
Xử lý ô nhiễm nguồn nước
các khu vực làng nghề.
Tỷ lệ thuận với việc phát
triển làng nghề là tình trạng ô nhiễm, vi phạm Luật Môi trường ngày càng gia
tăng. Hậu quả không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất mà còn gây tổn hại đến
sức khỏe người dân.
90% làng nghề vi phạm
Kết
quả khảo sát mới đây của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Đại học Bách
khoa Hà Nội) - cho thấy: Hiện nay, có tới 90% làng nghề vi phạm Luật Môi
trường; 100% mẫu nước thải ở các làng nghề có thông số vượt quá tiêu chuẩn cho
phép. Đơn cử, làng nghề sản xuất bún Phú Đô (xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội),
hàm lượng BOD trong nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ 3 - 4 lần, cặn lơ
lửng, chất hữu cơ, nitơ, phốt pho trong nước thải rất cao.
Ông
Nguyễn Văn Ngoan- Chủ tịch Hội Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (Thái Bình) - cho
biết: Mỗi tháng, làng nghề chạm bạc hóa mạ trung bình 5 tấn thau, 2 tạ bạc,
30kg vàng. Nguồn nước thải không qua xử lý mà thải thẳng xuống ao, hồ, cho nên
có rất nhiều thành phần độc hại, vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,5 - 2 lần…
Theo
Hiệp hội Làng nghề Việt Nam,
đây chỉ là hai trong số hàng nghìn làng nghề đang vướng phải nghịch lý giữa
phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Ở rất nhiều làng nghề, các chỉ số về ô
nhiễm môi trường đã vượt quá mức tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần. Tình trạng
làng nghề ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng tới môi trường sinh thái nói chung, đến
sức khỏe và cộng đồng dân cư mà còn đe dọa đến sự tồn tại và phát triển của
chính các làng nghề.
Báo
cáo của đoàn giám sát Quốc hội cho thấy: Các làng nghề ở nước ta vẫn phát triển
theo kiểu “trăm hoa đua nở”, với tư duy “mỗi làng một nghề”, nên thiếu ổn định
về quy mô sản xuất, loại hình sản phẩm và nguyên liệu sử dụng. Mặc dù Bộ Tài
nguyên và Môi trường đã ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành tới 136 văn bản
liên quan đến môi trường, song tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề vẫn gia tăng
chóng mặt. Việc xử lý ô nhiễm như “muối bỏ bể”, bởi nếu như làng nghề nộp được
1 đồng vào ngân sách, thì nhà nước phải đầu tư từ 3-5 đồng để khắc phục hậu quả
ô nhiễm do làng nghề gây ra.
Tái cơ cấu làng nghề
Tình
trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ở Việt Nam đang ở mức báo động đỏ. Để xử
lý triệt để vấn đề này không đơn giản. Theo Phòng Quản lý tiểu thủ công nghiệp
làng nghề (Sở Công Thương Hà Nội), việc khắc phục tình trạng ô nhiễm ở các làng
nghề không đơn giản, vì rất khó cân bằng giữa phát triển kinh tế và chi phí xử
lý ô nhiễm. Bởi lẽ, để xây dựng được khu xử lý nước thải phải tốn hàng tỷ đồng,
trong khi các hộ kinh doanh đều manh mún, nhỏ, lẻ, vốn đầu tư ít, ngân sách hỗ
trợ phát triển làng nghề hàng năm của địa phương nhỏ giọt.
Để
khắc phục tình trạng này, ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề
Việt Nam
- cho rằng: Cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, thi hành Luật Môi
trường và những văn bản dưới luật, cần sớm tiến hành tái cơ cấu làng nghề và
từng doanh nghiệp trong làng nghề. Theo đó, phải có chính sách, tổ chức thực
hiện, lực lượng thi hành tái cơ cấu... Trước khi tiến hành tái cơ cấu làng
nghề, phải tổng điều tra, đánh giá thực trạng làng nghề trên phạm vi toàn quốc.
Qua đó phân loại, đánh giá từng làng nghề theo tiêu chí rõ ràng, làng nghề nào
gây ô nhiễm nghiêm trọng thì phải kiên quyết xóa bỏ, còn đối với những làng
nghề gây ô nhiễm ít phải có lộ trình khắc phục cụ thể.
Đặc
biệt, UBND các cấp và cộng đồng dân cư, các tổ chức chính trị-xã hội phải cùng
“nhập cuộc” trong việc xử lý và giám sát các cơ sở làng nghề gây ô nhiễm. Xử lý
nghiêm các vi phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở làng nghề để răn đe,
nhắc nhở, góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân về
phát triển kinh tế theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.
Do
kinh phí xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm chiếm từ 5 - 25% tổng kinh phí đầu
tư của một cơ sở sản xuất, nên hầu hết các làng nghề đều xả thẳng chất thải,
nước thải vào hệ thống công cộng hoặc các ao hồ trong khu vực.
|
Theo báo công thương