MÔI TRƯỜNG + AN TOÀN LĐ
Không thể mãi xem nhẹ
(Ngày đăng: 23/04/2019   Lượt xem: 525)

Từ lâu, câu chuyện phát triển các làng nghề luôn được các cấp ngành trên địa bàn Hà Nội đặc biệt quan tâm bởi ngoài việc tạo ra hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của xã hội, giải quyết việc làm… thì làng nghề còn trực tiếp giúp giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đạt được, ở phần lớn các làng nghề đội ngũ lao động đang phải đối diện với rất nhiều nguy cơ về an toàn lao động và ô nhiễm môi trường.

Còn nhiều bất cập

Trong cái nắng ngột ngạt của thời tiết cuối tháng 4, nhiệt độ lên tới 36- 38oC nhưng những người dân làng nghề mộc Phù Yên, xã Trường Yên, (huyện Chương Mỹ) vẫn cần mẫn cưa, xẻ những tấm gỗ lớn; đục đẽo, lắp ghép cánh cửa, tiện những cây gỗ lớn… để kịp giao hàng cho khách. Theo tìm hiểu, nghề mộc vốn là nghề truyền thống của làng, được truyền từ đời này sang đời khác, là “cần câu cơm” kiếm sống chính của mỗi hộ gia đình.

an toan ve sinh lao dong o lang nghe khong the mai xem nhe
Nhiều lao động làm nghề mộc chưa được trang bị bảo hộ lao động khi làm việc. Ảnh: Luyện Đinh

Trong không khí lao động bận rộn ấy, đáng lẽ vấn đề an toàn trong sản xuất phải đặt lên hàng đầu, thế nhưng qua quan sát của chúng tôi đội ngũ công nhân lao động trong làng nghề sử dụng trang bị bảo hộ lao động tương đối hạn chế. Khẩu trang gần như là trang bị bảo hộ được “chuộng” và sử dụng tại làng nghề này.

Một vấn đề đáng quan tâm khác, hiện ở Phù Yên mặt bằng sản xuất chật hẹp đang là trở ngại đối với sự phát triển của làng nghề. Theo ghi nhận, để sản xuất, người dân đã tận dụng tối đa diện tích 2 bên đường làm nơi tập kết nguyên vật liệu và làm việc. Hầu hết các xưởng mộc đều nằm xen kẽ trong khu dân cư, chưa có quy hoạch được các cụm, điểm để đưa các xưởng mộc ra một khu sản xuất riêng. Điều này ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân sống xung quanh.

Hà Nội có hơn 200.000 doanh nghiệp, hơn 1.000 làng nghề truyền thống đang hoạt động; gần 4 triệu lao động đang làm việc trong tất cả lĩnh vực, ngành nghề. Ngoài ra, thành phố còn có hàng triệu lao động tự do.

Với số lượng lớn như vậy, hơn lúc nào hết các ngành chức năng cần tuyên truyền để người lao động nâng cao ý thức chủ động phòng, tránh tai nạn bằng những biện pháp hỗ trợ cần thiết. Đặc biệt, phải làm sao để người lao động hiểu rõ quyền lợi khi yêu cầu chủ cơ sở thực hiện điều kiện pháp lý cần thiết, như: Cùng ký hợp đồng lao động kèm các điều khoản cam kết bảo đảm an toàn lao động, môi trường làm việc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động.

Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra tại huyện Phúc Thọ. Ở Phúc Thọ, hầu như xã nào cũng có hộ dân làm nghề mộc. Họ trải đều khắp các xã như: Long Xuyên, Hát Môn, Thọ Lộc… tuy nhiên, một điểm chung là hiện lao động làm nghề mộc thường xuyên phải tiếp xúc với bụi bặm từ gỗ, đặc biệt là từ sơn hóa học dùng để phun màu cho gỗ. Đây cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh về đường hô hấp như: phổi, phế quản…

Cần thay đổi thói quen

Thực tế, vấn đề không đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho các lao động làm việc tại làng nghề từ lâu đã được xem xét, nhìn nhận. Và để bảo đảm an toàn cho người lao động khu vực phi chính thức, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách như tại Điều 140, 141, 142, 143, 144, 145 Bộ luật Lao động 2012 và các Điều 19, 24, 26, 27, 38, 39 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015… quy định, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm từ việc sơ cứu, điều trị, trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động, bị bệnh nghề nghiệp, đến việc bố trí công việc phù hợp với sức khỏe của người lao động sau khi đã được điều trị...

Theo đánh giá của các chuyên gia, những quy định này là rất cần thiết, không chỉ nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động khi rơi vào hoàn cảnh bị bệnh nghề nghiệp, bị tai nạn lao động mà còn nhằm tăng trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động ở đơn vị mình.

Ngay trên địa bàn Hà Nội, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các bên liên quan, trong những tháng đầu năm 2019, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các ngành, địa phương đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

Hoạt động tuyên truyền tập trung vào khu vực không có hợp đồng lao động. Theo đó, các đơn vị, địa phương cần tổ chức diễn đàn đối thoại với người lao động; mở lớp tập huấn nâng cao về an toàn, vệ sinh lao động cho đại diện doanh nghiệp, người lao động; quan tâm đến đời sống của nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…

Dù được quan tâm sát sao là vậy song ở các làng nghề, để tiết kiệm chi phí, thu nhiều lợi nhuận, vẫn còn không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh không quan tâm đến việc thực hiện các quy định về bảo đảm sức khỏe cho người lao động. Do vậy, để làm thay đổi nhận thức của người dân, bên cạnh khung chính sách thì rất cần phải tuyên truyền nâng cao nhận thức, bởi chỉ khi nhận thức đúng được tầm quan trọng về làm việc an toàn thì khi đó người lao động mới chủ động thực thi.

Trở lại câu chuyện đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại làng nghề chế biến gỗ, theo tìm hiểu hiện hầu hết người lao động trong các xưởng từ chủ xưởng cho tới công nhân đều không được qua đào tạo. Những kiến thức, kỹ năng về vận hành máy móc, làm nghề đều dựa trên cơ sở tự mày mò, tìm hiểu, thông qua kinh nghiệm, truyền dạy theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, người đi trước chỉ người đi sau.

Một điều dễ nhận thấy là người lao động làm nghề chế biến gỗ hầu như không được tham gia các lớp tập huấn về an toàn vệ sinh lao động. Những kiến thức về an toàn trong nghề có được chủ yếu là do kinh nghiệm trong quá trình tự lao động và sự dặn dò của chủ cơ sở.

Khách quan nhìn nhận, để tăng cường công tác an toàn vệ sinh lao động và cải thiện môi trường khu vực làng nghề, cần phải có các quy định chặt chẽ về điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các hộ làm nghề, các cơ sở sản xuất. Những cơ sở nào không đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh lao động thì các ngành chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương không nên cho hoạt động.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần có sự kiểm tra, theo dõi chặt chẽ hơn điều kiện làm việc của làng nghề, các quy định về đảm bảo an toàn trong lao động cũng như sức khỏe của người lao động trong các làng nghề, nhất là các làng nghề có nguy cơ ô nhiễm cao. Cần mở các lớp tập huấn về an toàn vệ sinh lao động cho các làng nghề, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động và chủ sử dụng lao động trong các làng nghề để họ tuân thủ các quy định về an toàn lao động, vệ sinh môi trường, tự bảo vệ sức khỏe của mình. Bên cạnh đó cần khuyến khích hỗ trợ người làm nghề tham gia các hình thức bảo hiểm, trong đó có bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm tai nạn lao động, tham gia khám sức khỏe định kỳ hàng năm.

Hơn hết, an toàn lao động tại các làng nghề, vùng nông thôn hiện nay cần được quan tâm từ nhiều phía. Tuy nhiên, yếu tố tiên quyết vẫn là nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động trên cơ sở thực hiện đúng những quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động hiện hành.
                                                                                                   Theo: laodongthudo.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

2
Đang xem:
72.392.510
Tổng truy cập: