MÔI TRƯỜNG + AN TOÀN LĐ
Dai dẳng ô nhiễm Hạ lưu các lưu vực sông: Áp lực lớn từ các nguồn thải
(Ngày đăng: 30/07/2019   Lượt xem: 519)
Để đảm bảo phòng ngừa ô nhiễm môi trường nước LVS, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 3 Đề án Bảo vệ môi trường LVS Cầu, sông Nhuệ - Đáy và hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020. Nhưng đến nay, áp lực từ các nguồn thải vẫn đe dọa và ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường các LVS.

Chưa có nhiều cải thiện

Triển khai 3 Đề án, Chính phủ đã tăng cường hoàn thiện việc xây dựng cơ chế chính sách về bảo vệ môi trường nước LVS, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các nguồn thải và kịp thời có các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Đến nay, đã có 11/11 tỉnh, thành phố trên LVS Cầu và LVS Nhuệ - Đáy phê duyệt và triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án tại mỗi tỉnh, thành phố; đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án trên địa bàn. Đối với LVS Cầu, đến nay, đã có 56 dự án đầu tư lớn được thực hiện, LVS Nhuệ - Đáy giai đoạn 2015 - 2017, các Bộ và địa phương đã triển khai 54 dự án về bảo vệ môi trường LVS Nhuệ - Đáy. 11/11 tỉnh, thành phố thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đã thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn thải và lập kế hoạch quản lý, trong đó, gắn với việc yêu cầu lắp đặt trạm quan trắc tự động liên tục nước thải theo quy định.

Mặc dù, công tác bảo vệ môi trường các LVS đã được Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương quan tâm đẩy mạnh nhưng đến nay, tại một số khu vực ô nhiễm vẫn kéo dài, chưa có nhiều cải thiện. Trên LVS Cầu, ô nhiễm tập trung ở phần hạ lưu các tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang; sông Ngũ Huyện Khê là khu vực trọng điểm ô nhiễm của LVS này, chủ yếu do nước thải sản xuất chưa qua xử lý của Cụm Công nghiệp Phú Lâm và Làng nghề giấy Phong Khê thải ra.

Tại LVS Nhuệ - Đáy, ô nhiễm và suy thoái chủ yếu tập trung ở vùng trung lưu và hạ lưu, một số khu vực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Nội, các sông khác thuộc khu vực nội thành Hà Nội (LVS Nhuệ - Đáy), đoạn sông Cầu qua tỉnh Bắc Giang - Bắc Ninh, sông Ngũ Huyện Khê đoạn qua Bắc Ninh (LVS Cầu)... Các sông nội thành của Hà Nội chất lượng nước vẫn chưa được cải thiện. Kết quả tính toán giá trị WQI tại 6 điểm quan trắc có 4 điểm có giá trị WQI=0-25, phản ánh nước sông ô nhiễm nặng. Quan trắc 4 điểm (từ điểm Phúc La (Hà Đông) đến điểm Cầu Chiếc (Thường Tín) kết quả cho thấy giá trị DO không đạt QCVN 08-MT:2015/BTNMT loại B1 (4 mg/L) do tiếp nhận nước thải từ làng nghề xả thải trực tiếp ra sông… 

T6
Nước thải làng nghề là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông. Ảnh: MH

Đối với LVS Đồng Nai, đoạn trung lưu và hạ lưu đã và đang tiếp nhận nước thải từ các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt và nuôi trồng thủy sản (nuôi cá bè), do đó, chất lượng nước bị suy giảm so với khu vực thượng nguồn. Đoạn chảy qua TP. Biên Hòa và tỉnh Bình Dương đã bị ô nhiễm các chất dinh dưỡng, chất hữu cơ và vi sinh. Sự cố cá chết hàng loạt trên sông và vùng ven biển vẫn thi thoảng xảy ra, như vụ cá chết tại sông Bồ (Thừa Thiên - Huế), sông Trà Khúc (Quảng Ngãi), sông Cái Vừng (An Giang, Đồng Tháp)... và gần đây nhất, sông La Ngà là các vấn đề được dư luận rất quan tâm. Sông Sài Gòn là sông có mức độ ô nhiễm cao hơn các sông còn lại trong lưu vực do một số khu vực ở hạ nguồn đang bị ô nhiễm cục bộ bởi chất dinh dưỡng (N-NH4+, N-NO2-) và nồng độ oxy hòa tan quan trắc được khá thấp (giá trị DO < 2 mg/L).

Các địa phương phải kiểm soát nguồn thải trên địa bàn

Nhiều ý kiến cho rằng, để không còn xảy ra tình trạng ô nhiễm kéo dài, cải thiện chất lượng, các địa phương trên toàn lưu vực phải có lộ trình và nguồn kinh phí để thực hiện kiểm soát và quản lý chặt chẽ các nguồn thải khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề... Đồng thời, cần xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin nguồn thải; lập bản đồ nguồn ô nhiễm; bên cạnh đó, việc thường xuyên cập nhật và điều phối các hoạt động triển khai kế hoạch sẽ giúp các địa phương có lộ trình kiểm soát, xử lý tổng thể đối với nguồn thải tại địa phương mình.

Huy động nguồn lực để xử lý ô nhiễm, đặc biệt, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung. Kiến  nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ưu tiên tập trung vào việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đô thị cho các địa phương theo hướng hợp tác công - tư, xã hội hóa và địa phương nào gây ô nhiễm chính chịu trách nhiệm chính trong xử lý ô nhiễm lưu vực sông.

Bên cạnh đó, cần tăng cường cơ chế phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên ngành, liên tỉnh; nghiêm túc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ bảo vệ môi trường LVS theo kết luận các Phiên họp của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông.

6 nhóm nhiệm vụ và 5 giải pháp

Tổng cục Môi trường đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và 5 giải pháp triển khai Chương trình hành động của Bộ TN&MT thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, sẽ tập trung thực hiện tốt chương trình quan trắc định kỳ, thực hiện chương trình quan trắc môi trường không khí và nước tại các lưu vực sông và các vùng kinh tế trọng điểm, các khu vực nhạy cảm, có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; duy trì vận hành, theo dõi hệ thống các trạm quan trắc môi trường không khí tự động, cố định và các trạm quan trắc môi trường nước tự động, cố định tại các lưu vực sông và trạm quan trắc nước... Tổ chức công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018 với Chủ đề “Môi trường nước các lưu vực sông”; xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019, báo cáo về công tác bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
                                                       
   
Theo: baotainguyenmoitruong.vn

 

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

30
Đang xem:
72.473.032
Tổng truy cập: