Gần chục năm nay, các hộ dân xã K’Dang,
huyện Đắk Đoa phải chịu đựng mùi hôi thối từ Xí nghiệp Chế biến Cao su và Xí
nghiệp Sản xuất Phân hữu cơ (thuộc Cty TNHH MTV Cao su Mang Yang). Sau nhiều
đơn thư khiếu nại, họ vẫn phải sống chung với môi trường ẩn chứa bao mầm bệnh
độc hại.
Người
dân bày tỏ bức xúc với phóng viên về mùi hôi thối ảnh hưởng đến sinh hoạt.
Nhà máy xả thải
Xí nghiệp Chế biến Cao su K’Dang đi vào hoạt động trên địa bàn xã K’Dang từ năm
2003. Cũng từ đó, hơn một ngàn hộ dân ở các thôn lân cận như thôn Cầu Vàng (620
hộ), thôn Cây Điệp (280 hộ) và làng A Lúc (164 hộ) khốn khổ bởi mùi hôi thối và
nước thải độc hại từ nhà máy.
Đặc biệt, khoảng 3 năm trở lại đây, khi Xí nghiệp Sản xuất Phân hữu cơ được xây
dựng cạnh Xí nghiệp Chế biến Cao su K’Dang bắt đầu đi vào hoạt động càng khiến
đời sống sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nặng nề.
Ông Đặng Ngọc Dũng, Trưởng thôn Cầu Vàng cho biết: “Đã có 15 hộ trong thôn phải
bỏ nhà vào rẫy ở để tránh mùi hôi thối. Hơn 600 hộ còn lại không có đất đai
tiền bạc nên chẳng biết chuyển đi đâu, đành cam chịu ở đây”.
Tiếp lời, ông Phan Văn Tuy (57 tuổi), thôn Cầu Vàng nói: “Nhà tôi có 6 người
thì cả 6 đều bị viêm xoang nặng, tốn không biết bao nhiêu tiền thuốc. Giờ chỉ
mong nhà máy có biện pháp khắc phục mùi hôi thối để dân chúng tôi bảo đảm sức
khỏe lâu dài”.
Ở đây, hầu hết các nhà dân đều phải đóng kín hết cửa để giảm bớt mùi hôi. Nhiều
nhà làm đám cưới, đám giỗ mà khách đến thì nhanh chóng bỏ về. Người ở xa không
dám đến vùng này, có đến thì cũng không ở lại.

|
Xí nghiệp Sản xuất Phân
hữu cơ vi sinh gây mùi hôi thối cho các thôn xung quan
|
Người dân phải chịu đến bao giờ?
Ngoài mùi hôi thối nồng nặc, người dân làng A Lúc còn chịu ảnh hưởng bởi nước
thải độc hại của Xí nghiệp Chế biến Cao su.
Ông Đinh Chuyên, Trưởng thôn A Lúc cho biết: “Tháng 9/2011, nhà máy xả nước
thải qua vườn cà phê xuống cánh đồng khiến 18ha lúa nước sắp đến kì trổ bông
của bà con trong làng chết hết. Bây giờ thỉnh thoảng bà con đi làm đồng vẫn
phát hiện nhà máy xả nước thải, nhất là lúc trời mưa to, nhưng với lượng ít
hơn”.
Hầu hết các hộ dân trong làng A Lúc là người đồng bào Bana và nguồn nước sinh
hoạt chủ yếu đều lấy từ cánh đồng này. Tuy nhiên, đây lại là nơi mà Xí nghiệp
Chế biến Cao su trực tiếp xả nước thải độc hại.
Cũng theo ông Chuyên, người dân nơi đây đã làm hàng chục đơn khiếu nại và kiến
nghị gửi đến các cấp, ban ngành, nhưng cho đến nay vấn đề này vẫn chưa được
giải quyết một cách triệt để.

|
Người dân các thôn xung
quanh Xí nghiệp Chế biến Cao su K’Dang phải chịu mùi hôi thối gần chục năm nay
|
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trung Văn, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi
trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Gia Lai cho biết: “Về việc Xí nghiệp Chế
biến Cao su K’Dang xả nước thải ra môi trường, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi
trường đã có quyết định xử phạt 3,5 triệu đồng đầu năm 2012. Tuy trong bản giải
trình của xí nghiệp về hệ thống nước thải tháng 7/2012 còn nhiều mâu thuẫn với
thực tế, nhưng hiện tại do chưa bắt quả tang nhà máy có xả nước thải độc hại
trực tiếp ra môi trường, nên không thể xử lý. Còn về không khí ảnh hưởng đến
đời sống sinh hoạt khu dân cư, các nhà máy cũng đã tổ chức họp dân cùng bàn
luận. Vì các xí nghiệp kinh doanh ngành khá đặc thù nên cho đến nay vẫn chưa có
công nghệ nào xử lý triệt để mùi hôi”.
Trong khi tự thân các xí nghiệp và các cơ quan chức năng chưa tìm ra biện pháp
triệt để khắc phục trong suốt thời gian dài, thì hàng ngàn hộ dân nơi đây vẫn
đang phải chịu đựng mùi hôi thối, sự ô nhiễm môi trường. Các cơ quan chức năng
ban, ngành liên quan của tỉnh Gia Lai cần có những biện giải quyết triệt để
hơn, nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống.
Theo báo thanh tra