Dư luận cho rằng, lực lượng kiểm lâm
muốn làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng thì trước hết phải làm tốt
công tác kiểm tra, giám sát tại một số chợ gỗ, trong đó có chợ gỗ “cao
cấp” ở Đồng Kỵ.
 |
Gỗ hương khống thấy có dấu búa kiểm lâm được mua bán công khai ở chợ gỗ Đồng Kỵ. |
Tấc gỗ tấc vàng
Ông
mặt trời đứng bóng trút nắng đầu hạ 35 – 38 độ C xuống thị xã Từ Sơn
(Bắc Ninh), khiến đường sá bốc hơi nóng hầm hập. Ghé thăm một đại lý bán
đồ gỗ gia dụng cao cấp, chúng tôi được ông chủ đại lý giới thiệu, báo
giá các loại sản phẩm, chợt nghe đã thấy kinh hoàng.
Các
loại giường chiều rộng 1,6 m (hoặc 1,5 m), dài 2m bằng gỗ hương giá từ
15 – 30 triệu đồng tùy mẫu mã; giường công chúa từ 50 – 70 triệu đồng.
Đối với gỗ sưa, loại giường công chúa có giá từ 100 – 500 triệu đồng;
loại giường này có họa tiết hoa văn cung đình (tùy đời) có giá từ 500
triệu đến trên dưới một tỷ đồng, người có nhu cầu phải làm hợp đồng đặt
cọc trước, các nghệ nhân mới làm.
Các bộ bàn ghế có hoa văn
trúc, đào, nho, rồng, phượng đời Minh đế (tùy loại), bằng gỗ gụ giá từ
20 – 35 triệu/bộ; hương từ 50 – 70 triệu/bộ; trắc có giá vài trăm triệu
đến hơn tỷ đồng một bộ, tùy vào cột 9, cột 10 hay cột 12. Bộ trường kỷ
cũng tùy theo chất gỗ mà có giá từ 20 – 30 triệu đồng. Các loại sập
trung, đại, sập ngũ phúc bằng gỗ gụ tùy theo hoa văn khảm và chất gỗ, có
giá khoảng 30 – 40 triệu đồng; hương từ 70 – 80 triệu đồng; gỗ trắc gần
một tỷ đồng…
Các dòng sản phẩm gỗ gia dụng cao cấp trên chủ
yếu được các nghệ nhân làng nghề mộc truyền thống ở Phù Khê, Đồng Kỵ
sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho các đại gia trong nước và xuất
khẩu theo đơn đặt hàng đến từ Hồng Kông, Ma Cao, Đoài Loan - Trung Quốc.
Nguyên
liệu sản xuất các loại sản phẩm cao cấp này là các loại gỗ quý hiếm như
gỗ sưa, trắc, hương, gụ, lim, lát, táu, cẩm lai… và nghiến có nguồn gốc
từ những cánh rừng đầu nguồn, nguyên sinh nào?.
 |
Những khối gỗ không lai lịch |
Ông
chủ đại lý đồ gỗ gia dụng Từ Sơn chỉ đường cho chúng tôi đến các chợ gỗ
ở xã Phù Khê và Đồng Kỵ để tìm hiểu về nguồn cung cấp gỗ. Tại phường
Đồng Kỵ và xã Phù Khê có đến 5 chợ gỗ lớn được quy hoạch và rất nhiều
chợ gỗ vừa và nhỏ tự phát rãi rác trong các ngõ phố và đường liên thôn.
Chợ nào cũng chất đống, bạt ngàn các loại gỗ quý như gỗ sưa, trắc,
hương, gụ, nghiến, lim, mun… và cẩm lai.
Có loại gỗ có dấu
búa kiểm lâm, nhưng cũng có một số loại gỗ súc lớn vuông thành, sắc
cạnh, không có dấu búa kiểm lâm. Tại một chợ gỗ lớn nằm giữa phường Đồng
Kỵ, chúng tôi quan sát trong một buổi chiều thấy một số loại ô tô mang
biển kiểm soát 46 (Gia Lai), 47 (Đắc Lắc), 73 (Quảng Bình), 37 (Nghệ
An), 36 (Thanh Hóa), 20 (Thái Nguyên) và 97 (Bắc Kạn) đến nhập gỗ vào
bãi rất tấp nập.
Có điều lạ là không thấy các ông chủ mua
gỗ xuất hiện ở chợ, chỉ thấy các phu gỗ nhận hàng, xếp vào bãi xong lại
lao ngay vào chiếu bạc. Một phu gỗ cho biết, các loại gỗ quý hiếm từ các
rừng già, rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn của nước ta đều “chảy về”
các chợ gỗ ở xã Phù Khê và phường Đồng Kỵ. Có đêm, có ông chủ gỗ “xuống
300 tỷ đồng” để thu mua các loại gỗ quý hiếm do các đầu nậu gỗ từ các
địa phương trong nước vận chuyển đến.
Gỗ nghiến Bắc Kạn được
các ông chủ gỗ mua vào với giá 17 – 18 triệu đồng/m3; gỗ lim Lào giá 22
– 30 triệu/m3; gụ giá 14 – 20 triệu/m3; gỗ mun từ 80 – 120 triệu
đồng/m3; gỗ cẩm lai Tây nguyên giá khoảng 65 triệu đồng/m3. Duy chỉ có
gỗ sưa, trắc và hương là vừa mua theo thể tích (khối) vừa theo trọng
lượng (cân).
Trong đó, gỗ sưa cành cân với giá 15 – 20 nghìn
đồng/kg; gỗ ván hoa văn, vân đẹp mua cân với giá khoảng 650 nghìn
đồng/kg, có lúc khách hàng bên Trung Quốc đặt hàng lên đến hơn một triệu
đồng một kg. Đối với gỗ trắc, loại ván đẹp to bản có giá trên 500
triệu/m3; rễ gỗ trắc các loại được cân với giá từ 15 – 35 nghìn đồng/kg;
gỗ hương gốc cân với giá 13 – 15 nghìn đồng/kg, gỗ ván giá 37 – 40
triệu/m3.
Rừng tan hoang vì đây
Tại
thời điểm phóng viên thị sát, hiện có hàng chục nghìn mét khối gỗ quý,
hiếm các loại đang được bày bán ở 5 chợ gỗ lớn ở xã Phù Khê và phường
Đồng Kỵ. Trong các đường làng, ngõ xóm và các nhà dân gỗ quý hiếm được
xếp thành khối ở rất nhiều các tụ điểm khác nhau. Xe đầu dọc, đầu ngang
lượn trong làng mua bán gỗ rất sôi động. Có cơ quan nào kiểm tra, giám
sát việc mua bán gỗ quý hiếm này?.
 |
Xe công nông đầu dọc, đầu ngang vận chuyển gỗ quý hiếm trong khắp đường làng, ngõ xóm xã Phù Khê |
Ông
Nguyễn Đức Thuận (Cán bộ Văn phòng UBND xã Phù Khê) cho biết, cả xã Phù
Khê có hơn 2.000 hộ dân (trong đó có 22 hộ thành lập doanh nghiệp) thì
hộ nào cũng tham gia làm nghề mộc truyền thống, hộ nào cũng tham gia chế
tác, sản xuất đồ gỗ gia dụng cao cấp liên quan đến gỗ quý hiếm.
Khi
cần, tất cả số hộ đều ra các chợ gỗ ở xã Phù Khê hoặc phường Đồng Kỵ
lựa chọn các loại gỗ họ cần, hoặc được khách hàng đặt hàng. Phần lớn,
trong số họ đều: “Không rõ hoặc không quan tâm đến nguồn gốc gỗ quý
hiếm, có hợp pháp hay không hợp pháp hoặc có nguồn gốc từ cánh rừng nào,
địa phương, châu lục nào, cũng chẳng thấy cơ quan nào kiểm tra, giám
sát việc mua bán gỗ ở địa phương…”.
Ở phường Đồng Kỵ, hiện
có hơn 500 doanh nghiệp sản xuất, chế tác các loại sản phẩm gỗ gia dụng
cao cấp. Trong đó, một phần không nhỏ số doanh nghiệp liên doanh hoặc có
chủ đầu tư là doanh thương Trung Quốc. Họ đầu tư vốn, máy móc, công
nghệ và các loại mẫu mã đồ gỗ theo các đời vua chúa phong kiến Minh,
Tống, Nguyên, Mông bên Trung Quốc, sản xuất khối lượng lớn theo đơn đặt
hàng.
Do vậy, đa phần các loại sản phẩm bàn ghế, sập gụ, tủ
chè, tủ đứng… và tủ quần áo được các doanh nghiệp chế tác gỗ ở phường
Đồng Kỵ đều mang dấu ấn hoa văn có nguồn gốc văn hóa Trung Hoa. Các loại
sản phẩm gỗ cao cấp này được các chủ doanh nghiệp giao hàng cho các đại
lý “tung” ra thị trường trong nước và xuất khẩu.
Mặt khác,
các loại gỗ sẻ quý hiếm như gỗ sưa, trắc và hương cùng một số loại gỗ
quý hiếm khác được các chủ doanh nghiệp Trung Quốc mua gom khối lượng
lớn tại một số chợ gỗ ở xã Phù Khê và phường Đồng Kỵ, rồi đóng
containner xuất khẩu theo các địa chỉ đặt hàng của họ. Cho nên, gỗ quý
hiếm trong nước đang ùn ùn “chạy” ra nước ngoài, khiến các cánh rừng già
nguyên sinh ở đầu nguồn Tây Bắc, Tây Nguyên và phía Tây xứ Thanh, xứ
Nghệ và xứ Quảng đang ngày một teo dần.
Câu trả lời cho việc ngăn chặn nạn phá rừng
Các
loại thuế thu cho ngân sách địa phương từ các hoạt động sản xuất, buôn
bán, chế tác gỗ ở phường Đồng Kỵ hàng năm được phát sinh tăng ra sao ?
Bà Chữ Thị An (Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ) không trả lời vào câu
hỏi mà nói rằng: “Chủ tịch phường mới là người có thẩm quyền phát ngôn,
nhưng ông ấy đang đi họp”. Nói, rồi bà An đưa một tệp Báo cáo, tôi lược
ghi: “Khu kinh tế công nghiệp dịch vụ (chủ yếu là mua bán, sản xuất, chế
tác gỗ - PV) năm 2011 ước đạt 751,2 tỷ đồng, tăng 20,3%; thu ngân sách
phường hơn 21,5 tỷ đồng, tăng 36% so với kế hoạnh”.
Nhũng
“số thu phát sinh tăng” trên, liệu có đồng nghĩa với những cánh rừng
già, rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn của Tây nguyên, Tây Bắc và Tây xứ
Thanh, xứ Nghệ và xứ Quảng đang bị những nhát rìu của lâm tặc làm giảm
dần diện tích ? Câu hỏi này xin dành cho các cơ quan chưc năng, nhất là
lực lượng kiểm lâm. Và hẳn ai cũng biết ngăn chặn nạn phá rừng, một
trong những giải pháp có hiệu quả nằm ở những chợ gỗ “hoành tráng” như
Đồng Kỵ.
Phóng sự của: Lê Trọng Hùng