
Phế thải độc hại tập kết
khắp nơi trong làng
Môi trường ô nhiễm nặng
Nghề tái chế được hình thành ở Đông Mai từ năm 1970, sau
đó phát triển mạnh thu hút nhiều người tham gia. Nhờ nghề này mà bộ mặt thôn Đông
Mai ngày càng khang trang, người dân giàu lên rõ rệt. Thế nhưng, đằng sau sự
phát triển ấy, người dân lại "sống dở, chết dở” bởi môi trường ô nhiễm
nghiêm trọng. Theo ông Nguyễn Xuân Lơi, Bí thư chi bộ thôn Đông Mai:
"Trước kia thời kỳ cao điểm có tới 30 xưởng tái chế chì thủ công hoạt
động ngay trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, thì nay do người dân đấu
tranh nhiều nên các cơ sở tái chế đã di dời ra rìa làng nhưng vẫn gây ô
nhiễm. Tiến hành khảo sát một số cơ sở tái chế, chúng tôi nhận thấy hầu hết
các cơ sở đều sử dụng công nghệ tái chế thủ công. Họ cứ vô tư thải chất độc
hại trực tiếp ra cống, rãnh, đồng ruộng gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.
Anh Hải, một công nhân lò tái chế chì tâm sự: "Do thường xuyên phải tiếp
xúc với hóa chất độc hại, bụi chì, hầu hết công nhân thấy khó thở, tức ngực,
chân tay lở loét. Nhiều lúc muốn nghỉ việc nhưng vì miếng ăn của cả gia đình
nên đành phải cắn răng chịu đựng.”. Nhiều năm nay, dân chúng tôi phải hứng
chịu hậu quả nặng nề. Ngày mưa còn đỡ chứ ngày nắng nóng thật khốn khổ, nước
axít bốc lên nồng nặc, khói bụi lò nấu chì khét lẹt phải đóng cửa cả ngày… Bà
Đặng Thị Lý, Trạm trưởng trạm y tế xã Chỉ Đạo cho biết: "Mới đây Viện Y học
Lao động và Vệ sinh môi trường đã tiến hành khám sàng lọc cho 109 trẻ em thôn
Đông Mai thì phát hiện gần 30 trẻ em dưới 10 tuổi có hàm lượng chì trong máu
cao, vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2-7 lần, có trẻ đã ở mức báo động.” Bà Lý
cho biết thêm: "Trong thôn Đông Mai có nhiều trẻ bị dị tật bẩm sinh mà
nguyên nhân là do cha mẹ của trẻ đó làm nghề tái chế chì lâu năm và bị nhiễm
độc chì” . Trao đổi về vấn đề này, các bác sỹ chuyên khoa tại Trung tâm Chống
độc ( Bệnh viện Bạch Mai, TP.Hà Nội) cho biết: Trẻ em có hệ thần kinh non
yếu, khả năng thải độc kém nên trẻ dễ ngộ độc chì. Trẻ nhiễm chì dễ dẫn đến
suy gan, thận. Nguy hiểm hơn, nhiễm độc chì ở trẻ nhỏ có thể gây bệnh mất trí
nhớ, sụt cân, khó khăn trong vận động về sau này.
Bao giờ hết ô nhiễm…?
Cũng theo kết quả nghiên cứu của Viện Y học và Vệ sinh môi
trường thực hiện tại xã Chỉ Đạo: Mức ô nhiễm chì trung bình trong không khí vượt
tiêu chuẩn 3,47 lần và càng gần lò đun thì hàm lượng chì trong khói bụi, nước
càng cao. Trước thực trạng đó, để hạn chế sự ô nhiễm, đầu năm 2011, UBND tỉnh
Hưng Yên phê duyệt dự án xây dựng làng nghề tái chế chì tập trung trên diện
tích 21ha tách khỏi khu dân cư. Làng nghề tập chung sử dụng mô hình sản xuất
tái chế chì hiện đại, khép kín xử lý để không còn chì trong khói và nước thải
ra môi trường. Tuy nhiên, từ đó đến nay dự án vẫn chưa được triển khai xây
dựng. Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, ông Tôn Đình Thiệu, Chủ
tịch UBMTTQ xã Chỉ Đạo cho biết: "Sở dĩ dự án vẫn chưa được thực hiện là
do phía nhà thầu thiếu vốn. Mặc dù đã được phía huyện, tỉnh nhắc nhở, đôn đốc
nhiều lần nhưng nhà thầu vẫn án binh bất động không chịu triển khai…”
Trong khi dự án này chưa được xây dựng thì các lò tái chế
chì thôn Đông Mai vẫn tiếp tục gây ô nhiễm, người dân chỉ biết ngắc ngoải chờ
đợi, bao giờ người dân Đông Mai hết cảnh nơm mấp lo nhiễm độc từ tái chế
chì…?
Theo đại đoàn kết
|