Hình thành và phát triển từ hàng trăm năm nay, nghề làm bún
truyền thống ở làng Vân Cù, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên -
Huế) đã đem lại việc làm và thu nhập khá cho người dân nơi đây. Tuy nhiên việc
các hộ làm nghề xả trực tiếp chưa qua xử lý ra hệ thống cống, rãnh đang khiến
môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Việc sản xuất thủ công là
nguyên nhân
khiến môi trường ở Vân Cù bị ô nhiễm nghiêm trọng
Theo ông Nguyễn Xuân Đạo, Trưởng thôn Vân Cù, hiện làng bún
Vân Cù có 160/310 hộ (chiếm hơn 50%) trực tiếp làm nghề sản xuất bún, số hộ còn
lại cũng tham gia vào làm nghề bằng việc cung cấp nguyên vật liệu, đưa bún ra
khắp các huyện, thị, thành phố. Mỗi ngày, các lò bún ở Vân Cù cung cấp cho thị
trường trên 22 tấn bún các loại. Nhiều năm qua, việc phát triển làng nghề đã
góp phần giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên,
điều đáng quan ngại nhất là trong quá trình sản xuất hàng ngày, những hộ sản
xuất này đã "vô tư” xả một khối lượng lớn nước thải chưa qua xử lý ra môi trường
xung quanh, khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực này trở nên báo động.
Đến Vân Cù mới thấu hết nỗi khổ mà người dân nơi đây đang
phải đối mặt. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là mùi hôi chua của nước gạo,
nước bún cứ xộc thẳng vào mũi. Nước thải từ các lò bún chảy lênh láng dọc các
đường mương hở, các ao tù nổi màu đen đục, bốc mùi rất khó chịu. Vì thế, nhà
dân lúc nào cũng phải đóng cửa mà cũng không thể ngăn nổi mùi hôi luôn thường
trực. Số lượng người dân mắc các bệnh về đường hô hấp và da liễu ngày một tăng
cao.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường
tại đây. Theo ông Nguyễn Văn Tho - Chủ tịch UBND xã Hương Toàn, ô nhiễm là do
làng có mật độ dân
cư đông, thiếu mặt bằng sản xuất, xưởng sản xuất xen lẫn với
khu dân cư. Chính hạn chế về mặt bằng, địa hình nên rất khó cho việc bố trí xử
lý chất thải. Mặt khác, dưới áp lực của sự gia tăng dân số, các ao, hồ, sông
ngòi dùng để điều tiết chất thải bị san lấp làm diện tích nhà ở nên số lượng ao
hồ còn lại quá ít dẫn đến trình trạng quá tải, nước thải ứ đọng gây ô nhiễm trầm
trọng.
Ngoài ra, công nghệ và quy trình sản xuất thô sơ, lạc hậu
cũng là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm. Thời gian qua các cơ quan chức năng và
chính quyền xã đã tiến hành vận động các hộ sản xuất xây dựng các bể biogas để
chứa chất thải trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, hiện tại, cả xã mới có
khoảng 20% số hộ kết hợp làm bún với chăn nuôi xây dựng bể biogas nên lượng
chất thải chăn nuôi thải xuống cống rãnh vẫn là rất lớn, tình trạng ô nhiễm môi
trường ngày càng nghiêm trọng. Để giải quyết bài toán ô nhiễm ở làng bún Vân Cù
năm 2010, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định đầu tư 5,3 tỷ đồng để xây dựng
hệ thống xử lý nước thải. Phương án đưa ra là xây dựng mới 10 tuyến mương có
nắp đậy bê tông cốt thép thu gom nước thải tại 10 xóm trên địa bàn với tổng chiều
dài 3km. Tại mỗi điểm thu của tuyến mương, có một hệ thống lắng chìm để xử lý
nước thải đảm bảo tiêu chuẩn cho phép trước khi thải ra sông Bồ. Cùng với đó để
đảm bảo thu gom và xử lý, tại mỗi hộ gia đình sẽ xây dựng hầm biogas, hồ sinh
học và tuyến mương nhỏ dẫn nước từ các hộ đấu nối vào hệ thống mương chung.
Trong khoảng thời gian sau đó, dự án đã thực hiện các bước
chuẩn bị như khảo sát, thiết kế, lập dự toán, họp dân nhưng đến nay các bước
vẫn chưa có động tĩnh, trong khi chất lượng môi trường nước mặt, nước ngầm ở
làng Vân Cù ngày càng suy giảm, môi trường sống của bà con bị ảnh hưởng nghiêm
trọng. Và trong khi chờ xây dựng hệ thống xử lý nước thải, người dân làng bún
Vân Cù vẫn phải tiếp tục sống chung với ô nhiễm.
Theo đại đoàn kết