NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Thầy trò nghệ nhân tâm huyết với lĩnh Bưởi
(Ngày đăng: 31/05/2013   Lượt xem: 483)
Ở tuổi 90, nghệ nhân Phùng Văn Thiêm mới được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề, đối với nghề dệt lĩnh Bưởi. Tuy muộn màng, nhưng danh hiệu này xứng đáng với những gì cụ tâm huyết. Cụ cùng với người học trò là chị Vũ Thị Minh Hoàng đã vực lại nghề dệt lĩnh Bưởi sau hơn nửa thế kỷ thất truyền.

Cho đến giờ, rất nhiều người vẫn đinh ninh rằng nghề dệt lĩnh Bưởi đã thất truyền. Trên thực tế, hiếm có nghề truyền thống nào trải qua nhiều thăng trầm như nghề dệt lĩnh. Trước năm 1945, ba làng Bái Ân, Trích Sài, Nghĩa Ðô thuộc Tổng Bưởi (nay thuộc quận Tây Hồ) đều làm nghề dệt lĩnh. Làng Trích Sài có đền thờ Tổ nghề - Bà chúa Phạm Thị Ngọc Ðô (thời Lê sơ) có công dạy dân nghề dệt lĩnh nên được coi là quê gốc của lĩnh Bưởi. Sau khi Toàn quốc kháng chiến bùng nổ năm 1946, người Hà Nội theo Chính phủ tản cư. Người Kẻ Bưởi cũng vậy. Người ta dệt những mét lĩnh Bưởi cuối cùng rồi lên chiến khu. Sau ngày Giải phóng Thủ đô năm 1954, người Kẻ Bưởi trở về làng cũ. Nhưng không còn ai làm nghề dệt lĩnh. Nghề dệt lĩnh chỉ còn là quá khứ.

Cụ Phùng Văn Thiêm sinh năm 1923, chính tại làng cổ Trích Sài, trong một gia đình nhiều đời gắn bó với nghề dệt lĩnh. Cụ biết đến dệt lĩnh từ nhỏ và sớm thành thạo kỹ thuật dệt lĩnh. Khi chứng kiến cảnh nghề dệt lĩnh mai một, cụ trăn trở lắm, nhưng cụ hiểu, lĩnh Bưởi rất khó có thể trở lại thị trường. Trong quá khứ, lĩnh Bưởi là thứ hàng chỉ dành cho vua quan, quý tộc và các gia đình giàu có. Lĩnh Bưởi dệt từ tơ tằm, nhưng phải là loại tơ tốt nhất. Cứ năm sợi tơ tằm, mới chọn được một sợi dệt lĩnh. Những thứ tơ được loại ra sau khi chọn để dệt lĩnh mới dùng để dệt lụa. Vì thế, lĩnh có những đặc tính quý hơn lụa tơ tằm. Lĩnh Bưởi mềm, nhẹ, sóng sánh theo mỗi bước chân đi. Lụa tơ tằm mặc một lúc là dễ nhàu, nhưng lĩnh Bưởi có thể dùng tay vò mà vẫn giữ dáng phẳng mịn. Kỹ thuật dệt lĩnh cũng không phải cứ cha truyền là con nối được. Bốn, năm người học, may ra mới có một người làm tốt. Kỹ thuật dệt lĩnh cầu kỳ. Sau khi phân loại, tơ được đem đi hồ để sợi tơ không bị bông. Hồ xong, tơ mới được đem đi dệt. Bấy giờ, tấm lĩnh có đẹp hay không là nhờ bàn tay tài hoa của người thợ dệt. Khác với dệt lụa, để dệt được một tấm lĩnh trơn, một người đứng dệt, phải có đến bốn, năm người phục vụ. Người đứng dệt như một "nhạc trưởng" chỉ huy công việc. Ðiều này đòi hỏi sự lành nghề, kinh nghiệm đặc biệt của người thợ cả. Chỉ khi phối hợp một cách thuần thục giữa những người thợ, mới có thể ra được tấm vải đúng "chất" của lĩnh - đó là độ bắt sáng kỳ diệu của tấm vải, nhờ đó mà tôn lên vẻ duyên dáng của người mặc. Dệt lĩnh hoa văn còn phức tạp hơn. Tất nhiên, giá thành của một mét lĩnh rất cao, nên nó mới được mệnh danh là thứ vải của quý tộc.

Cụ Thiêm ngày đêm tiếc nhớ những tấm lĩnh Bưởi. Ngay cả Trung Quốc là nước nổi tiếng thế giới về dệt các loại vải từ tơ tằm, nhưng không có mặt hàng nào giống lĩnh, có được đặc tính như lĩnh Bưởi. Cụ nghĩ nếu không làm gì giữ lĩnh Bưởi, đất nước mình sẽ mất đi một nét tinh hoa... Nhưng đất nước trải qua chiến tranh kéo dài, kinh tế khó khăn, nếu có dệt lĩnh cũng chẳng ai mua. Cụ Thiêm trăn trở mãi. Những năm 70 của thế kỷ trước, cụ Thiêm đã mạo hiểm khôi phục nghề dệt lĩnh, để giữ lấy phương thức làm nghề. Tơ tằm thì đắt, mà phải mua số lượng lớn mới chọn được sợi tơ đẹp. Dệt lĩnh quá tốn kém, cụ phải bán những tài sản quý trong gia đình. Rồi, cụ phải bỏ dở... Bao năm trôi qua, những thành viên trong gia đình cụ vẫn nhớ như in mấy chục năm trước, khi dừng dệt lĩnh rồi, cụ Thiêm vẫn cứ giữ những chiếc khung dệt cũ kỹ, thi thoảng lại đứng tần ngần nhìn đống khung cửi rồi thở dài, mãi mới chịu cho đi "thanh lý". Ðến khi cụ Thiêm gần như hết hy vọng, bởi dệt lĩnh quá khó để có người muốn theo học, thì bỗng có người gõ cửa hỏi về lĩnh Bưởi. Ðó là một người con gái Trích Sài, chị Vũ Thị Minh Hoàng.

Thời thanh niên, chị Hoàng từng nghe bà chị nói về những chiếc váy lĩnh của các cụ ngày xưa còn đẹp hơn các loại thời trang hiện nay. Chị Hoàng nghĩ bà đùa, bởi như bao người, chị chỉ nghe đến "khăn nhung quần lĩnh" trong một bài thơ của thi sĩ "nhà quê" Nguyễn Bính mà không biết thực hư thế nào. Nhưng khi tìm hiểu về làng mình, chị không khỏi ngạc nhiên: Trên thế giới không có sản phẩm nào giống lĩnh Bưởi. Chị nhen nhóm ý tưởng khôi phục vốn quý của làng. Chị hỏi những người dân Trích Sài về dệt lĩnh, người ta lắc đầu, thậm chí, nhiều người... không biết lĩnh Bưởi là gì. Rồi có người mách chị tìm đến cụ Thiêm. Cụ Thiêm khi ấy đã cao tuổi, nhưng có người làng muốn học nghề, bao nhiêu tâm huyết cụ truyền lại hết cho học trò. Cụ Thiêm đã không dệt lĩnh mấy chục năm. Mặt khác, khung cửi dệt lĩnh thời cụ làm khác với máy móc bây giờ. Cụ hướng dẫn, chị Hoàng cùng thợ dệt thực hiện. Mỗi lần thất bại là một lần tốn kém, nhất là khi giá tơ tằm ngày một cao. Nhưng cụ Thiêm là người duy nhất nắm được bí quyết dệt lĩnh, chị chỉ lo nếu không gắng làm nhanh, chẳng may cụ đau yếu thì coi như số phận lĩnh Bưởi kết thúc. Chị Hoàng tiếp tục mua tơ, chọn tơ rồi dệt tiếp. Rồi đến một lần, chính tay cụ Thiêm nghẹn ngào cầm tấm vải bảo rằng: Lĩnh Bưởi không bị thất truyền rồi. Lúc ấy, chị Hoàng mới thở phào, tin rằng mình đã thành công. Năm 2004 đánh dấu lĩnh Bưởi hồi sinh. Nhưng gần 10 năm qua, lĩnh Bưởi vẫn chưa tìm được thị trường. Lĩnh Bưởi tồn tại được chủ yếu nhờ tình yêu và sự nhiệt tình của chị Vũ Thị Minh Hoàng.

Do biến mất trên thị trường hơn nửa thế kỷ nên nhiều người không biết lĩnh Bưởi, càng chẳng mấy ai biết đến những người dệt lĩnh. Mãi đến năm 2012, một số cán bộ thuộc Hiệp hội Làng nghề Việt Nam mới tìm đến cụ Phùng Văn Thiêm. Nếu xét theo những tiêu chí thông thường, cụ Thiêm khó lòng được công nhận nghệ nhân: Cụ chỉ có một học trò duy nhất, cụ cũng nhiều năm không trực tiếp làm nghề. Tuy nhiên, do tính chất đặc biệt quý báu của lĩnh Bưởi, việc cụ Thiêm ít học trò và không trực tiếp làm nghề là do hoàn cảnh lịch sử và chính nhờ kiến thức của cụ mà nghề dệt lĩnh mới được khôi phục, Hiệp hội Làng nghề đã phong tặng cụ danh hiệu Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam vào đầu năm 2013. Cụ Thiêm chính là nghệ nhân cao tuổi nhất được phong tặng danh hiệu nghệ nhân trong đợt tôn vinh này. Dù muộn màng, nhưng danh hiệu đó là niềm an ủi lớn với cụ. Và điều đặc biệt, cụ đã toại nguyện ước mơ khôi phục lĩnh Bưởi, thông qua bàn tay của người học trò. Với chị Hoàng, chị cho biết, khách trong nước và nước ngoài rất thích thú khi biết về một loại vải độc đáo như lĩnh Bưởi. Nhưng việc sản xuất chỉ có thể mở mang nếu được các cơ quan hữu quan quan tâm, quảng bá để mọi người biết đến giá trị của lĩnh Bưởi. Khi ấy, một nét văn hóa của vùng đất Kẻ Bưởi mới có chỗ đứng thật sự xứng đáng.

                                                                                                               Theo: Nhân Dân
>>
Lĩnh Bưởi trong dòng chảy hôm nay.
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.492.567
Tổng truy cập: