Cuối tháng 4-2012, Công ty CP Môi trường
Việt Nam khánh thành nhà máy xử lý rác thải ni lông đầu tiên tại Việt
Nam đặt tại bãi rác Khánh Sơn - Đà Nẵng. Ngay lễ khánh thành, công ty
cũng công bố công nghệ xử lý chất thải rắn (ni lông) ra thành phẩm dầu
PO và RO. Chủ đầu tư của nhà máy chính là ông Nguyễn Ngọc Dân - Chủ tịch
Tập đoàn Năng lượng Việt Nam (Vina Energy Group) kiêm Chủ tịch HĐQT
Công ty CP Môi trường Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Dân (trái) bên dây chuyền sản xuất dầu PO từ ni lông phế thải Ảnh: THỦY NGỌC
Dầu Po, Ro từ rác thải
“Tôi
đã mất 7 năm cùng với nhiều công sức, chi phí để thực hiện dự án này” -
ông Nguyễn Ngọc Dân tâm sự. Xuất thân là thợ sửa chữa điện tử, ông
Nguyễn Ngọc Dân gắn liền với sản phẩm Kim Từ Điển vốn hữu ích cho mọi
người trong quá trình tra cứu từ vựng ngoại ngữ.
Nhiều
năm làm kinh doanh, ông luôn xác định: Muốn thành công cần mang đến cho
mọi người những sản phẩm sáng tạo, tinh hoa. Đó cũng là lý do khiến ông
vốn có sở trường về điện tử lại “lấn sân” sang lĩnh vực môi trường khi
nhận thấy các nguồn năng lượng đang dần cạn kiệt. Ông Dân kể: “Mỗi khi
về quê hương ở miền Tây, thấy các dòng sông bị người dân quăng đầy rác
tôi luôn xót xa.
Nhưng tôi càng đau lòng hơn khi
đến các bãi rác, thấy phương án xử lý lúc bấy giờ vẫn là chôn rác sâu
dưới đất”. Rác gây ô nhiễm môi trường khiến ông luôn trăn trở và sau đó,
ông cùng các cộng sự bỏ không ít thời gian, chi phí để thực hiện ý định
biến rác thải thành năng lượng.
Thời gian đầu, ông và
nhóm nghiên cứu đã gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện dự
án. Kỹ sư Trịnh Hoàng Linh, cộng sự của ông, nhớ lại: “Để biến rác thành
dầu thì rác cần phải sạch trong khi đó các túi ni lông lại chứa nhiều
tạp chất. Sau nhiều lần thử nghiệm, chúng tôi mới đúc kết được quy trình
làm sạch nghĩa là rác được đưa vào máy rũ để tách đất, đá sau đó đưa
vào máy băm, xé, sấy tách ẩm. Sau khi làm sạch ni lông được hóa dẻo và
đưa vào thiết bị phản ứng với chất xúc tác trước khi đưa đến tháp chưng
cất, phân đoạn để cho ra sản phẩm dầu”.
Hiện dây chuyền
công nghệ sản xuất dầu PO và RO có thể sản xuất khoảng 9 tấn dầu/ngày.
Dầu PO, RO từ ni lông phế thải có nhiệt trị cao, giá thành thấp nhưng
vẫn bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và hiệu quả kinh tế cho ngành công
nghiệp sản xuất, có khả năng thay thế nguồn năng lượng dầu đốt nhập khẩu
hiện tại trong công nghiệp.
Kỷ lục về môi trường
Không
chỉ dừng lại ở việc biến rác thải thành dầu, ông Dân đang tiếp tục thực
hiện giai đoạn 2 của dự án. Cụ thể, ngoài rác thải ni lông đã hóa dầu,
dây chuyền sẽ phân loại thủy tinh, kim loại, nhựa cứng bán cho đơn vị
tái chế; sành sứ, đất đá, xà bần sẽ phục vụ sản xuất gạch block; các
chất hữu cơ khó phân hủy dùng làm chất đốt tận thu nhiệt. Riêng hỗn hợp
hữu cơ sạch được chiết tách sản xuất viên đốt sinh học và phân sinh học.
Hiện nhà máy của ông được công nhận là một trong
7 kỷ lục Việt Nam trong lĩnh vực môi trường. Ông Dân chia sẻ: “Mục đích
của dự án này không phải ở lợi nhuận mà chúng tôi muốn cộng tác với các
địa phương trong cả nước để xử lý dứt điểm tác hại nguy hiểm của ni
lông đối với chúng ta và thế hệ con cháu sau này”.
Hiện
Nhà máy gạch Đồng Tâm miền Trung (KCN Điện Nam - Quảng Nam) là đơn vị
đầu tiên ký hợp đồng để sử dụng sản phẩm than sinh học của Công ty CP
Môi trường Việt Nam. Theo ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP
Đồng Tâm: “Dự kiến trong tháng 11, chúng tôi sẽ sử dụng sản phẩm than để
nung gạch. Với sản phẩm này, chúng tôi mong muốn góp phần bảo vệ môi
trường cũng như tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất”.
Ông
Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng, nhận
định: “Dự kiến trong 5 - 10 năm tới, bãi rác Khánh Sơn sẽ quá tải. Với
công nghệ xử lý chất thải rắn của Công ty CP Môi trường Việt Nam sẽ tận
thu đến 90% lượng rác thải để tạo nên những sản phẩm có ích”. |