MÔI TRƯỜNG + AN TOÀN LĐ
Đô thị hóa và môi trường (Phần 1)
(Ngày đăng: 24/06/2012   Lượt xem: 1065)

Quá trình đô thị hoá tương đối nhanh đã có những ảnh hưởng đáng kể đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên, đến sự cân bằng sinh thái: tài nguyên đất bị khai thác triệt để để xây dựng đô thị, làm giảm diện tích cây xanh và mặt nước, gây ra úng ngập, cùng với nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt, dịch vụ, sản xuất ngày càng tăng làm suy thoái nguồn tài nguyên nước...

Sau năm 1990 cùng với những chuyển biến tích cực về mặt kinh tế - xã hội, mạng lưới đô thị quốc gia đã được mở rộng và phát triển. Về số lượng đô thị, năm 1990 cả nước mới có khoảng 500 đô thị lớn nhỏ, đến năm 2000 đã tăng lên 649 đô thị, và đến năm 2003 đã có 656 đô thị, trong đó có 4 thành phố loại I, 10 đô thị loại II, 13 đô thị loại III, 59 đô thị loại IV, và 570 đô thị loại V.

Theo phân cấp quản lý, cả nước có 4 thành phố trực thuộc Trung ương, 83 thành phố, thị xã thuộc tỉnh, còn lại là các thị trấn. Trên địa bàn cả nước đã và đang hình thành khoảng 82 khu công nghiệp tập trung, 22 đô thị mới và 18 khu kinh tế cửa khẩu. Đô thị hóa, công nghiệp hóa ở nước ta diễn ra mạnh nhất ở 3 vùng trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội Bắc, Trung, Nam, ở vùng duyên hải, kể cả ở các đảo lớn như Phú Quốc, Côn Đảo, Vân Đồn, Cát Bà,... Ví dụ như huyện đảo Phú Quốc đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định là 1 trong 14 khu vực trọng điểm phát triển du lịch trong toàn quốc, tỷ lệ dân số đô thị hiện nay dưới 40%, theo quy hoạch phát triển đến năm 2010 tỷ lệ dân số đô thị sẽ đạt 56 - 60%, đến năm 2020 sẽ là 80%, từ nay đến 2010 sẽ hình thành 2 khu công nghiệp. Vì vậy tác động của đô thị hóa, công nghiệp hóa gây ô nhiễm môi trường không những đối với môi trường trong đất liền mà còn có tác động mạnh đối với môi trường vùng biển ven bờ.

Tăng trưởng dân số đô thị từ 11,87 triệu người năm 1986 lên 18 triệu người năm 1999 và khoảng 20 triệu người năm 2002, nâng tỷ lệ đô thị hóa từ 19,3% năm 1986 lên 25,3% năm 2002. Tuy vậy, đô thị hoá ở Việt Namcòn ở mức thấp so với khu vực và trên thế giới. Ví dụ, tỷ lệ dân đô thị ở châu Á trung bình là 28%, châu Phi là 32%, Mỹ La Tinh là 68%. Tăng trưởng kinh tế hàng năm của các đô thị ở ViệtNam trung bình từ 12 - 15%. Thu nhập đầu người tăng nhanh, tại các đô thị lớn đạt khoảng 1.000USD/năm và tại các đô thị trung bình đạt trên 500USD/năm. Tăng trưởng không gian đô thị cũng đạt tỷ lệ đáng kể. Năm 1999, đất đô thị chỉ chiếm 0,2% diện tích đất tự nhiên cả nước, đến năm 2000 đã tăng lên 0,35% và hiện nay (2003) con số này đạt xấp xỉ 1%.

Chiến lược phát triển đô thị đến năm 2020


Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị đến năm 2020" trong Quyết định số 10/1998/QĐ-TTg ngày 23-1-1998, trong đó xác định phương hướng xây dựng và phát triển các đô thị trên địa bàn cả nước và các vùng đặc trưng

Mức tăng trưởng dân số dự báo

Năm 2010, dân số đô thị là 30,4 triệu người, chiếm 33% dân số cả nước.
Năm 2020, dân số đô thị là 46 triệu người, chiếm 45% dân số cả nước.

Nhu cầu sử dụng đất đô thị

Năm 2020, diện tích đất đô thị là 460.000ha, chiếm 1,4% diện tích đất tự nhiên cả nước, bình quân 100m2/người.

Tổ chức không gian hệ thống đô thị

Mạng lưới đô thị cả nước được hình thành và phát triển trên cơ sở các đô thị trung tâm, gồm các thành phố trung tâm cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh. Các đô thị trung tâm các cấp được phân bố hợp lý trên 10 vùng đô thị hoá đặc trưng của cả nước.

Các đô thị trung tâm lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh... phải được tổ chức thành các chùm đô thị, có vành đai xanh bảo vệ để hạn chế tối đa sự tập trung dân số, cơ sở kinh tế và phá vỡ cân bằng sinh thái, tránh sự hình thành các siêu đô thị.

Quy hoạch sử dụng đất đô thị đảm bảo các khu chức năng và cơ sở hạ tầng có quan hệ gắn bó.

Hình thành bộ mặt kiến trúc hiện đại nhưng vẫn kế thừa, bảo vệ, tôn tạo và giữ gìn các di sản lịch sử văn hoá, phát triển nền kiến trúc đậm đà bản sắc dân tộc.

Phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật

Ưu tiên phát triển, hiện đại hoá cơ sở hạ tầng các đô thị và các vùng kinh tế trọng điểm, tạo tiền đề phát triển các đô thị và đô thị hoá nông thôn.

Cải tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong các đô thị theo yêu cầu và mức độ phát triển của từng đô thị.

Bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn cân bằng sinh thái đô thị

Xây dựng và duy trì bộ khung bảo vệ thiên nhiên trên địa bàn cả nước.
Khai thác và sử dụng hợp lý các tài nguyên thiên nhiên vào mục đích cải tạo đô thị.
Có biện pháp xử lý, tái sử dụng các chất thải sinh hoạt và sản xuất bằng các công nghệ thích hợp.

Quy hoạch đô thị chưa phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường

Quá trình đô thị hoá tương đối nhanh đã có những ảnh hưởng đáng kể đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên, đến sự cân bằng sinh thái: tài nguyên đất bị khai thác triệt để để xây dựng đô thị, làm giảm diện tích cây xanh và mặt nước, gây ra úng ngập, cùng với nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt, dịch vụ, sản xuất ngày càng tăng làm suy thoái nguồn tài nguyên nước; nhiều xí nghiệp, nhà máy gây ô nhiễm môi trường lớn trước đây nằm ở ngoại thành, nay đã lọt vào giữa các khu dân cư đông đúc; mở rộng không gian đô thị dẫn đến chiếm dụng đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến vấn đề an toàn lương thực quốc gia và đến đời sống của nhân dân ngoại thành; sản xuất công nghiệp phát triển mạnh làm phát sinh một lượng lớn chất thải, trong đó chất thải nguy hại ngày càng gia tăng; bùng nổ giao thông cơ giới gây ô nhiễm môi trường không khí và tiếng ồn nghiêm trọng; đô thị hóa làm tăng dòng người di dân từ nông thôn ra thành thị, gây nên áp lực đáng kể về nhà ở và vệ sinh môi trường, hình thành các khu nhà "ổ chuột" và khu nghèo đô thị.


Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị là các vấn đề môi trường chưa được đề cập đầy đủ và quan tâm đúng mức trong quy hoạch xây dựng đô thị. Ngoài việc quy hoạch sử dụng đất và phân khu chức năng, các vấn đề cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, như hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý rác, xử lý nước thải, giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn,... chưa được chú ý đúng mức. Mặc dù việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các đồ án quy hoạch đô thị đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, nhưng công tác triển khai thực hiện cho đến nay vẫn còn chậm, chưa hiệu quả và chưa chứng tỏ được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường trong quy hoạch xây dựng đô thị.

Một nguyên nhân khác dẫn đến việc các đô thị phải chịu sức ép môi trường ngày càng tăng là việc thiếu các biện pháp hữu hiệu trong chỉ đạo và quản lý quy hoạch xây dựng. Tình trạng xây dựng lộn xộn tại các đô thị lớn là một vấn đề bức xúc đòi hỏi những biện pháp quản lý cấp bách và hiệu quả, nếu không cái giá phải trả cho việc giải quyết hậu quả môi trường sẽ là vô cùng lớn. Công tác quản lý quy hoạch xây dựng là bước tiếp theo và cụ thể hoá của công tác lập quy hoạch xây dựng đô thị, một yếu tố then chốt trong việc xây dựng các đô thị bền vững và hoà hợp với môi trường.

(còn nữa)

ĐM_GammaNT
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

26
Đang xem:
72.468.463
Tổng truy cập: