MÔI TRƯỜNG + AN TOÀN LĐ
Bắc Ninh: Khắc khoải một dòng sông
(Ngày đăng: 11/09/2012   Lượt xem: 1150)

Khởi nguồn từ núi Tam Đảo, Vĩnh Phúc, sông Ngũ Huyện Khê hay còn gọi là sông Thiếp- một chi lưu của sông Cầu từng được biết đến như một dòng sông thi ca, gắn liền với văn hoá miền quan họ. Thế nhưng, vấn nạn ô nhiễm môi trường từ một số làng nghề ven bờ trong nhiều năm qua đang khiến dòng sông có nguy cơ trở thành... sông chết.

2011_148_7_A3.jpg

Chỉ vớt rác thì không thể làm dòng sông hết ô nhiễm

Suốt chiều dài 24km chảy qua Bắc Ninh, lưu vực sông Ngũ Huyện Khê hiện có tới 5 điểm nóng gây ô nhiễm. Đó là làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, tái chế sắt Đa Hội, xã Châu Khê, Từ Sơn; tái chế giấy Phú Lâm, Tiên Du; cô đúc nhôm Văn Môn, Yên Phong và tái chế giấy Phong Khê, thành phố Bắc Ninh. Chỉ tính riêng tại khu công nghiệp sản xuất sắt thép Đa Hội, tổng lượng nước thải khoảng gần 3.000 m3/ngày; chất thải rắn khoảng 35-40 tấn/ngày, chủ yếu là xỉ kim loại và xỉ than không được thu gom xử lí, tất cả đều thải trực tiếp ra sông.

Theo khảo sát của Viện Khoa học Thuỷ lợi, các yếu tố về đất, không khí, nước bề mặt, nước ngầm của sông Ngũ Huyện Khê đều có mức ô nhiễm vượt tiêu chuẩn Việt Nam gấp nhiều lần. Các chỉ tiêu đặc trưng của nước bề mặt so với tiêu chuẩn cho phép như BOD (Biochemical Oxgen Demand - là lượng oxy cần thiết để vi sinh vật tiêu thụ trong quá trình oxy hóa các chất hữu cơ trong nước - chủ yếu là nước thải ) cao hơn 1,5 lần; COD (Chemical Oxygen Demand - là lượng oxy cần thiết cho quá trình oxy hoá các chất hữu cơ trong nước thành CO2 và H2O) cao hơn 1- 2 lần. Tại đoạn sông chảy qua phường Châu Khê, mức độ ô nhiễm kim loại nặng như sắt tăng 2,1 lần, mangan tăng 3,3 lần, kẽm tăng 16,6 lần, đồng tăng 1.100 lần. Hàm lượng dầu mỡ vượt tiêu chuẩn cho phép từ 6,6- 8 lần.

Tại làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, các chất thải độc hại chứa nhiều bột gỗ mịn, mùn cưa, hàm lượng lignhin xả thẳng ra sông Ngũ Huyện Khê làm giảm đáng kể lượng ôxy hoà tan trong nước. Tại khu công nghiệp tái chế giấy Phú Lâm và Phong Khê, nguồn nước thải của trên 300 cơ sở sản xuất giấy tái chế với đủ các thành phần độc hại như axit, dầu nhớt, phẩm màu... đều không được xử lí mà thải trực tiếp xuống dòng Ngũ Huyện Khê. Đó là chưa kể một lượng chất thải rắn khổng lồ như xỉ than, giấy vụn... đổ tràn hai bên bờ sông. Với lưu lượng khoảng 3.000 m3/ ngày, tại hai khu công nghiệp này nước thải có các chỉ tiêu COD và BOD đều vượt 10- 12 lần tiêu chuẩn cho phép. Đặc biệt nguy hại là loại keo thuỷ tinh Na2Si2O3 khi đông cứng có tính kỵ nước khó phân huỷ mà thường tồn tại ở dạng nhuyễn thể hiện đã đông cứng, bịt hết cửa cống Đặng Xá- điểm tiêu thoát nước ra sông Cầu thuộc xã Vạn An. Riêng tại xã Phong Khê, kết quả phân tích mẫu nước ngầm ở độ sâu 40 mét đã xuất hiện coliform và fecacoliform. Nước thải tại đây có độ mầu, độ đục cao, hàm lượng khoáng, dầu mỡ khiến nguồn nước bị ô nhiễm vượt 2,1 - 5,6 lần. Vào mùa khô, dòng Ngũ Huyện Khê đoạn qua xã Phong Khê hoàn toàn bị bồi lắng đông đặc bởi các chất thải rắn và bột giấy tích tụ lại.

Trên thực tế, ngay từ năm 2003, làng nghề tái chế giấy Phong Khê đã được cảnh báo trong Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên với sự phát triển ồ ạt của nhiều cơ sở sản xuất giấy với công nghệ lạc hậu cộng với sự thiếu quyết liệt, đồng bộ của cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm, tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây ngày càng thêm trầm trọng. Ngũ huyện Khê đang dần trở thành "dòng sông chết”. Tuy nhiên, vào mùa khô, cư dân vùng hạ lưu thuộc xã Khúc Xuyên, Vạn An, Hoà Long thành phố Bắc Ninh vẫn phải bơm những vạt nước hôi ám đen đặc ít ỏi còn sót lại vào đồng ruộng để lấy nước canh tác. Và hậu quả thì thật khó lường.

Theo đại đoàn kết

 

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

39
Đang xem:
75.929.691
Tổng truy cập: