Những
năm gần đây, nhiều khu dân cư ở TP.Hải Phòng đang phải sống chung với tình
trạng môi trường bị ô nhiễm từ các làng nghề. Ngay cả người lao động cũng rất
thờ ơ với việc bảo vệ chính mình.
Sống chung với ô nhiễm
Con mương cạnh cơ sở tái chế nhựa của hộ ông Phạm Khắc Tuyến
(thôn Thi Đua 2, phường Tràng Minh, quận Kiến An) luôn đen ngòm, nổi váng xanh.
Khi chúng tôi ghé vào, trong sân, 3 công nhân không găng tay, không khẩu trang
thoăn thắt bốc túi nylon đưa vào máy xay ngay cạnh cỗ máy nấu nhựa đang chạy ầm
ầm, mùi khét bốc lên khiến khách sặc sụa. Bên cạnh, nhiều người phân loại phế
thải cũng không dùng găng tay, khẩu trang.

|
Phế thải chất đống bên
đường ở phường Tràng Minh.
|
Cụ Trần Thị Quấy, 72 tuổi (thôn Thi Đua 2) chia sẻ: “Ngay cả
những hôm trời dịu mát, không khí của khu vực Tràng Minh này cũng rất ngột
ngạt, khó thở. Hôm nắng nóng thì khói bụi đặc kín. Người già như tôi thì cũng chẳng
còn gì để tiếc nữa, nhưng lo cho thế hệ trẻ và nhất là các cháu nhỏ. Mỗi khi
mùi nhựa nấu bốc lên, các cháu hít phải hay bị đau đầu, tức ngực. Trời nóng như
vậy mà nhà phải đóng chặt cửa suốt”.
Qua khảo sát thực tế của chúng tôi thì hầu như tất cả các hộ
thu gom hay tái chế nhựa ở phường Tràng Mình không có hệ thống xử lý nước
thải, không có hệ thống khử mùi khi sản xuất. Tất cả chất thải đều được đổ trực
tiếp ra cống, rãnh, ao hồ chung của phường và mùi nhựa nấu vô tư bay ra không
gian để rồi người dân phải hứng chịu thứ mùi độc hại này.
Ông Trần Ngọc Hưởng -Tổ trưởng tổ dân phố Quang Vinh 2,
phường Tràng Minh cho biết, cả khu có chừng hơn 100 hộ mua bán và tái chế phế
liệu. Mỗi tháng, khu vực này tái chế được khoảng 200-250 tấn nhựa. Mỗi hộ tái
chế nhựa thải ra môi trường mỗi ngày từ 3 - 5m3 nước thải nguy hại, chưa kể
nước thải sinh hoạt và chăn nuôi. So với các phường khác của quận thì sức khỏe
của trẻ em khu vực phường Tràng Minh kém hơn hẳn, thường mắc những căn bệnh về
hô hấp.
Ông Hưởng kiến nghị: "Lãnh đạo địa phương và cấp thành
phố cần quan tâm, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất tại khu làng
nghề để họ đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường. Đồng thời, tổ chức tập huấn,
tuyên truyền kiến thức về an toàn lao động cho chủ cơ sở sản xuất và người lao động,
biết giữ sức khỏe cho mình và mọi người xung quanh".
Người lao động thờ ơ
Tại làng nghề đúc cơ khí Mỹ Đồng (xã Mỹ Đồng, huyện Thủy
Nguyên) đã được quy hoạch và sản xuất tập trung nhưng tình trạng ô nhiễm cũng
rất trầm trọng. Tại một xưởng đúc ở khu vực xóm 2, trong tiếng búa inh tai,
khói lò và khói từ tàn than, rác thải bắt lửa bốc lên mù mịt, hàng chục công nhân
vẫn hối hả làm việc. Chốc chốc, một vài công nhân chạy ra ngoài dụi mắt cho đỡ
cay rồi vào làm tiếp.
Số liệu quan trắc nước thải tại phường Tràng Minh năm 2007
cho thấy, hàm lượng nitơ tổng số, amôniắc nitrô, coliform đều vượt chỉ tiêu cho
phép, đặc biệt hàm lượng coliform vượt tiêu chuẩn cho phép tới 800 lần. Đây đều
là những chất gây độc hại với sức khỏe con người.
Một người dân ở khu vực Phương Mỹ, xã Mỹ Đồng, cho biết:
“Mặc dù đã được quy hoạch nhưng khu làng nghề vẫn ở gần khu dân sinh. Nhiều
xưởng còn không có ống khói hoặc có cũng chỉ thấp lè tè, khí độc không bay đi
được nên gặp gió là tạt hết vào nhà dân xung quanh, làm các cháu nhỏ hay mắc bệnh
về đường hô hấp”. Cả làng nghề Mỹ Đồng hiện có 111 cơ sở sản xuất đúc kim loại
và gia công cơ khí, “góp sức” làm cho môi trường không khí tại khu vực này bị ô
nhiễm nặng.
Trên địa bàn thành phố cảng có khoảng 36 làng nghề đang hoạt
động tại 30 xã, phường, thị trấn.
Theo dân việt