Cũng đã lâu rồi, hình ảnh dòng nước trong xanh hiền
hòa trôi đã chìm vào quên lãng, giờ đây, con sông Cầu Bây cung cấp nước tưới
phục vụ sản xuất nông nghiệp cho một số phường thuộc quận Long Biên và các xã
Kiêu Kỵ, Đông Dư, Đa Tốn, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm đang "oằn
mình" chịu đựng ô nhiễm.
Bà Nguyễn Thị Minh,
xã Đa Tốn chỉ vào mặt nước sông nổi đầy váng xanh, ngầu bọt nơi sông Cầu Bây xả
ra hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải cho biết: khổ nhất là về mùa cạn, nước sông
Cầu Bây chuyển màu đen kịt, đặc quánh, ảnh hưởng lớn đến nguồn nước cung cấp
cho sản xuất nông nghiệp. Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP
Hà Nội lấy 17 mẫu nước tại 17 điểm trên dòng sông này để phân tích, kết quả
chất lượng nước mặt bị ô nhiễm nặng, vượt quá ngưỡng cho phép nhiều lần.

Môi trường sông Nhuệ hiện đang ô nhiễm nặng.
Tìm hiểu thực tế tại sông Tích, sông Bùi, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu, sông
Cà Lồ, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng tương tự. Theo người dân sinh sống
dọc sông Bùi (huyện Chương Mỹ), mấy năm trước nhân dân vẫn sử dụng nước sông
cho sinh hoạt, nhưng hiện nay, nguồn nước đã bị ô nhiễm nặng. Sông Tích cũng
vừa được cơ quan chức năng cảnh báo xuất hiện ô nhiễm hữu cơ và kim loại. Đặc
biệt là dòng sông Nhuệ, nước sông thường xuyên đen ngòm, hôi thối khiến các
loài thủy sinh khó sinh tồn, gây ô nhiễm cả nguồn nước ngầm các khu dân cư sinh
sống dọc lưu vực. Mới đây, cơ quan chức năng lấy mẫu nước giếng khoan ở một số
địa phương của huyện Thanh Oai, kết quả phân tích cho thấy asen chiếm khoảng
10-12%.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do sự vô trách nhiệm của một bộ phận dân cư
đã xả rác thải, chất thải, nước thải vô tội vạ xuống sông. Sông Nhuệ, sông Đáy,
sông Cầu Bây còn phải gồng mình bởi các nguồn thải từ làng nghề, nhà máy, xí
nghiệp... Theo số liệu của Sở TN&MT Hà Nội, sông Nhuệ có chiều dài 64km từ
cống Liên Mạc (Từ Liêm) đến xã Đông Lỗ (Ứng Hòa), sông Đáy dài gần 100km từ xã
Vân Nam (Phúc Thọ) đến xã Yến Vĩ (Mỹ Đức) nhưng đang phải tiếp nhận nước thải
từ 700 đầu mối thuộc địa bàn 24/29 quận, huyện, thị xã với khối lượng 80.000m3
chất thải/ngày, trong đó có 11 khu công nghiệp tập trung, 47 cụm công nghiệp và
1.350 làng nghề cùng chất thải từ các khu đô thị, dân cư, cơ sở y tế, nhà hàng,
khách sạn, du lịch, thương mại... Kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc môi
trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, mức độ ô nhiễm sông Đáy, sông
Nhuệ, sông Cầu Bây, lượng khuẩn coliform vượt hàng chục lần, chỉ tiêu như BOD5,
COD, NH4, SS cùng các chất dinh dưỡng chứa nitơ, phốt pho, chất hữu cơ, chất
thải rắn độc hại như đồng, chì, thủy ngân, asen... đều vượt quá tiêu chuẩn
nhiều lần.
Vì vậy, trong khi chờ các dự án triển khai, hoàn thiện và đi vào hoạt động, bản
thân người dân sống trong và ngoài khu vực cần nâng cao ý thức bảo vệ môi
trường để giảm thiểu ô nhiễm cho chính bản thân gia đình mình và cộng đồng xã
hội.
Theo
HNM