MÔI TRƯỜNG + AN TOÀN LĐ
Khó... nhưng không thể không làm
(Ngày đăng: 27/11/2013   Lượt xem: 1029)
Ô nhiễm môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề đã và đang diễn ra hết sức phức tạp. Tại Kỳ họp thứ Hai, QH đã tiến hành giám sát tối cao; giành hẳn một ngày để thảo luận, đưa ra các phương án nhằm giải cứu ô nhiễm làng nghề. Mới đây, Tổng cục Môi trường đã tổ chức cuộc Khảo sát - Tọa đàm “Báo chí với môi trường làng nghề” tại các làng nghề Bắc Giang và Bắc Ninh, với mong muốn các cơ quan báo chí tích cực vào cuộc, góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và môi trường làng nghề nói riêng.

Vào làng ô nhiễm


Ảnh: Chí Tuấn

Theo thống kê của UBND xã Hương Vĩ, huyện Yên Thế, Bắc Giang thì hiện toàn xã có khoảng 500 hộ sản xuất nung vôi với hàng trăm lò lớn nhỏ; nhiều nhất là các thôn Cầu Tiến, thôn Rừng, thôn Yên Bái và thôn Đình. Chả thế mà con đường vào xã gập ghềnh, khó đi bởi những lằn xe chở nguyên vật liệu hàng ngày vào ra.

Không nằm ngoài dự đoán, vừa bước chân vào đầu thôn Đình nơi nổi tiếng với nghề nung vôi, cảnh tượng thật hãi hùng với những vệt khói trắng mờ mờ ảo ảo như xứ sở sương mù. Càng vào sâu, làn khói càng dầy đặc xộc thẳng vào mặt, vào mũi, với một mùi ngai ngái rất khó thở. Chủ lò Bùi Thị Uyên, 35 tuổi cho biết nghề nung vôi gắn bó với chị từ lúc mới sinh ra. Nhẩm tính trung bình 1 tháng/1 lò, cho thu nhập khoảng 7 - 10 triệu đồng. Với số lãi lớn như vậy, nghề nung vôi đã mang lại thu nhập đáng kể cho các hộ trong làng. Hộ ít thì 1 lò, có hộ vốn lớn xây dựng 2 - 3 lò. Tuy nhiên, để có lãi và “gìn giữ” nghề độc hại này cũng cơ cực lắm, có khi phải đổi cả tính mạng.

Một người dân trong thôn bức xúc: “Khi các lò đồng loạt đốt thì nơi đây không khác gì cái lò hun khói, không khí khét lẹt, đặc quánh đến chuột cũng phải chạy chứ nói gì đến con người. Người lớn sức đề kháng cao đã đành, chứ trẻ con thì ốm đau triền miên, đúng là cái nghề trời đày...”. Được biết, theo kết quả khảo sát gần đây thì môi trường ở đây ô nhiễm khá nặng bởi khói bụi, khí độc và tiếng ồn động cơ. Cụ thể, hàm lượng bụi cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 9 - 11,7 lần, khí CO2 cao hơn 3,2 - 9,2 lần, nước giếng có độ đục và độ màu cao hơn mức chuẩn cho phép… Trao đổi với chúng tôi, Trưởng thôn Đình Lương Văn Chiến thừa nhận: hiện có rất nhiều người mắc bệnh đau cột sống lưng do lao động nặng, đặc biệt bệnh về đường hô hấp, viêm phổi do hít phải khí CO2 nhưng cũng đành chịu vậy.

Không chỉ ở Hương Vĩ, Bắc Giang, hầu hết các làng nghề thuộc tỉnh Bắc Ninh cũng đang trong tình trạng ô nhiễm. Thống kê sơ bộ khoảng 40/60 làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng. Điển hình như làng giấy Phong Khê, hàm lượng COD và BOD cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 6-9 lần; các cơ sở sản xuất giấy và làng nghề Đa Hội hàm lượng chất rắn lơ lửng trong nước thải cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 5-11 lần; làng làm nghề bún xã Khắc Niệm... Lãnh đạo các địa phương cho biết, đối với vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề hiện nay vượt ngoài khả năng của địa phương. Việc di chuyển quy hoạch thành các khu sản xuất tập trung ở các làng nghề được tính tới nhưng không có tính khả thi.

Cơ quan chức năng nói gì?

Theo số liệu mới nhất của Bộ NN-PTNT, với gần 4.600 làng nghề trên cả nước, bình quân tốc độ phát triển tại các làng nghề khá cao với 6–15%/năm, tạo việc làm cho hơn 11 triệu LĐ nông thôn (chiếm 30% lực lượng lao động toàn vùng nông thôn), có nơi thu hút hơn 60% nguồn nhân lực. Mức thu nhập từ sản xuất làng nghề cao hơn đáng kể so với nguồn thu từ nông nghiệp, theo đó thu nhập trung bình của người lao động đạt từ 450 ngàn - 4 triệu đồng/tháng tùy ngành nghề. Mức lương này được tính toán cao gấp 1,5 - 4 lần so với sản xuất thuần nông. Kinh tế nghề nông thôn còn đóng góp vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế địa phương. Trong tổng giá trị sản xuất năm 2010 của 30/51 tỉnh, thành phố, giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn đạt hơn 78.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đánh giá chung về bức tranh làng nghề hiện nay, tại buổi Tọa đàm “Báo chí với môi trường làng nghề”, nhiều đại biểu cho rằng, bên cạnh những kết quả trên thì vấn nạn ô nhiễm môi trường khu vực này rất phức tạp. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay là do người dân chưa có ý thức trong việc bảo vệ môi trường. Họ coi việc xử lý ô nhiễm là công việc của chính quyền mà không phải là công việc của các hộ gia đình. Bên cạnh đó, nhiều địa phương  còn quá nôn nóng trong việc phát triển kinh tế mà xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường.

Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bắc Giang Lê Hồng Sơn, thừa nhận: nguyên nhân các làng nghề ở Bắc Giang đã và đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là do việc phát triển làng nghề ở địa phương theo lối tự phát, không có quy hoạch, sản xuất theo từng hộ là chính. Hiện tỉnh Bắc Giang đã đưa ra 2 phương án giải quyết ô nhiễm do làng nghề gây ra, đó là xây dựng cụm làng nghề tập trung, tạo thuận lợi cho việc quản lý, thu gom, xử lý chất thải, vừa đảm bảo được yêu cầu phát triển bền vững nhưng kinh phí đầu tư rất lớn. Hoặc trên cơ sở phân loại sẽ đầu tư xử lý chất thải ngay tại hộ gia đình, song vẫn cần sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước. Mặc dù theo quy định của pháp luật, hộ gia đình phải tự đầu tư xử lý chất thải là chính.

Đồng quan điểm,  Phó chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần, cho biết một khi chưa có quy hoạch cụ thể, rõ ràng tại các khu làng nghề thì ô nhiễm vẫn diễn ra với mức độ ngày càng báo động hơn. Theo ông Dần, vì khó quy hoạch làng nghề trong bối cảnh cơ sở sản xuất nằm phân tán nên chỉ còn cách thúc đẩy ý thức bảo vệ môi trường của từng vùng ngành nghề, cần thiết phải có chế tài xử phạt đối với những cơ sở gây ô nhiễm.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về môi trường vẫn còn chung chung, thậm chí thiếu hẳn văn bản quy phạm pháp luật về môi trường đối với cơ sở làng nghề. Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ TN - MT Hoàng Minh Đạo: các cơ sở sản xuất làng nghề nói chung hiện nay lại đang nằm ngoài vòng pháp luật về bảo vệ môi trường, còn tiến hành thanh tra, kiểm tra, nhưng không xử lý được. Về chính sách cũng như vậy, có Điều 38 về bảo vệ môi trường làng nghề, nhưng cụ thể hóa như thế nào cho phù hợp, để làm cơ sở pháp lý có tính khả thi, đưa công tác quản lý môi trường làng nghề vào quỹ đạo là vấn đề chúng ta phải đặt ra.”

Qua thực tế, khảo sát tại hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh cho thấy, ô nhiễm môi trường ở các làng nghề đang ở mức báo động đỏ. Việc ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm và nâng cao chất lượng môi trường là một nhiệm vụ cấp bách không chỉ đặt ra cho các khu vực có làng nghề mà còn là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Không ít ý kiến cho rằng, trong thời điểm hiện tại thật khó có thể giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề. Tuy nhiên, khó nhưng không thể không làm và không thể để tình trạng kéo dài như vậy.

                                                                                       Theo: daibieunhandan

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

14
Đang xem:
72.516.583
Tổng truy cập: