NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Thổi hồn vào gốm da chu
(Ngày đăng: 20/03/2013   Lượt xem: 735)

Xuống Hải Phòng, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân làm gốm da chu Đặng Trần Hiền trong con ngõ nhỏ của phố Lạch Tray. Ông là con của cố nghệ nhân Trần Tâm - người đã “khơi mạch” cho dòng gốm da chu đất Cảng từ khi thoát ly vùng Quế Võ (Bắc Ninh) cách đây gần 60 năm trước.

Giữ nghề sau... một giấc mơ

Một lần, cụ Trần Tâm có đi thăm người bạn thận ở Hà Nội. Đi qua chợ Đồng Xuân, ông cụ chọn được bộ ấm trà cổ có màu da chu làm quà tặng bạn nhưng không thể mua được vì giá quá đắt. Sau buổi đó trở về, ông ngày đêm mày mò, tìm hiểu cách làm gốm da chu của cha ông. Ròng rã suốt một thời gian dài lao tâm khổ tứ, cụ Tâm cũng đã làm ra những sản phẩm gốm da chu ưng ý, khi ấy cái ao trước nhà đã được lấp đầy bởi hàng vạn... mảnh gốm hỏng.

Nghệ nhân Đặng Trần Tâm (phải) cùng anh trai kiểm tra lại mẻ cốc chén gốm da chu trước khi nung.
Nghệ nhân Đặng Trần Tâm (phải) cùng anh trai kiểm tra lại mẻ cốc chén gốm da chu trước khi nung.

Từ những vật dụng sinh hoạt hàng ngày như bát, đĩa, chén uống trà, bình nước... cho tới chậu cảnh, phù điêu, tượng..., cụ Trần Tâm đều chọn dòng da chu để chế tác. Thế nên, có dạo cả chạn bát, đồ dùng trong nhà cụ toàn một màu đỏ sậm thâm trầm. Màu gốm da chu rất riêng, không lẫn với bất kỳ sản phẩm gốm sứ của làng nghề nổi danh nào trên cả nước. Cầm đồ vật làm từ gốm da chu trên tay, người ta có thể cảm nhận được độ mịn màng, êm ái như thể vừa được là phẳng lì. Dùng đồ gốm da chu để đựng chè thì không bao giờ bị mốc, để pha trà thì nước trà không bị nồng, để cắm hoa thì cành hoa không bị thối dù ngâm trong nước nhiều ngày...

Tiếng lành đồn xa, dòng sản phẩm gốm da chu Trần Tâm được nhiều người tìm đến mua về để sử dụng, trang trí. Có dạo, có cả một công ty của Nhật Bản đến đặt hàng với số lượng lên tới cả nghìn sản phẩm nhưng gia đình đã từ chối vì làm nghề này không thể vội vàng, cẩu thả được. Năm 1979, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã về thăm xưởng gốm da chu độc nhất Hải Phòng này.

Nghệ nhân Trần Tâm đã khuất núi 8 năm nay nhưng đến giờ xưởng đây được tiếp nối bởi ông Hiền vẫn giữ được tiếng thơm ở đất Cảng. Nếu không có giấc mơ về người bố tài hoa, tận tâm với nghề thì có lẽ đã không có xưởng này trên khoảng sân trước cửa nhà ông. “Sau hôm bố tôi mất, chúng tôi đã dọn dẹp hết tất cả mọi thứ của ông cụ vì không xác định theo nghề này. Nhưng một lần, tôi nằm mơ bố tôi giúi vào tay một chiếc bình gốm và bảo đi nung đã thúc giục tôi phải khôi phục lại nghề truyền thống của bố. Ông cụ rất tâm huyết, hy sinh sức lực, trí tuệ cả một đời mình mới giữ gìn được nghề này. Vì vậy, anh em chúng tôi phải có trách nhiệm với truyền thống gia đình”, ông Hiền chia sẻ.

Còn đó những trăn trở

Khôi phục lại cả một “gia tài” quý báu ấy, nghệ nhân Trần Hiền bắt đầu từ con số không, không kinh nghiệm, kỹ thuật làm gốm, tiền bạc... Ông bắt đầu tìm hiểu kỹ thuật xây lò nung, rồi quy trình làm gốm từ lọc đất tới trang trí, chỉnh sửa và lên lò. Những ngày mùa hè trời nóng như đổ lửa, ông và người anh trai vẫn tỉ mẩn chăm chút mấy cái đồ đất cát bán chẳng mấy tiền mà lại vất vả với tâm niệm vừa làm vừa “vỡ” dần từng bước. Suốt 2 năm mày mò lại từ đầu, nghệ nhân Trần Hiền không nhớ nổi bao nhiêu mẻ gốm da chu hỏng khi vừa đưa ra khỏi lò. Đúng lúc niềm quyết tâm đã cạn thì ông lại nung thành công một mẻ gốm. Cầm trên tay chiếc bình nước vừa mới ra lò, ông so sánh với chiếc bình được làm bởi bàn tay tài hoa của cố nghệ nhân Trần Tâm rồi tấm tắc “trời chẳng phụ công người”.

Chiếc ca đựng nước duy nhất còn sót lại được làm bởi bàn tay tài hoa của cố nghệ nhân Trần Tâm
Chiếc ca đựng nước duy nhất còn sót lại được làm bởi bàn tay tài hoa của cố nghệ nhân Trần Tâm

Gọi là xưởng có vẻ hơi quá bởi nó chỉ vỏn vẹn nằm trong sân nhà Trần Hiền. Không mang dáng dấp công nghiệp, quy mô lớn, người làm chủ yếu là anh em ông, thi thoảng mở trại sáng tác mới có chục nghệ nhân đến làm cùng. Không chạy theo số lượng mà tập trung về chất lượng, thế nên sản phẩm gốm da chu của gia đình ông Hiền có giá cao hơn so với mặt hàng Trung Quốc “nhân bản” theo số lượng lớn. Dù vậy, nhiều người vẫn tìm đến nhà mua bộ ấm chén hình hoa phượng hay cái cổng làng về đặt dưới gốc cây trong sân nhà, bởi họ nhìn thấy hồn cốt của làng quê Việt trong cái đỏ “rám nắng” của gốm da chu. Gần 30 mẫu sản phẩm hàng lưu niệm trên chất liệu gốm da chu truyền thống do Đặng Trần Hiền cùng các nghệ nhân tên tuổi ở đất Cảng vừa hoàn thành việc chế tác để hướng tới sự kiện Năm Du lịch Quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013. Nhiều mẫu nổi bật như: Bức phù điêu Hồ Tam Bạc; Hội chọi trâu; đình Kênh, chùa Hàng, tượng Nữ tướng Lê Chân, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; voọc Cát Bà...

Lặng lẽ với nghề của bố trong vòng xoáy thị trường, nghệ nhân Đặng Trần Hiền vẫn phải làm nghề khác để có tiền trang trải cho cuộc sống gia đình. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông luôn trăn trở về thế hệ kế tục nghề truyền thống của gia đình. Cháu con ông không háo hức, say mê với công việc đất cát vất vả, đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo. Mấy năm trước, môt tổ chức phi chính phủ của Úc đã tài trợ, giúp đỡ ông đưa nghề này về cho bà con ở quê gốc Nam Sơn, Quế Võ nhưng trong ông vẫn còn đó nỗi trăn trở, tiếc nuối nếu dòng gốm da chu bị thất truyền.

Theo: Giao thong van tai

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

21
Đang xem:
72.469.875
Tổng truy cập: