Sống chung với ngập úng
Đến thôn Cao Xá Hạ sau một trận mưa lớn, chúng tôi mới thấy hết nỗi khổ
của người dân nơi đây. Mặc dù đường trục chính của thôn đã bê tông hoá,
nhưng cáu bẩn do vệt nước từ các phương tiện đi qua đoạn ngập úng để
lại. Đoạn ngập úng nặng nhất dài hơn 100m nằm ở ngã ba đường trục chính,
có chỗ ngập đến 40 - 50cm. Nước đọng đen sì, bốc mùi khó chịu, mỗi khi
có xe máy, công nông đi qua lại dềnh lên thành… sóng. Hàng trăm hộ dân
trong thôn, từ người già đến trẻ em, học sinh mỗi ngày vẫn phải "bì bõm"
qua đây. "Trời nắng mùi nước bốc lên rất khó chịu, trời mưa lại càng
ngập, nước tràn cả vào trong nhà" - chị Nguyễn Thị Nga, người dân trong
thôn nói.
Theo người dân thôn Cao Xá Hạ, tình trạng ngập úng diễn ra từ hàng chục
năm nay, nhưng nặng khoảng hơn một năm trở lại đây, khiến cuộc sống của
họ bị ảnh hưởng. Đơn cử, chị Nguyễn Thị Dung, chuyên làm bún, tuần nào
cũng phải đổ bỏ 100 - 200kg vì chẳng may ngã xe trên đoạn ngập úng đó.
Ngập úng gây ô nhiễm môi trường tại thôn Cao Xá Hạ, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức.
Trao đổi với chúng tôi về nguyên nhân gây ra tình trạng ngập úng, ông Lê
Định Công, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Giang cho biết, là do dòng chảy
thoát nước đã bị nhiều hộ dân lấn chiếm, xây dựng nhà cửa. "Trước kia,
Cao Xá Hạ có một ao tiêu nước nhưng đã bị hơn 40 hộ dân dọc tuyến cạp
đất, xâm lấn. Hơn nữa, nhiều hộ dân còn đổ vật liệu ra đường cản trở
dòng chảy. Hàng năm, xã đều tổ chức nạo vét nhưng chưa giải quyết được.
Do đó, hơn 350 hộ dân thôn Cao Xá Hạ hàng ngày vẫn phải đi qua đoạn
đường ngập úng, ô nhiễm" - ông Lê Định Công nói.
Qua tìm hiểu, không chỉ có Cao Xá Hạ mà các thôn khác như Cao Trung, Lưu Xá cũng có đoạn đường trũng, úng.
Sớm có giải pháp tối ưu
Cao Xá Hạ là làng nghề làm bún bánh, thịt chó, mỗi ngày lượng nước thải
đổ ra khoảng 200 - 300m3. Hơn nữa, đây lại là "rốn nước" của xã Đức
Giang nên nước thải từ các thôn khác như Lưu Xá, Trung, Thượng, Giang Xá
đổ về càng khiến tình trạng ngập úng thêm nghiêm trọng và gây ô nhiễm
nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Trước tình trạng này, cuối
năm 2011, UBND xã Đức Giang đã đề nghị huyện, thành phố hỗ trợ kinh phí
xây dựng hệ thống thoát nước và đã được thành phố chấp thuận đầu tư 12
tỷ đồng. Đầu năm 2012, dự án làm cống thoát nước được tiến hành, đến
nay, đã hoàn thành được 700m, còn lại gần 100m sẽ hoàn thành trong tháng
8.
Tuy nhiên, theo UBND xã Đức Giang, tuyến mương này chỉ đáp ứng khoảng
50% nhu cầu tiêu thoát nước của xã. Bên cạnh đó, mặc dù chiều rộng của
mương thoát nước khoảng 1,5m, song không có nắp đậy nên rác vẫn nổi
trong mương, mùi hôi thối vẫn bốc lên nồng nặc. Do đó, để giải quyết
triệt để tình trạng ngập úng gây ô nhiễm môi trường, người dân xã Đức
Giang mong muốn huyện Hoài Đức và thành phố có giải pháp hoàn thiện đồng
bộ hệ thống mương tiêu và có chính sách hỗ trợ đầu tư nâng cao tuyến
đường trục chính để đảm bảo tiêu thoát nước.