhưng trong những năm gần đây, xuất khẩu năng lượng đang giảm dần, thậm chí chúng ta đã và đang phải từng bước nhập khẩu mặt hàng này. Xem xét chênh lệch giữa xuất và nhập khẩu năng lượng có thể thấy rằng từ năm 2015, Việt Nam đã trở thành một quốc gia phụ thuộc nhập khẩu tinh năng lượng (mức độ nhập khẩu tịnh khoảng 15% trên tổng cung năng lượng sơ cấp). Bên cạnh xuất khẩu một số loại dầu thô, năm 2017, Việt Nam đã phải nhập hơn 330 ngàn tấn dầu thô, gần 15 triệu tấn than, đã phải nhập khẩu điện khoảng 2% trong giai đoạn 2015-2018) và sẽ phải nhập khẩu LPG từ năm 2023 …
 
Để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và dân số như đã nói trên, nhu cầu năng lượng đang và sẽ tiếp tục tăng rõ rệt. Các Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch 7 hiệu chỉnh và Quy hoạch 8 đang hoàn thiện) dự báo trong giai đoạn 2016 - 2030, nhu cầu điện của Việt Nam sẽ tăng trung bình 8,7%/năm. Công suất nguồn điện trong nước tăng từ hơn 38 ngàn MW (vào năm 2015) lên 60 ngàn MW (vào năm 2020) và 129.500 MW (vào năm 2030); sản lượng cũng tăng từ 164 tỷ kWh lên 265-278 tỷ, 352-379 tỷ và 572-632 tỷ kWh, tương ứng với các năm 2015, 2020, 2025 và 2030. Như vậy, trong giai đoạn hiện nay đến năm 2030, sau mỗi chu kỳ 5 năm, nhu cầu điện năng sẽ tăng lên 1,5 lần. Đây là mức tăng rất nhanh so với các nước trong khu vực và thế giới.
 
Tính theo đơn vị triệu tấn dầu quy đổi tương đương (TOE), Quy hoạch Điện 7 hiệu chỉnh cũng cho thấy nhu cầu năng lượng cuối cùng của cả nước theo loại nhiên liệu cũng tăng gấp từ hai đến ba lần (chỉ xét phương án cơ sở, chưa phải phương án cao) như Bảng dưới đây.
 
Dạng năng lượng 2015 2020 2025 2030
Than 13,6 18 23,6 29,9
Điện 14,6 24,9 37,1 52,9
Sản phẩm dầu 23,5 34,4 483 66,9
Khí đốt 1,0 1,4 1,9 2,6
Năng lượng phi thương mại 14,5 14,0 13,3 12,4
Tổng 67,2 92,8 124,1 164,9
Tổng quy về năng lượng sơ cấp 91,7 148,8 195,9 256,7
         
 
Bảng 1: Nhu cầu năng lượng của cả nước theo các giai đoạn năm năm
 
Tính theo năng lượng sơ cấp, năm 2015 Việt Nam thiếu trên 20 triệu TOE, năm 2020 thiếu 52,5 triệu TOE và năm 2030 thiếu 143 triệu TOE. Như vậy, nếu không có biện pháp tiết kiệm năng lượng quyết liệt, kịp thời thì chúng ta sẽ bị thiếu hụt năng lượng một cách trầm trọng.
Tình hình thực tế sử dụng năng lượng:
 
Nhìn từ góc độ cả nước, một thực tế rất rõ là năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm trong nhiều ngành sản xuất của nước ta cao hơn nhiều so với các nước phát triển, thậm chí so với nhiều nước đang phát triển của khu vực. Ví dụ trong ngành sản xuất năng lượng, hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng trong các nhà máy điện tuabin hơi đốt than, dầu của nước ta chỉ đạt được từ 28% đến 36%, thấp hơn so với các nước phát triển khoảng 10-15%; hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60% năm 2010, và được nâng lên xấp xỉ 70% vào năm 2014. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 10% và nếu so với các nước phát triển thì còn thấp hơn nữa. Các ngành sản xuất khác cũng còn lãng phí năng lượng rất lớn, cũng tức là - qua các nghiên cứu, tính toán mới nhất đã cho thấy - tiềm năng tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong công nghiệp sản xuất xi măng, thép, sành sứ, đông lạnh, hàng tiêu dùng ...
 
của nước ta có thể đạt trên 20%; lĩnh vực xây dựng dân dụng, giao thông vận tải có thể tới trên 30%; khu vực sinh hoạt và hoạt động dịch vụ thì tiềm năng tiết kiệm cũng không nhỏ.
 
Nhìn từ góc độ sản xuất làng nghề, bên cạnh những mặt tích cực như tạo ra số lượng công ăn việc làm lớn cho lao động nông thôn, đóng góp cho ngân sách nhà nước cũng như thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển …, một nguy cơ hiện hữu là tình hình lãng phí nhiều năng lượng, gắn liền với ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cả nước có hơn 5.000 làng nghề, sử dụng hơn 10 triệu lao động, hoạt động trong hàng chục phân nhóm ngành nghề sản xuất. Lĩnh vực này tiêu thụ năng lượng khá lớn, nhất là trong tình trạng hầu hết trang thiết bị, dây chuyền công nghệ tại các làng nghề còn tương đối lạc hậu, hiệu suất thấp, tiêu tốn nhiều năng lượng và nguyên nhiên liệu nói chung, trong đó có tiêu hao nhiều điện năng. Đơn cử thống kê của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy hơn 70% số thiết bị được sử dụng tại các làng nghề là máy móc, trang thiết bị đời cũ, lạc hậu. Chỉ có tỷ lệ nhỏ (hơn 20%) có công nghệ, thiết bị hiện đại hơn và chỉ tập trung tại một số làng nghề với một số ít ngành nghề như dệt may, gốm sứ.
 
Gắn liền với việc tiêu thụ lãng phí năng lượng, nói chung sản xuất làng nghề gây ô nhiễm môi trường với mức độ đáng báo động. Vấn nạn này không chỉ giới hạn ở trong phạm vi các làng nghề mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống người dân ở các vùng lân cận. Chất lượng môi trường tại hầu hết các làng nghề đều không đạt tiêu chuẩn, trong đó 95% là từ bụi, 85,9% từ nhiệt và 59,6% từ hóa chất. Kết quả khảo sát 52 làng nghề Hà Nội cho thấy 46% làng nghề có môi trường bị ô nhiễm nặng ở cả 3 dạng, 28% ô nhiễm vừa và 26% ô nhiễm nhẹ.
 
Tình trạng như đã nói trên có thể được khắc phục đáng kể - cùng với các giải pháp công nghệ khác - bằng biện pháp tiết kiệm năng lượng. Lợi ích đem lại rất rõ ràng, đó là giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực cung ứng điện, giảm đầu tư nguồn điện mới (đồng nghĩa với việc giảm khí thải, nhiệt thải, khói bụi ...). Tuy nhiên hiện nay mới có một tỷ lệ không lớn các làng nghề áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng và cho hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Do đó, việc tăng cường phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một yêu cầu cực kỳ cần thiết cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các làng nghề.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hiện hành về tiết kiệm năng lượng:
 
Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, cải thiện hiệu suất năng lượng để giảm mức tiêu hao năng lượng là một giải pháp chiến lược quan trọng mà Chính phủ Việt Nam đã lựa chọn để phát triển năng lượng trong dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Thực hiện giải pháp chiến lược này, trong thập kỷ qua, một hệ thống VBQPPL đã được xây dựng và ban hành, tạo thành khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh và đồng bộ.
 
Cao nhất có Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Luật số 50/2010/QH12, ban hành năm 2010, có hiệu lực từ 01/01/2011). Dưới Luật có trên 20 VBQPPL ở cấp vĩ mô (bao gồm các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư của các Bộ, ngành liên quan, trong đó có thể kể đến: (i) Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (ii) Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (iii) Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg ngày 09/03/2017 của Thủ tướng Chính phủ Quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện; (iv) Quyết định số 24/2018/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới; (v) Quyết định số 1393/QĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, trong đó nêu rõ giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo …
 
Đặc biệt - để tiếp nối các Chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng các giai đoạn trước - ngày 13/3/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiêm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3), thực hiện trong 2 giai đoạn, từ 2019-2025 và 2026-2030. Chương trình đặt ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019-2025 và 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019-2030.
Khái quát về Hệ thống quản lý năng lượng 50001
Ý nghĩa và mục đích:
Việc xây dựng một Hệ thống quản lý năng lượng mang tính chiến lược toàn diện là một trong những giải pháp tổng thể giúp cho các doanh nghiệp quản lý, giám sát tiêu thụ năng lượng một cách bền vững, hiệu quả.
Mục đích của Tiêu chuẩn quốc tế này nhằm giúp cho các tổ chức thiết lập các hệ thống và quá trình cần thiết để cải tiến hiệu suất năng lượng, bao gồm việc sử dụng, tiêu thụ và hiệu quả năng lượng.
Việc thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn này nhằm hướng tới sự giảm chi phí năng lượng, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính và các tác động môi trường có liên quan khác, thông qua việc quản lý năng lượng một cách toàn diện-liên tục-có tính hệ thống.
Những đặc điểm chính của Hệ thống quản lý năng lượng 50001:
ISO 50001:2011 là tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý năng lượng (HTQLNL) do tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế ISO xây dựng và ban hành năm 2011. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN ISO 50001:2012, Hệ thống quản lý năng lượng – Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng (hoàn toàn tương đương với Tiêu chuẩn quốc tế ISO 5000-2011).
Tiêu chuẩn này có thể áp dụng cho tất cả các loại hình và quy mô của các đơn vị/tổ chức, không phụ thuộc vào các điều kiện về vị trí địa lý, văn hóa và xã hội. Việc thực hiện thành công phụ thuộc vào cam kết của tất cả các cấp và vị trí chức năng trong tổ chức và đặc biệt từ lãnh đạo cao nhất của đơn vị/tổ chức.
Tiêu chuẩn này chỉ rõ các yêu cầu cho HTQLNL của một đơn vị/tổ chức để triển khai và thực hiện chính sách năng lượng, thiết lập các mục tiêu, chỉ tiêu năng lượng và các kế hoạch hành động, có tính đến các thông tin và yêu cầu pháp luật liên quan tới việc sử dụng năng lượng.
Tiêu chuẩn này đưa ra mô hình về một HTQLNL cùng các hướng dẫn sử dụng nhằm giúp tổ chức lập kế hoạch và quản lý sử dụng năng lượng một cách có hệ thống. Nó được thiết kế để tập trung vào việc cải tiến hiệu suất năng lượng, góp phần tăng cường hiệu quả năng lượng, đồng thời giúp sử dụng năng lượng một cách có kiểm soát.
Tiêu chuẩn ISO 50001 được xây dựng dựa trên các nguyên tắc chung của dòng tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý do ISO xây dựng. Cũng như các tiêu chuẩn nổi tiếng khác đã được ban hành từ trước như ISO 9001 (quản lý chất lượng), ISO 14001 (quản lý môi trường), ISO 22000 (an toàn thực phẩm) ... Hệ thống tiêu chuẩn ISO 50001 cũng coi nguyên tắc PDCA (viết tắt các chữ cái đầu: Plan - Do
Check - Act), có nghĩa là: Lập kế hoạch (Plan) - Thực hiện (Do) - Kiểm tra (Check) - Hành động (Act), là chìa khóa cho sự cải tiến liên tục trong Hệ thống quản lý năng lượng. Cụ thể như sau:
Lập kế hoạch (Plan): Thực hiện đánh giá thực trạng việc sử dụng năng lượng để thiết lập đường cơ sở và các chỉ tiêu hoạt động năng lượng, chỉ số hiệu quả năng lượng, các mục tiêu, chỉ tiêu và các kế hoạch hành động cần thiết để đạt được kết quả có xét đến mối tương quan với các cơ hội hoạt động năng lượng và chính sách về năng lượng của tổ chức/đơn vị.
Thực hiện (Do): Thực hiện các kế hoạch hành động về QLNL.
Kiểm tra (Check): Kiểm soát, đo lường các quá trình và các đặc tính cốt lõi của các hoạt động trong tổ chức, từ đó sẽ xác định được các hành động năng lượng đi ngược lại chính sách, mục tiêu về năng lượng và báo cáo các kết quả đã đạt được.
Hành động (Act): Xác định và thực hiện các biện pháp cải tiến liên tục hành động năng lượng và cả hệ thống QLNL.
Đặc điểm nổi trội nhất của Tiêu chuẩn ISO 50001 dựa trên khuôn khổ cải tiến liên tục chuỗi Lập kế hoạch - Thực hiện - Kiểm tra - Hành động (PDCA) để cải thiện hiệu suất năng lượng một cách liên tục và kết hợp quản lý năng lượng vào
 thực tiến hàng ngày của tổ chức.
Với tính tương hỗ cao, Hệ thống QLNL theo Tiêu chuẩn ISO 50001:2011:2012 có thể dễ dàng tương tích với các hệ thống quản lý khác như quản lý chất lượng, môi trường ... và việc áp dụng chung (tích hợp) các hệ thống quản lý này sẽ mang lại lợi ích và hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp/đơn vị.
 
Nhìn tổng thể trực quan, Hệ thống QLNL 50001 có thể được mô hình hóa qua biểu đồ sau:
 
 
 
Biểu đồ 1: Mô hình Hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001
 
Các yếu tố cơ bản từ mô hình có những nội dung chi tiết như sau:

Chính sách năng lượng:
Phù hợp với đặc thù và quy mô sử dụng và tiêu thụ năng lượng của đơn vị/tổ chức; Thiết lập và xem xét các mục tiêu và chỉ tiêu năng lượng;
Cam kết cải tiến liên tục hiệu quả năng lượng; Cam kết đảm bảo sự sẵn có thông tin và nguồn lực cần thiết để đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu năng lượng;
Cam kết tuân thủ các yêu cầu pháp lý và các yêu cầu thích hợp khác mà đơn vị/tổ chức đăng ký liên quan đến việc sử dụng, tiêu thụ và hiệu suất năng lượng của tổ chức;
Hỗ trợ mua sắm các sản phẩm, dịch vụ có hiệu suất năng lượng cao và hỗ trợ thiết kế cải tiến hiệu quả năng lượng; 

Lập kế hoạch:
Khảo sát, đánh giá hiện trạng sử dụng năng lượng và thiết lập đường cơ sở năng lượng.
Thiết lập các chỉ số hiệu quả năng lượng.
Thiết lập các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng khả thi và đo đếm được.
Xác định các biện pháp tiết kiệm năng lượng thích hợp.
Xây dựng kế hoạch hành động cần thiết để mang lại kết quả giúp nâng cao hiệu quả năng lượng phù hợp với chính sách năng lượng của tổ chức
 
Thực hiện và điều hành:
 Thực hiện và vận hành hệ thống quản lý năng lượng theo kế hoạch hành động và các mục tiêu, chỉ tiêu năng lượng đã được hoạch định.
Đào tạo các cá nhân liên quan đến sử dụng năng lượng các k năng, nhận thức về năng lượng, tiết kiệm năng lượng.
Thiết lập các quá trình trao đổi thông tin nội bộ và với bên ngoài liên quan đến hiệu quả năng lượng và hệ thống quản lý năng lượng.
Thiết lập và kiểm soát hệ thống tài liệu quản lý năng lượng: chính sách năng lượng; mục tiêu, chỉ tiêu năng lượng; kế hoạch hành động về năng lượng; các tài liệu theo yêu cầu của tiêu chuẩn và các tài liệu khác mà doanh nghiệp, đơn vị/tổ chức thấy là cần thiết.
 Xác định và lập kế hoạch vận hành và duy trì các hoạt động liên quan đáng kể đến việc sử dụng năng lượng và phù hợp với chính sách năng lượng, mục tiêu năng lượng, chỉ tiêu năng lượng.
 Xem xét các cơ hội cải tiến hiệu quả năng lượng và kiểm soát hoạt động thiết kế mới cũng như điều chỉnh các thiết bị, quá trình và hệ thống gây tác động đến hiệu quả năng lượng.
 Xem xét yếu tố tiết kiệm năng lượng khi mua sắm các dịch vụ hoặc các sản phẩm, thiết bị có liên quan đáng kể đến việc sử dụng năng lượng.
 
Kiểm tra và đánh giá:
 Theo dõi, đo lường các quá trình và các đặc trưng chính của hoạt động xác định hiệu quả năng lượng theo chính sách, mục tiêu năng lượng và báo cáo kết quả.
 Doanh nghiệp phải đảm bảo các đặc tính chủ chốt của quá trình vận hành quyết định đến hiệu quả năng lượng (được theo dõi, đo lường và phân tích định kỳ).
 Định kỳ đánh giá sự tuân thủ các yêu cầu của pháp luật liên quan đến sử dụng năng lượng.
 Định kỳ tổ chức đánh giá nội bộ hệ thống quản lý năng lượng; Thiết lập và duy trì hồ sơ nhằm chứng tỏ sự phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn và kết quả đạt được về hiệu quả năng lượng.
 Tiến hành các hành động khắc phục và phòng ngừa mỗi khi có sự không phù hợp được phát hiện hoặc tiềm ẩn liên quan đến hậu quả về hiệu quả năng lượng. e) Xem xét của lãnh đạo:
 Lãnh đạo của đơn vị/tổ chức phải định kỳ xem xét hiệu lực và hiệu quả của hệ thống, nhất là hiệu quả năng lượng và mức độ cải tiến, các nội dung cần xem xét  và kết quả xem xét.
 
Cần phải nhắc lại một yêu cầu quan trọng là toàn bộ chu trình trên phải được tiến hành một cách toàn diện-liên tục-có tính hệ thống.
 Tại sao cần phải áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001:
 Việc quản lý hiệu quả sử dụng năng lượng đang là nhu cầu cấp thiết của nhiều doanh nghiệp nói chung, cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tiêu chuẩn ISO 50001 được xây dựng và ban hành như một công cụ giúp quản lý và kiểm soát việc sử dụng năng lượng hiệu quả một cách khoa học và dễ dàng hơn, đó là:
 Trợ giúp doanh nghiệp sử dụng tốt hơn các thiết bị tiêu thụ năng lượng hiện có, đồng thời hỗ trợ việc đánh giá, ưu tiên áp dụng các công nghệ mới có hiệu quả về năng lượng.
 
 Tạo lập sự kết nối một cách rõ ràng, trực quan và thuận tiện trong việc quản lý các nguồn Năng lượng của doanh nghiệp
 Phát huy các bài học thực hành tốt trong QLNL và củng cố các hành vi tốt trong Quản lý năng lượng.
 Cung cấp một một mô hình thúc đẩy sử dụng Năng lượng hiệu quả trong suốt chuỗi cung ứng.
 Thúc đẩy các cải tiến trong Quản lý năng lượng cho các dự án giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
 Có khả năng tích hợp với các hệ thống quản lý khác của tổ chức như quản lý: Môi trường; An toàn sức khỏe và nghề nghiệp.
 
 Một số lợi ích của việc áp dụng Tiêu chuẩn ISO50001
 
Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001 giúp doanh nghiệp/đơn vị/tổ chức đạt được các lợi ích cơ bản sau đây:
Trước hết, giảm mức năng lượng tiêu thụ trên đơn vị sản phẩm, tiết kiệm đáng kể được chi phí năng lượng, nhờ đó giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh. Hơn nữa có thể chủ động kiểm soát chi phí năng lượng, giảm sự tác động ảnh hưởng khi giá năng lượng tăng.
Thứ hai, có cơ sở chủ động sử dụng nguồn nhân lực và các nguồn lực có sẵn trong doanh nghiệp một cách hiệu quả.
Thứ ba, góp phần giảm phát thải mà không gây ảnh hưởng đến quá trình vận hành.
Tạo dựng hình ảnh doanh nghiệp sản xuất xanh, sạch, bền vững đối với công chúng, các đối tác kinh doanh, khách hàng và các nhà nhập khẩu; cũng chính là tăng tính cạnh tranh.
 Áp dụng HTQLNL sẽ có hồ sơ ghi chép lại mức tiết kiệm để sử dụng trong nội bộ doanh nghiệp (theo dõi, đánh giá kết quả lợi ích cụ thể, làm căn cứ tiếp tục đề ra các biện pháp tiết kiệm có lợi khác), có hồ sơ trình các cơ quan quản lý nhà nước theo Luật định. Như vậy hơn hết là đã thực hiện và tuân thủ nghiêm các qui định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần thiết thực cho lợi ích quốc gia.
Một số lưu ý trong áp dụng Hệ thống quản lý năng lượng 50001 cho doanh nghiệp vừa và nhỏ:
Nhìn từ góc độ sử dụng năng lượng, doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có doanh nghiệp làng nghề khác nhiều với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (CSSD.NLTĐ) 
Theo quy định của pháp luật, các cơ sở/đơn vị được coi là cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm khi có mức tiêu thụ năng lượng (trong 1 năm) quy đổi từ 1000 TOE trở lên, hoặc công trình xây dựng dùng làm trụ sở, văn phòng, khách sạn, siêu thị, cửa hàng có tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra 500 TOE trở lên. CSSD.NLTĐ phải đáp ứng các yêu cầu trách nhiệm như sau: Xây dựng và thực hiện kế hoạch hằng năm và 5 năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phù hợp với kế hoạch sản xuất, kinh doanh; Định kỳ báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chỉ định rõ người quản lý năng lượng; Ba năm một lần thực hiện việc kiểm toán năng lượng bắt buộc …
 Do DNVVN nói chung và doanh nghiệp làng nghề nói riêng còn nhiều khó khăn, hạn chế về vốn, nhân lực, công nghệ, trang thiết bị … nên hiện tại chưa phải bắt buộc thực hiện các trách nhiệm trên. Nhưng xét đến lợi ích và hướng phát triển lâu dài, DNVVN hoàn toàn cần thiết tính toán, thu xếp từng bước nguồn lực của mình để áp dụng HTQLNL 50001, vì lợi ích và hiệu quả hoạt động của chính mình. Nhất là khắc phục những tồn tại phổ biến như giao việc quản lý năng lượng cho nhân viên không được đào tạo về quản lý năng lượng, đơn vị/doanh nghiệp không quan tâm dành đủ nguồn lực về nhân lực, cơ sở hạ tầng và tài chính cho công việc này, lãnh đạo cao nhất cũng không quan tâm lắm đến các hoạt động quản lý năng lượng, do đó dẫn tới việc quản lý không tốt, lãng phí năng lượng và các nguồn lực.
Như trên đã nói, Tiêu chuẩn ISO 50001 có thể áp dụng cho bất cứ tổ chức/đơn vị nào, không phụ thuộc vào qui mô của tổ chức/đơn vị. Tiêu chuẩn quản lý năng lượng có thể được áp dụng một cách riêng biệt hoặc có thể lồng ghép với các tiêu chuẩn quản lý khác.
 
Để linh hoạt trong áp dụng, Tiêu chuẩn QLNL không mô tả các tiêu chí hiệu quả cụ thể (vì đương nhiên các tiêu chí này rất khác nhau đối với các doanh nghiệp/đơn vị khác nhau) mà nó đặt ra yêu cầu để các đơn vị/doanh nghiệp cam kết cải thiện hiệu quả năng lượng sử dụng một cách thường xuyên, tùy theo ý định, lộ trình và nguồn lực của mình.
 
Để phần nào giảm bớt khó khăn tài chính cho doanh nghiệp/đơn vị, việc chứng nhận phù hợp với HTQLNL ISO 50001 từ một Tổ chức chứng nhận độc lập cũng không phải là yêu cầu bắt buộc của Tiêu chuẩn này. Điều này rất thích hợp khi DNVVN có thể giảm bớt đi một phần chi phí thuê chứng nhận.
 
Tiêu chuẩn này có thể sử dụng cho chứng nhận, đăng ký và tự công bố hệ thống quản lý năng lượng của tổ chức. Tiêu chuẩn không đặt ra các yêu cầu tuyệt đối về hiệu quả năng lượng ngoài các cam kết trong chính sách năng lượng và nghĩa vụ của của tổ chức trong việc tuân thủ các yêu cầu pháp lý thích hợp và các yêu cầu khác.

Dù khó khăn về nhân lực, nhưng vì lợi ích lâu dài, lãnh đạo DNVVN cần bố trí cho một hoặc vài nhân viên tham dự các buổi tập huấn, đào tạo về lĩnh vực này do các tổ chức chuyên môn mở (ví dụ: Sở Công Thương tỉnh thành, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn tiết kiệm năng lượng, Hội Tiết kiệm năng lượng, Tổ chức dịch vụ TKNL …) để có kiến thức cơ bản về HTQLNL Tiêu chuẩn ISO 50001 và được gợi ý, hướng dẫn cách áp dụng phù hợp cho doanh nghiệp/đơn vị mình, được chia sẻ kinh nghiệm từ doanh nghiệp/đơn vị khác cùng quy mô tương đương.

Việc áp dụng HTQLNL theo quy định của Tiêu chuẩn này cần thực việc, nhằm từng bước đạt được kết quả trong cải tiến hiệu quả năng lượng. Vì vậy cần thấm nhuần nguyên lý là các doanh nghiệp/tổ chức sẽ định kỳ xem xét và tự đánh giá HTQLNL của mình để nhận biết các cơ hội cho việc cải tiến và vận dụng các cơ hội này (nếu chưa đủ khả năng tự làm, nên sử dụng đơn vị tư vấn). Đơn vị/tổ chức sẽ được linh hoạt trong cách thức áp dụng HTQLNL, ví dụ như đơn vị/tổ chức xác định được mức độ, quy mô và trình tự thời gian thích hợp nhất của quá trình cải tiến liên tục (phù hợp khả năng của mình).
 
Tài liệu tham khảo chính
         1.
Tiêu chuẩn Việt Nam: TCVN ISO 50001:2012, Hệ thống quản lý năng lượng – Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng.
       2.Tài liệu đào tạo Dự án UNIDO: Thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong công nghiệp thông qua tối ưu hóa hệ thống và các tiêu chuẩn quản lý năng lượng, 2015
 
TS. Nguyễn Thăng Long
 
Hội KHCN Sử dụng năng lượng
 
Tiết kiệm và Hiệu quả Việt Nam
 
                                                            Biên soạn:  Ban TT& QHQT Hiệp hội làng nghề Việt Nam
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

18
Đang xem:
72.496.743
Tổng truy cập: