MÔI TRƯỜNG + AN TOÀN LĐ
Điểm sáng làng nghề và nỗi lo môi trường
(Ngày đăng: 29/04/2014   Lượt xem: 671)
Bên cạnh nghề trồng lúa, xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam còn duy trì nghề tráng bánh đa nem truyền thống, có lịch sử lâu đời. Nghề cổ truyền này đã giúp hàng trăm hộ dân trong xã nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, do cơ giới hóa trong tráng bánh đa nem cùng với việc phát triển nghề chăn nuôi, đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.


Mỗi ngày hàng chục nghìn phên bánh được xuất xưởng, xả hàng trăm mét khối nước thải ra môi trường tự nhiên mà không qua xử lý.

Nước, chất thải không qua xử lý

Là một trong những thanh niên có chí làm giàu của thôn Trần Xá 2, từ chục năm nay, anh Trần Văn Hướng đã đầu tư máy tráng bánh đa nem về sản xuất, nâng công suất từ 200 - 300 phên bánh/ngày lên 2000 - 2.500 phên/ngày.

Nhờ công suất tăng hàng chục lần như trên, thu nhập gia đình anh đã có những chuyển đáng mừng. Từ một gia đình mới tách khẩu, nặng nỗi lo cơm áo, gạo tiền cùng với chi phí ăn học cho 2 con hàng ngày, đôi vợ chồng trẻ đã bước đầu dã có tích lũy cho những dự kiến tương lai.

Tận thu nguồn phụ phẩm từ sản xuất bánh đa nem, anh Hướng đã quyết định đầu tư chăn nuôi lợn. Ban đầu chỉ vài con, nhưng rồi số lượng tăng lên hàng chục. Cao điểm, trong chuồng nhà anh có tới 40 - 50 đầu lợn các loại, cả lợn nái lẫn lợn thịt. Nhờ đó, kinh tế gia đình anh có bước khởi sắc vượt bậc, nhưng cũng gặp phải những vấn đề không nhỏ về ô nhiễm môi trường do nước thải của quá trình sản xuất bánh đa nem và do chất thải chăn nuôi.

"Toàn bộ nước thải, chất thải của nhà mình đều được xả trực tiếp ra chiếc ao cạnh nhà. Trước đây sản xuất thủ công, năng suất thấp thì tình trạng ô nhiệm còn nhẹ, từ khi sản xuất bằng máy và tăng quy mô chăn nuôi, lượng chất thải cũng nhiều hơn, nên ảnh hưởng của môi trường cũng theo đó tăng lên" - anh Hướng cho biết.

Không chịu được cảnh sống trong không gian ô nhiễm ấy, năm 2009 - 2010, anh phải xây dựng hệ thống hầm bioga nhằm hạn chế lượng nước, chất thải chăn nuôi, đồng thời làm khí đốt. Quyết tâm giải quyết toàn bộ lượng nước, chất thải đó, anh đã mở rộng thể tích hầm bioga nhà mình lên 17m3. Tuy nhiên, anh Hướng chỉ là một số ít hộ dân ở thôn Trần Xá 2 đầu tư xây dựng hầm bioga để giảm thiểu việc xả thải ra môi trường, còn lại hầu hết các hộ dân đều xả thải trực tiếp ra môi trường xung quanh nơi ở.

Ông Trần Văn Ba - Trưởng thôn thôn Trần Xá 2 cho biết: "Thôn Trần Xá 2 có 160 hộ thi có hơn 100 hộ sản xuất bánh đa nem kết hợp với chăn nuôi lợn. Nhưng số hộ xây dựng hầm bioga để chứa chất thải thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy hiện nay, tình trạng xả thải trực tiếp ra hệ thống kênh mương, ao hồ trên địa bàn thôn đã gây ra ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng, đặc biệt là vào mùa khô".

Nhiều hộ dân lo lắng

Đi dọc thôn Trần Xá 2, các mương máng ứ đọng chất thải chăn nuôi, nặng màu đen đặc và mùi hôi khó chịu. Người dân trong thôn cho biết, vào mùa khô ô nhiễm không khí trở nên nặng nề hơn, do chất thải tồn lắng.

Tại các thôn khác của xã Nguyên Lý, tình trạng ô nhiễm môi trường tuy ít hơn, nhưng vẫn đang là nỗi lo của nhiều hộ dân trong xã. Bản thân ông trưởng thôn Trần Xá 2 cũng băn khoăn vì tình trạng ô nhiễm môi trường đang ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong thôn

Nguyên Lý có 1.049 hộ sản xuất bánh đa nem, chiếm 46,4% tổng số hộ, song chỉ có khoảng 24% số hộ xử lý nước thải bằng bioga, còn lại hầu hết được xả trực tiếp ra môi trường tự nhiên mà không qua xử lý, dẫn đến hệ thống kênh, mương trong xã bị ô nhiễm nặng. Đáng lo ngại là nước thải từ sản xuất bánh đa nem chủ yếu là các chất hữu cơ, khi phân hủy tạo ra mùi rất khó chịu, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

Bên cạnh đó, sản xuất bánh đa nem còn sử dụng than đá để duy trì lò hơi phục vụ cho khâu tráng bánh. Lò được bao bọc bởi một thùng tôn gắn liền với một ống khói, tất cả các chất thải của khí đốt đi qua ống khói ra trực tiếp môi trường. Vấn đề đáng lo ngại ở đây là các khí độc thải ra ngoài môi trường như CO, CO2... từ than không qua xử lý sẽ gây ảnh hưởng không chỉ tới môi trường mà còn tới sức khỏe của người dân.

Hiện nay, nếu các lò sản xuất bánh đa nem ở Nguyên Lý hoạt động liên tục sẽ tiêu thụ khoảng 4 tấn gạo/ngày, làm ra 3.200kg sản phẩm. Tuy góp phần giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động trong xã, nhưng cũng gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe con người, đặc biệt là nguồn nước ngầm hiện nay đã bị ô nhiễm nặng vì nhiễm asen, sắt, chứ không còn trong lành như trước đây.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo UBND xã Nguyên Lý cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường ở địa phương đã được cải thiện đáng kế so với những năm trước đây, song vẫn còn tồn tại, cần phải có thêm thời gian để khắc phục hiệu quả vấn đề môi trường sống của người dân trong xã.


Những dòng mương thoát nước ở thôn Trần Xá 2 đen đặc nước, chất thải mùi nồng nặc.

Để tiếp tục phát triển làng nghề truyền thống, thúc đẩy kinh tế xã hội, tạo sự phát triển bền vững của làng nghề, thiết nghĩ xã Nguyên Lý cũng như huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam cần chú trọng giải quyết những vấn đề về môi trường, nhằm giảm thiểu những tác hại của tình trạng ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.

                                                                                                              Theo: Báo Xây Dựng


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

1
Đang xem:
72.518.984
Tổng truy cập: