MÔI TRƯỜNG + AN TOÀN LĐ
Hành động vì hồ Hà Nội
(Ngày đăng: 07/07/2012   Lượt xem: 1159)
Giữa tuần qua, Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) đã tổ chức Hội thảo quốc tế Sử dụng bền vững hồ Hà Nội dựa vào cộng đồng trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu. Các ý kiến tại Hội nghị cho rằng, việc đưa hệ sinh thái của hệ thống hồ ở Hà Nội khỏe mạnh trở lại phải trở thành một trong các chỉ số quan trọng nhất xác định sự phát triển bền vững của thành phố.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trong nội thành hiện có khoảng 120 hồ, với 6,2 triệu m2 mặt nước. Đó là những “lá phổi xanh” tự nhiên vô cùng quý giá giữa lòng thành phố. Tuy nhiên, khoảng 70% hồ ở Hà Nội bị ô nhiễm, trong đó khoảng 15% ô nhiễm trầm trọng, khó có khả năng phục hồi. Lưu lượng nước thải chảy vào hồ vượt quá khả năng tự làm sạch của các hồ, dẫn đến suy thoái chất lượng nước, thiếu hụt oxy và làm tăng trầm tích trong hồ. Hậu quả của tình trạng này là làm cho không gian đô thị trở nên ngột ngạt, hồ mất chức năng điều hòa nước mưa, gây ra các điểm úng ngập cục bộ, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng...

Mặc dù TP Hà Nội đã có nhiều chương trình, giải pháp để cải tạo môi trường các hồ, song nhìn chung tiến độ thực hiện đề án vẫn còn chậm. Điển hình như dự án cải tạo hồ Ba Mẫu (quận Đống Đa) đã qua 21 năm, với 6 lần điều chỉnh quy hoạch và thay đổi chủ đầu tư, đến nay vẫn chưa hoàn thành do vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng. Dự án bảo vệ, kè và cải tạo hồ Vục tại phường Long Biên (quận Long Biên), hồ đầu tiên trong tổng số 12 hồ được Sở Xây dựng đưa vào danh mục cải tạo theo phương châm xã hội hóa, cũng đang dang dở...

Viện trưởng Viện nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng Ts Phạm Sỹ Liêm cho biết, các hồ ở Hà Nội đóng vai trò điều hòa trong hệ thống thoát nước mưa, góp phần cải thiện khí hậu và hạn chế hiệu ứng đáo nhiệt của đô thị. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm nước hồ đang ở mức báo động. Từ xưa, người ta vẫn cho rằng để cải tạo hồ cần bỏ ra nhiều tiền mà không thu về được đồng nào. Quan điểm này là sai lầm. Khi môi trường, cảnh quan của hồ được cải tạo, làm tăng giá trị thẩm mỹ và vật chất cho Hà Nội, tạo ra bản sắc cho đô thị, thì từ đó có thể kiếm tiền cho đô thị thông qua việc thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, ông Liêm nhấn mạnh.

Mô tả ảnh.

Đồng quan điểm, một chuyên gia về môi trường cho rằng, hồ Hà Nội không đơn thuần chỉ là hồ mà nó còn là nơi lưu giữ thông tin, giá trị quý giá về lịch sử, văn hóa của Hà Nội từ sơ khai trải qua nhiều thế kỷ tới nay. Rất đáng tiếc, sau nhiều năm chúng ta vẫn không có chiến lược, quy hoạch bảo tồn, gìn giữ các hồ làm cho nhiều hồ đã không còn nguyên vẹn, thậm chí bị tàn phá mất đi nhiều phần giá trị của nó. “Tôi không hiểu vì sao người dân có thể vứt rác hay xả nước thải ra sông, hồ. Một trong những nguồn sống quan trọng nhất của con người trên trái đất này là nước, nhưng người ta vẫn có thể hủy hoại và làm bẩn nó. Các hồ, ao, lưu vực sông sẽ không hoạt động nếu nó bị san lấp, chia nhỏ...”, một đại biểu đến từ Cục Quản lý đất Hoa Kỳ chia sẻ.

Về giải pháp khắc phục, Ts Phạm Sỹ Liêm đề xuất cần phải lập quy chế bảo vệ hồ và đưa nội dung này vào hoạt động của phường văn hóa. Nếu phường nào không bảo vệ được hồ thì bị tước danh hiệu,... “Phải có chương trình hành động vì hồ Hà Nội từ năm 2013 - 2020 với nội dung bảo vệ tất cả hồ ở Thủ đô, trọng điểm là cải tạo hồ Tây. Ts Liêm mong Chính phủ đưa chương trình này vào trọng điểm quốc gia để 10 năm sau, chúng ta có thể có cơ hội được UNESCO công nhận, thu hút khách du lịch, mang lại lợi nhuận cho thành phố.

Về vấn đề này, các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế đều bày tỏ việc sẵn sàng cùng chung tay hợp tác với Việt Nam trong việc bảo vệ, tôn tạo hệ thống hồ. Theo một đại biểu đến từ Hàn Quốc, để bảo vệ hồ Hà Nội, sự hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước, khu vực tư nhân, cộng đồng dân cư là điều hết sức cần thiết. Ông Hari (Hoa Kỳ) cho biết: không thể bảo vệ được nước hồ nếu không bảo vệ các nguồn nhánh lưu vực và nguồn nước địa phương. Thí dụ hồ Tahoe ở California, ban đầu chỉ là một đống hỗn độn và bị chia cắt, có nguy cơ bị hủy hoại vì suy thoái rừng, nạn đào vàng và đô thị hóa. Chính sự vào cuộc mạnh mẽ và đấu tranh quyết liệt của cộng đồng dân cư đã mang lại sự sống cho hồ này.

Phó chủ tịch Hiệp hội về nước châu Âu Caroli Covac đưa ra ví dụ về cải tạo hồ Balaton ở Hungar. Hồ này cũng đối mặt với những vấn đề tương tự như hồ Tây, chẳng hạn như các vấn đề về ô nhiễm trầm tích, nước thải sinh hoạt, khai thác nông nghiệp gây ô nhiễm nước hồ. Nhờ sớm có chương trình hành động và sự hợp tác của cộng đồng, dự án tôn tạo hồ này đã thành công với các chương trình giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chống xói mòn, cải tạo hệ thống cống rãnh...

Sự tăng trưởng kinh tế của Hà Nội chỉ thực sự bền vững khi các vấn đề môi trường và xã hội được giải quyết hiệu quả, Giám đốc CECR Nguyễn Ngọc Lý nhấn mạnh. Theo ông, việc khôi phục thành công hệ thống hồ Hà Nội đưa hệ sinh thái hồ trở lại “khỏe mạnh” phục vụ các lợi ích người dân của thành phố phải trở thành một trong các chỉ số quan trọng nhất xác định sự phát triển bền vững của Hà Nội. Công tác khôi phục hệ sinh thái của hồ đang phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản, đòi hỏi các giải pháp tích hợp và đồng bộ với sự tham gia của các nhóm xã hội, dân cư sống xung quanh hồ.

Theo daibieunhandan
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

23
Đang xem:
72.465.194
Tổng truy cập: