NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Truyền nhân cuối cùng của nghề đậu kim hoàn
(Ngày đăng: 23/06/2013   Lượt xem: 1046)
Trong nghề làm kim hoàn, có một kỹ thuật rất công phu và tinh xảo, đòi hỏi sự khéo léo là nghề làm “đậu” - kỹ thuật thủ công để kéo sợi kim loại ra từng sợi nhỏ để làm một tác phẩm.

Tuy nhiên, hiện kỹ thuật này đã gần như bị thất truyền. Và hiện ở Huế, chỉ duy nhất còn một nghệ nhân là ông Trần Hữu Nhơn - Trưởng tộc kim hoàn Huế - còn làm được...

Tuyệt tác để đời

Nếu như thành phố Huế không tổ chức festival làng nghề truyền thống Huế (hai năm một lần vào năm lẻ), thì chắc chắn còn lâu “thiên hạ” mới biết được trong nghề làm kim hoàn, lại có một nghề, một kỹ thuật tinh xảo và tuyệt diệu đến như vậy! Đó là cảm nhận chung của người xem khi tận mắt chứng kiến bức tượng Phật Quán Thế Âm, được làm bằng kỹ thuật “đậu” của ông Trần Hữu Nhơn, được trưng bày tại khu làng nghề kim hoàn.
Ông Nhơn đang làm tác phẩm Quán Thế Âm bằng kỹ thuật “đậu”. Ảnh: Tường Minh

Đó là một tác phẩm được làm bằng kim loại bạc với những đường nét như đồ họa, có thể nhìn được hai mặt. Đặc biệt, khuôn mặt của Quán Thế Âm nhìn rất có hồn, nếu không muốn nói là có thể cảm giác được sự “động đậy”. Ông kể, tác phẩm Quán Thế Âm được ông thực hiện vào đầu năm 2007 để tham gia quảng diễn tại festival nghề truyền thống Huế năm đó. “Tui làm tác phẩm này một phần vì lòng say mê nghề, một phần cũng để nhắc nhở mọi người rằng, trong nghề kim hoàn còn có ngón nghề “đậu” rất độc đáo mà bây chừ chẳng còn ai theo đuổi nữa” - ông Trần Hữu Nhơn nói: “Bức tượng này tốn hết của tui 6 lượng bạc, và phải làm suốt trong hơn hai tháng, nhưng với chỉ bằng tay mà không có một chút máy móc nào tham gia”. Thời gian qua, đã có rất nhiều ướm hỏi ông để mua tác phẩm này, nhưng ông Nhơn cương quyết không bán vì “tui làm tác phẩm này để kỷ niệm cho riêng mình, chứ không phải làm để bán kiếm tiền. Hơn nữa, đây là tác phẩm tui đã phả vào đó rất nhiều tâm tư tình cảm, bán rồi làm cái khác cũng được, nhưng liệu có tìm lại được cái hồn mà mình đã gởi vào đây không?” - ông hỏi.

Theo ông Trần Hữu Nhơn thì nghề kim hoàn có tất cả ba kỹ thuật cơ bản gồm: “Trơn” - một kiểu tạo hình có tính cơ bản mà người thợ bạc nào cũng trải qua và làm được. Tiếp đến là “chạm”, tức dùng vật nhọn để khắc vẽ lên sản phẩm. Cuối cùng và đỉnh cao của người làm nghề là “đậu”, tức dùng vàng bạc kéo thành từng sợi chỉ để tạo hình. Kỹ thuật này rất khó, công phu nên ít người làm được và hiện nó đang có nguy cơ bị thất truyền. Cũng chính vì lẽ đó mà lâu nay người ta chỉ biết tới nghề kim hoàn chỉ với kỹ thuật làm đồ “trơn”, đồ “chạm”, mà ít người biết đến kỹ thuật làm hàng “đậu” như thế này” - ông nói.

Buồn cho nghề...

78 tuổi, nhưng trông ông Trần Hữu Nhơn vẫn còn rất khỏe. Nơi ông sống - một biệt thự cổ thời Pháp ở đường Đào Duy Anh (Huế) - nhìn rất thích bởi sự bài trí nói lên chủ nhân là một người biết yêu và tâm hồn đồng điệu với cái đẹp phảng phất xưa cũ. Chuyện với ông càng thích, bởi có đi đâu xa rồi chủ đề cũng được ông quay lại với nghề, với kỹ thuật “đậu” bằng lời lẽ mê mải như thời còn trai trẻ. Ngoài kỹ thuật làm “đậu”, ông Nhơn còn rất mê kỹ thuật khắc gỗ, mica thủy... Khách phải thân lắm ông mới dẫn đi khoe những tác phẩm ngoài “đậu” như một bức tượng Phật được khắc bằng mica thủy nhìn như tranh thủy mặc, hay một bài thơ cổ nói về nghề kim hoàn được ông khắc gỗ bằng chữ Việt nhưng nhìn như chữ Hán...

Kim hoàn không phải là nghề gia truyền của nhà ông, nhưng ông Nhơn lại đến với nghề này từ năm 4 tuổi cho đến bây giờ. “Lúc đó, chẳng may cha tui mất sớm, tui được mẹ gửi sang nhà ngoại ở làng Minh Hương (một làng người Hoa thuộc xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, Thừa Thiên - Huế bây giờ) và được người cậu ruột là Hoàng Tấn Ích - chủ một xưởng bạc - hướng theo nghề. Thế nhưng do ở làng, nên xưởng của cậu tui quanh đi quẩn lại cũng chỉ với mấy mặt hàng đơn giản, nên tui xin cậu cho lên phố tầm sư học đạo” - ông kể. Ban đầu, ông xin làm ở tiệm vàng Vĩnh Mậu do ông Trần Duy Tùng làm chủ.

Ở Huế hồi đó, cùng với các hiệu An Phú, Vĩnh Hòa, hiệu vàng Vĩnh Mậu rất nổi tiếng, tập trung hàng chục thợ giỏi làm việc. Bậc quan quyền tây có, ta có và các phu nhân, mệnh phụ thường đến đặt hàng, phần lớn theo mẫu có trong các catalogue xuất xứ từ Âu - Mỹ. Có môi trường, tay nghề ông được nâng cao và lên hàng thợ cả. Sau đó, ông được chủ cho ra riêng và về mở hàng kinh doanh vàng bạc.

Ông mở cho riêng mình một hiệu vàng đặt tên là Vĩnh Long. Bằng sự kiên nhẫn cộng với sự khéo léo và đức tận tụy, ngày qua ngày ông gầy dựng Vĩnh Long thành thương hiệu lớn ở Huế. Nhờ nghề “đậu”, ông được rất nhiều người biết tiếng, thường giao làm những thứ hàng trang sức, vật dụng… có độ tinh xảo cao. Ông còn mở lớp đào tạo học trò tại nhà ban đêm. Công việc tiến triển cho đến những năm sau này...
Tượng Quán Thế Âm bằng bạc được làm bằng kỹ thuật “đậu”. Ảnh: Tường Minh

Thật bất ngờ, khi ông Nhơn khẳng định nghề kim hoàn truyền thống không có nhiều lý thuyết hay bí quyết gia truyền như nhiều nghề khác, kể cả kỹ thuật làm “đậu”. Một người thợ giỏi là người có chút năng khiếu, sự khéo tay, nhất là chịu khó kiên trì rèn luyện cùng với chữ tín. Ông rất buồn vì “Ngày nay hàng thủ công sản xuất công nghiệp đang có xu hướng lấn lướt nên không còn nhiều người đi sâu theo nghề như trước nữa. Thợ giỏi vì thế vắng hẳn đi”.

Đặc biệt nghề “đậu” thì hiện không những ở Huế mà cả toàn quốc, ngoài ông ra giờ chẳng còn ai làm được. Thậm chí cả hai con trai của ông đang theo nghề và luôn được các tiệm vàng lớn ở Huế tín nhiệm nhờ gia công những món trang sức tinh xảo, giờ muốn làm một tác phẩm bằng kỹ thuật “đậu” thì cũng phải cần đến sự hỗ trợ của ông mới làm được. “Thỉnh thoảng tui đến thăm nhiều hiệu vàng, thấy bày la liệt sản phẩm, nhưng phần lớn được sản xuất đại trà bằng máy, thấy buồn cho nghề. Đời sống ngày càng đi lên, nhu cầu trang sức càng lớn mà người sống bằng nghề cứ như tuột dốc đi xuống” - giọng ông thật buồn.
                                                                                              Theo: Lao Động
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

2
Đang xem:
72.518.369
Tổng truy cập: