Nhiều giải pháp bảo vệ môi trường làng nghề
đã được TP Hà Nội thực hiện trong thời gian qua. Tuy nhiên, tới nay, ô
nhiễm môi trường ở các khu vực này vẫn đang là vấn đề nhức nhối. Phóng
viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Phó giám đốc Sở Tài
Nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định về hướng xử lý ô nhiễm làng
nghề trong thời gian tới.
Hơn 35% số hộ sản xuất ở làng nghề không xử lý nước thải
Phóng viên (PV): Ông đánh giá như thế nào về môi trường làng nghề của Hà Nội hiện nay?
Ông Lê Tuấn Định: Hà
Nội hiện có số làng nghề lớn nhất cả nước với 1.350 làng nghề, làng có
nghề, phân bổ theo 8 loại hình sản xuất: Chế biến lương thực, thực phẩm;
thủ công, mỹ nghệ; nhuộm, thuộc da; tái chế chất thải; gia công cơ kim
khí; sản xuất vật liệu xây dựng; chăn nuôi, giết mổ gia súc và một số
loại hình khác. Các làng nghề trên địa bàn thành phố giải quyết được
khoảng 1 triệu lao động, nâng cao thu nhập cho người lao động. Song đáng
lo ngại, hiện không ít làng nghề trên địa bàn Hà Nội phát sinh ô nhiễm
cao, trong khi hầu hết các làng nghề chưa có công trình xử lý chất thải
phù hợp. Đối với hoạt động xử lý nước thải, có đến 35,6% số hộ gia đình
không xử lý, 60% chỉ có hệ thống xử lý thô sơ. Các công trình xử lý nước
thải tập trung của làng nghề hầu hết chưa được đầu tư, một vài điểm
đang đầu tư nhưng chưa thực sự đi vào hoạt động.
PV: Vậy để cải thiện tình trạng ô nhiễm làng nghề, thành phố sẽ làm gì trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Lê Tuấn Định: Để
từng bước khắc phục ô nhiễm tại các làng nghề, UBND TP Hà Nội vừa ban
hành Quyết định số 6138/QĐ-UBND phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường làng
nghề trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Sở
Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội cũng vừa có văn bản về việc thực hiện
đề án, gửi các sở, ngành, quận, huyện, thị xã (nơi có làng nghề) để chủ
động xây dựng kế hoạch. Quá trình triển khai thực hiện đề án được chia
làm hai giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 2017-2020, xây dựng, hoàn thiện cơ
chế chính sách về bảo vệ môi trường làng nghề; đánh giá phân loại làng
nghề; nghiên cứu tính khả thi và xây dựng các mô hình xã hội hóa và mô
hình quản trị cơ sở xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.
Tiếp đó, đầu tư, xây dựng và vận hành các quy trình công nghệ xử lý môi
trường các làng nghề, triển khai xây dựng hệ thống quan trắc tự động và
xây dựng hệ thống các điểm thu gom, lưu trữ rác thải, chất thải tại các
làng nghề để vận chuyển đến địa điểm xử lý rác thải của thành phố. Định
hướng từ năm 2020 đến năm 2030, thành phố sẽ hoàn thiện chính sách về
bảo vệ môi trường làng nghề để triển khai đồng bộ, hiệu quả và bền
vững.
Đa dạng hóa nguồn vốn bảo vệ môi trường
PV: Hiện nay, có
thực trạng chung ở nhiều địa phương là nguồn lực dành cho công tác bảo
vệ môi trường còn hạn chế. Vậy với Hà Nội, vấn đề này sẽ được giải quyết
như thế nào?
Ông Lê Tuấn Định: Hà
Nội luôn xác định công tác bảo vệ môi trường là ưu tiên hàng đầu. Theo
đó, thành phố sẽ bảo đảm phân bổ không dưới 10% tổng kinh phí sự nghiệp
môi trường cho công tác bảo vệ môi trường làng nghề. Cùng với đó, Hà Nội
cũng sẽ triển khai có hiệu quả chính sách vay vốn ưu đãi để thay đổi
công nghệ theo hướng thân thiện môi trường, công nghệ sản xuất sạch hơn,
các công nghệ tiên tiến, phù hợp để xử lý nước thải, khí thải, chất
thải rắn. Hà Nội cũng định hướng xã hội hóa đầu tư 90% các dự án, bằng
việc xây dựng cơ chế và ưu tiên thu hút các dự án về bảo vệ môi trường
triển khai theo mô hình xây dựng-kinh doanh (BO), xây dựng-kinh
doanh-chuyển giao (BOT), nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài... Cùng với đó,
thành phố sẽ tăng cường kiểm soát công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu tại
các làng nghề gây ô nhiễm môi trường; đồng thời quy hoạch, di dời,
chuyển đổi ngành nghề sản xuất đối với các ngành nghề gây ô nhiễm không
còn phù hợp hoặc di dời vào khu, cụm công nghiệp tập trung…
Hoạt động sản xuất ở một hộ gia đình tại làng nghề Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Ảnh: VŨ DUNG.
PV: Để đánh giá sự
chuyển biến trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt môi trường tại
các làng nghề, thì Hà Nội có giải pháp gì, thưa ông?
Ông Lê Tuấn Định: Thành
phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì xây dựng, lắp
đặt các trạm quan trắc, hệ thống quan trắc tự động để kiểm soát mức độ ô
nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn. Hiện nay, Hà Nội đã
lắp đặt được 10 trạm quan trắc môi trường, trong đó 2 trạm quan trắc cố
định và 8 trạm quan trắc cảm ứng. Người dân có thể dùng điện thoại thông
minh kết nối với các trạm quan trắc này để theo dõi chất lượng không
khí. Hà Nội đang có kế hoạch lắp đặt 70 trạm quan trắc môi trường để
theo dõi chất lượng môi trường mặt nước, nước ngầm và không khí của Thủ
đô; đặc biệt sẽ quan trắc, kiểm soát cả mức độ ô nhiễm làng nghề.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Theo: qdnd.vn