Tọa lạc trên vùng đất “Chín Nam” bên bờ sông Lam, thuộc xã Khánh Sơn (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), đình Hoành Sơn từng được biết đến là công trình kiến trúc có quy mô đồ sộ bậc nhất của Miền Trung. Tồn tại đã trên 250 năm, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đình Hoành Sơn vẫn sừng sững như một tượng đài nghệ thuật của xứ Nghệ.
Theo sử sách ghi lại, đình Hoành Sơn được xây dựng vào năm 1763, do ông Đặng Thạc - một vị Hương cống, làm quan dưới triều vua Lê Hiển Tông khởi xướng và chủ sự. Đây là nơi diễn ra các hoạt động của làng từ kinh tế đến chính trị, văn hóa và cũng là nơi thờ Thành hoàng làng Lý Nhật Quang, cùng Tứ Vị Thánh Nương và hợp tự các vị Chư phật.

Thành hoàng Lý Nhật Quang - là Hoàng tử thứ 8 của vua Lý Thái Tổ, vị tri châu đầu tiên của xứ Nghệ, người có nhiều đóng góp về kinh tế, chính trị, xã hội ở Nghệ An. Nhất là với người dân tổng Nam Kim, ông còn có công lao chiêu mộ dân lưu tán và cảm hóa, sử dụng tù binh để khai phá đất đai, lập nên nhiều làng mới, trong đó có làng Hoành Sơn.

Ông Đinh Văn Hải (56 tuổi) người trông coi đình Hoành Sơn cho biết, những năm gần đây du khách thập phương đến với đình Hoành Sơn rất đông, nhất là vào các ngày lễ. Ngôi đình này được dựng lên hoàn toàn bằng gỗ lim, theo thời gian nhiều hạng mục gần đây bị xuống cấp đã được tu bổ và thay mới.

''Theo truyền thuyết kể lại rằng, ngày ấy bên bờ sông Lam trước, phía trước cửa đình xuất hiện một bè gỗ lim không biết từ đâu trôi về, người dân trong làng đã vớt lên số gỗ vừa đủ dựng nên ngôi đình này. Đình Hoành Sơn được thực hiện bởi 2 tốp thợ, mỗi tốp một nửa, khi các công đoạn hoàn thành để dựng lên, ráp lại thì hoàn toàn khớp nhau'', ông Hải nói.