MÔI TRƯỜNG + AN TOÀN LĐ
Nên cấm những ngành nghề gây ô nhiễm lưu vực sông: Khẩn trương cứu sông
(Ngày đăng: 29/09/2012   Lượt xem: 1012)

Dọc theo lưu vực sông Đồng Nai, chỉ nên có 8 khu, cụm công nghiệp được hoạt động bình thường trong tổng số 101 đơn vị đang hoạt động, không cấp phép tiếp tục cho làng nghề mà cần lưu ý hoặc hạn chế, thậm chí cấm hoạt động. Đó là đề xuất của một nhóm các nhà khoa học mới đây để không gây thêm ô nhiễm cho lưu vực sông Đồng Nai, dần thiết lập kỷ cương sản xuất bền vững.

 2012_112_T13_anh.jpg

Một họng xả nước thải của Sonadezi ra rạch Bà Chèo

Sông Thị Vải không thể tiếp tục nhận nguồn thải

 PGS. TS. Trần Hồng Thái, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường cảnh báo, hiện nay toàn bộ lưu vực sông Đồng Nai chảy qua 11 tỉnh, thành đã không còn khả năng tiếp nhận nước thải, bởi các thông số TSS, COD, BOD, amoni, tổng nitơ và tổng phôtpho đều quá mức cho phép. Nếu tiếp tục nhận nước thải, lưu vực sông này sẽ "chết hoàn toàn” vì ô nhiễm.

 Qua đánh giá mức độ xả thải của các loại hình sản xuất dọc lưu vực sông Đồng Nai, nhóm nghiên cứu nhận thấy có 6 ngành nghề đang gây ô nhiễm nghiêm trọng đến lưu vực sông. Đó là sản xuất cao su, giấy và bột giày, dệt nhuộm, da giày – thuộc da, luyện kim và công nghiệp hóa chất. Đến nay, những ngành nghề này đều xả lượng nước thải lớn ra sông nhưng đa số chưa được xử lý.

 Chỉ tính 40 cơ sở dệt nhuộm, may mặc nằm ngoài khu công nghiệp, trên lưu vực sông, thải tổng lượng gần 32.000m 3 /ngày đêm, có đến 85% đơn vị hệ thống xử lý nước thải chưa có hoặc có mà quá thô sơ. Các cơ sở này chủ yếu ở TP.HCM, Bình Dương, Long An. Đó là chưa kể 103 nhà máy sản xuất cao su trên lưu vực sông xả hơn 41.000m3 nước thải/ngày đêm ra sông và 22 cơ sở sản xuất hóa chất ngoài khu công nghiệp xả thải trên 10.000m3 /ngày đêm nhưng trên 80% hệ thống xử lý nước thải thô sơ hoặc chưa có.

 Báo động nhất là sông Thị Vải không còn khả năng tiếp nhận nguồn thải. Cần tuyệt đối tránh xả thải vào đoạn sông từ sau hợp lưu Suối Cả - Sông Thị Vải dài khoảng 2km đến khu công nghiệp Mỹ Xuân và hệ thống mặt nước kênh rạch thuộc nội thị TP. Hồ Chí Minh, TP. Biên Hòa. Duy chỉ còn vùng thượng lưu sông Đồng Nai đến cửa xả thủy điện Trị An, từ thượng lưu sông Sài Gòn đến hồ Dầu Tiếng có khả năng tiếp nhận nguồn thải. Các vùng còn lại chỉ tiếp nhận ở mức trung bình đến thấp.

 Nước là tài nguyên quý, hiện không chỉ có lưu vực sông Đồng Nai đang quá tải ô nhiễm. Trong bối cảnh nguồn nước có nguy cơ cạn kiệt, suy thoái và ô nhiễm nặng nề, các thông tin chính xác về số lượng, chất lượng tài nguyên nước rất cần thiết để kịp thời xử lý, đồng thời làm cơ sở xây dựng chiến lược, sách lược bảo vệ và quy hoạch khai thác, sử dụng. Tại buổi làm việc với Trung tâm Quy hoạch & Điều tra tài nguyên nước ngày 10-4, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai khẳng định từ nay đến cuối năm, định mức hệ thống quan trắc tài nguyên nước quốc gia sẽ hoàn thiện.

 Tạo kỷ cương sản xuất bền vững

 Dựa trên 3 tiêu chí: vùng tiếp nhận nguồn thải là loại hình công nghệ, tiềm năng gây ô nhiễm và đặc điểm nguồn thải, nhóm nghiên cứu đã đề xuất cần tạm cấm, hạn chế các cơ sở sản xuất trên lưu vực sông Đồng Nai. "Chúng tôi kiến nghị, tạm thời hạn chế các dự án mở mới quy mô nhỏ đối với sản xuất bột giấy, hóa chất cơ bản, dệt nhuộm, xi mạ. Riêng chế biến mủ cao su, cần cấm các dự án sử dụng công nghiệp cũ”, ông Trần Hồng Thái đề xuất.

 Cụ thể theo đề xuất, không cơ sở nào nằm ngoài khu, cụm công nghiệp (248 cơ sở) được tiếp tục sản xuất bình thường, hạn chế hoặc tạm dừng sản xuất. Toàn bộ 171 làng nghề, làng có nghề đều phải hạn chế hoạt động, lưu ý các vấn đề môi trường phát sinh. TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu danh sách này với 59 làng nghề cần hạn chế đầu tư.

 Trong số 101 khu, cụm công nghiệp nằm trong danh sách thanh tra bảo vệ môi trường năm 2010, chỉ 8 khu, cụm công nghiệp được sản xuất bình thường. Tỉnh Đồng Nai được đánh giá cao nhất với 5 khu "an toàn”, song tỉnh này nằm chung danh sách với Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh vì có nhiều khu, cụm công nghiệp cần lưu ý hoạt động.

 Khi nghiên cứu này được đưa ra, nhiều địa phương lo ngại việc hạn chế hoạt động sản xuất sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Tuy nhiên ở góc độ quản lý môi trường, các nhà khoa học đề nghị "cứu sông khẩn cấp”, bởi rất khó trông chờ vào lời hứa bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Trước mắt cần mạnh dạn tạm thời cấm, hoặc hạn chế nhiều ngành nghề đang gây ô nhiễm lớn hiện nay, dần dần sẽ tạo được kỷ cương sản xuất bền vững.

Theo đại đoàn kết

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

43
Đang xem:
77.057.182
Tổng truy cập: