
|
Thiếu
nước sinh hoạt, ở Chàng Sơn xuất hiện nghề buôn bán nước.
|
Nghề mộc truyền thống phát
triển đã giúp người dân xã Chàng Sơn (Thạch Thất-Hà Nội) có cuộc
sống khá đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều năm nay, hàng nghìn hộ phải sống
trong tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng…
Ngoài làm mộc còn có nghề...
bán nước
Về Chàng Sơn, hình ảnh dễ nhận
thấy nhất là những thùng phuy bằng nhựa màu xanh xuất hiện ở khắp
nơi, trong sân, ngoài ngõ, trên những chiếc xe cải tiến chạy quanh
làng… Hỏi ra mới biết, những thùng phuy đó dùng để chứa nước sạch.
Chưa bao giờ người dân Chàng Sơn lại "khát" nước trầm trọng
như thời điểm này, nước máy vẫn là niềm mơ ước của họ, trong khi
giếng khoan dù đã khoan sâu đến hơn 30m cũng chẳng có đủ nước mà
dùng.
Nước sinh hoạt của hơn 2.000 hộ
dân đều phải mua từ các xã lân cận. Trung bình mỗi người phải mất
gần 500.000 đồng tiền nước mỗi tháng. Những chuyện bi hài trong cuộc
sống của người dân cũng nảy sinh từ đó. Bà Nguyễn Thị Vang ở thôn 1
tâm sự: "Nhà tôi chỉ có hai vợ chồng, các con đều đã ở riêng.
Chi phí mua nước sạch lên đến gần 1 triệu đồng/tháng. Nước người ta
mang từ các xã Kim Quang, Bình Yên sang bán với giá 25.000 đồng/2 phi
(mỗi phi 150 lít). Mặc dù phải bỏ ra số tiền không nhỏ nhưng hai vợ
chồng tôi vẫn không đủ nước dùng. Chúng tôi phải tiết kiệm bằng mọi
cách, nước rửa rau tận dụng để rửa chân, tay… Thậm chí còn giữ lại
để rửa ấm chén, bát đĩa, rồi tiếp tục tận dụng khi đi vệ sinh. Khổ
nhất vào là mùa hè, đàn ông phải hạn chế… tắm. Cứ khoảng 3 - 4
ngày tắm một lần để nhường nước cho vợ con cũng như dùng vào những
sinh hoạt cần thiết hơn".
Chính vì thiếu nước mà ở
Chàng Sơn xuất hiện một nghề mới, nghề bán nước. Trong xã có 7 nhà
đào được giếng có nước. Cũng vì nhu cầu của hàng xóm, láng giềng
mà họ chở nước kéo đi khắp làng để bán. Công việc này theo họ là
"cực chẳng đã" bởi mỗi khi nhận tiền của hàng xóm cũng
thấy áy náy. Chị Thanh ở thôn 2, tâm sự: "Tôi cũng chẳng mong
muốn làm nghề này, mặc dù thu nhập không hề thấp. Xã chúng tôi không
nghèo nhưng nếu tình trạng thiếu nước sạch vẫn cứ tiếp diễn sẽ hạn
chế rất lớn đến sự phát triển của làng nghề…".
Chấp nhận sống... bẩn
Ô nhiễm môi trường, bệnh tật
ngày càng gia tăng là điều tất yếu khi thiếu nước sạch. Người dân
Chàng Sơn rửa rau cũng không dám "quá tay" và nhiều lúc phải
chấp nhận ăn… bẩn. Nước ăn còn chẳng có thì lấy đâu ra nước để rửa
sân, rửa đường. Vòng quanh thôn, hệ thống cống rãnh đen ngòm, mùi xú
uế bốc lên nồng nặc. Vào mùa hè, người dân Chàng Sơn khốn khổ vì
bị mùi cống rãnh "tra tấn".
Ông Dương Văn Minh, Phó chủ tịch
HĐND xã cho biết: "Người dân thường mắc các bệnh da liễu, tiêu
chảy, sốt xuất huyết, đau mắt… Tất cả là hệ lụy của việc thiếu
nước sạch. Ăn uống, sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh nên không tránh
khỏi bệnh tật. Năm 2008 - 2009, xã gặp rất nhiều khó khăn khi dính
phải dịch tiêu chảy".
Với đặc thù là làng nghề tiểu
thủ công nghiệp, mỗi ngày, Chàng Sơn thải ra từ 8-10 tấn rác, trong
đó chủ yếu là rác công nghiệp. Tuy chưa có con số thống kê cụ thể
nhưng chỉ nhìn bằng mắt thường cũng dễ nhận thấy lượng bụi trong
không khí ở Chàng Sơn là rất lớn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến
nguồn nước vốn đã ít ỏi của Chàng Sơn. Ngày mưa, nhìn thấy váng
trong nước nên có hứng được cũng không dám dùng để ăn uống, sinh hoạt
vì sợ bị ô nhiễm. Xã đã thành lập một tổ môi trường hàng ngày làm
nhiệm vụ thu gom, vận chuyển rác thải ra bãi tập kết của làng.
Phó chủ tịch UBND xã Chàng Sơn,
ông Nguyễn Kim Toàn cho biết: "Xã có 7 thôn với 2.063 hộ, 9.000
khẩu. Hiện, khoảng 80% số hộ phải đi mua nước sinh hoạt. Tình trạng ô
nhiễm môi trường, nguy cơ dịch bệnh đã trở nên báo động".
Trước nhu cầu cấp thiết về
nguồn nước sinh hoạt của người dân, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội
Trịnh Duy Hùng đã yêu cầu huyện Thạch Thất rà soát các dự án cung
cấp nước sạch đã và đang thực hiện trên địa bàn, đặc biệt là
điểm "nóng" Chàng Sơn, nơi thường xuyên xảy ra tình trạng
thiếu nước sinh hoạt thì cần khẩn trương lập dự án cấp nước sạch.
|
Nguồn: Kinh tế nông
thôn