Để giải quyết vấn đề này, rất cần có cơ chế, chính sách để
hỗ trợ người dân.
Nan giải vấn đề chất thải
Mặc dù
nuôi 2 con bò sữa nhưng từ nhiều năm nay, gia đình anh Đinh Văn Hạng (xã Phù
Đổng, huyện Gia Lâm) vẫn chưa xây được hầm biogas để xử lý chất thải. Phân bò
thải ra, anh gom vào góc vườn cạnh đầu hồi nhà, sau đó đổ thẳng ra kênh mương
hoặc ra đồng. Biết làm như vậy là gây ô nhiễm môi trường, nhưng bản thân anh
Hạng cũng chẳng biết xử lý ra sao.
Toàn xã
Phù Đổng hiện có khoảng 800 con bò sữa, trung bình mỗi ngày, một con bò thải ra
15kg chất thải các loại, chưa kể chất thải từ chăn nuôi lợn và gia cầm. Những
năm qua, đã có nhiều dự án hỗ trợ nông dân xây hầm biogas để xử lý chất thải
chăn nuôi nhưng do kinh phí xây dựng cao nên đến nay, trong số hơn 700 hộ dân
nuôi bò của toàn xã, vẫn còn gần một nửa số hộ đang phải sống chung với ô
nhiễm.
Theo Sở NN&PTNT,
trung bình mỗi ngày, khu vực nông thôn ngoại thành phát sinh khoảng 1.200 tấn
rác thải sinh hoạt, hơn 11.000 tấn chất thải chăn nuôi, chưa kể hàng trăm tấn
chất thải làng nghề. Tuy nhiên, công tác xử lý chất thải ở khu vực này còn
nhiều hạn chế.
Hiện trên
địa bàn ngoại thành mới có 355/424 xã thành lập tổ thu gom rác, trong đó có 143
xã tổ chức chuyển rác đi xử lý, chôn lấp tại bãi rác tập trung của thành phố
(chiếm khoảng 40%), số còn lại vẫn tổ chức chôn lấp hoặc đổ ra các bãi đất
trống công cộng ngay tại địa phương, gây ô nhiễm môi trường. Đối với các làng
nghề, hầu hết chất thải sản xuất ra đều không được xử lý mà xả thẳng ra cống
rãnh, ao hồ, kênh mương… Chất thải này chứa hàm lượng kim loại nặng và khí độc
rất cao, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước. Đặc biệt đối với chất thải chăn
nuôi, tuy số lượng này là rất lớn nhưng đến nay, tại các vùng nông thôn Hà Nội
mới có khoảng 20% số hộ chăn nuôi sử dụng hầm biogas, còn lại hầu hết xả trực
tiếp ra môi trường…
Ưu
tiên chính sách xã hội hóa
Nguyên
nhân dẫn tới tình trạng trên, theo các ngành chức năng là do ý thức về vệ sinh
môi trường trong cộng đồng còn chưa cao. Một vấn đề nữa là do đầu tư cho vệ
sinh môi trường (VSMT) còn thấp và ít hiệu quả. Việc kiểm tra giám sát và xử lý
vi phạm làm ô nhiễm môi trường còn chưa được chú trọng. Ngoài ra, sự phối hợp
và chỉ đạo giữa các ngành, các cấp, các địa phương có liên quan đến chương
trình VSMT nông thôn còn thiếu chặt chẽ và chồng chéo. Các chính sách khuyến
khích đầu tư cho chương trình VSMT nông thôn theo phương thức xã hội hóa còn thiếu
đồng bộ, việc chỉ đạo còn lúng túng…
Để giải
quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, thành phố đã giao Sở NN&PTNT xây dựng quy
hoạch VSMT nông thôn theo định hướng phù hợp với Chiến lược quốc gia về nước
sạch và VSMT nông thôn. Theo đó, Sở NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch từ nay đến
năm 2015, sẽ có 90% số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 80% số
chuồng trại chăn nuôi được xử lý chất thải; 10% số làng nghề bị ô nhiễm nặng
được xử lý chất thải và 100% số xã có xử lý rác thải sinh hoạt. Phấn đấu đến
năm 2030, 100% làng nghề bị ô nhiễm nặng được xử lý chất thải và 100% các công
trình công cộng có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh.
Để đạt
được mục tiêu trên, Sở NN&PTNT đã đề ra nhiều biện pháp hỗ trợ như: hỗ trợ
30% kinh phí xây dựng chuồng trại chăn nuôi, xây hầm biogas; hỗ trợ 100% kinh
phí xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho các công trình công cộng. Đặc biệt, từ
nay đến năm 2015, thành phố sẽ ưu tiên cho các dự án xây dựng bãi tập kết rác
thải tại các xã và xây dựng 53.165 chuồng trại hợp vệ sinh.