NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Chuyện về bà tổ nghề may và kí ức của nghệ nhân áo dài cổ…
(Ngày đăng: 17/03/2013   Lượt xem: 674)
Với trí thông minh, khéo léo và sáng tạo, bà đã tạo nên các mẫu quần áo của Hoàng tôn, quốc thích…Đồng thời, bà còn dạy cho các cung nữ từng đường kim, mũi chỉ, phát triển nghề may trong cung vua mà trước đây chưa hề có.
“Ngày xưa, áo lụa quý lắm, chỉ có quan lại, người giàu mới có để mặc! Hỏng chỗ nào là người ta đem đi phục chế chỗ đó... Còn bây giờ, sẵn tiền và vải vóc đa dạng hơn, người ta thường tự sắm cho mình những bộ đồ mới, vì tiền phục chế còn quá tiền mua! Giới trẻ bây giờ cách tân quá, vào chỗ linh thiêng còn mặc quần sooc thì khó coi, khó nhìn lắm!”, cụ Lê Văn Sếu, Nghệ nhân làng nghề Việt Nam cho biết.


Nơi thờ bà tổ nghề may,  bà Tứ phi Nguyễn Thị Sen.

Bà tổ nghề may

Theo một số tài liệu ghi lại, bà Nguyễn Thị Sen sinh ra và lớn lên ở vùng đất Sơn Tây có nhiều danh nhân, võ tướng. Gia đình bà có nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa.

Đến tuổi cập kê, bà xinh đẹp, nết na, giỏi giang và thông minh hơn người. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan 12 sứ quân, lên làm vua lấy niên hiệu là Đinh Tiên Hoàng, mở ra triều Đinh trong lịch sử. Vùng đất Sơn Tây vốn nổi tiếng nhiều nhân tài, tướng giỏi. Đinh Tiên Hoàng đã đến đây chiêu mộ hào kiệt, thấy bà Nguyễn Thị Sen tài giỏi, nết na nên ngài đã lấy bà làm thứ phi. Trở về kinh đô Hoa Lư, bà Nguyễn Thị Sen được vua phong là Tứ phi (năm 969).

Với trí thông minh, khéo léo và sáng tạo, bà đã tạo nên các mẫu quần áo của Hoàng tôn, quốc thích…Đồng thời, bà còn dạy cho các cung nữ từng đường kim, mũi chỉ, phát triển nghề may trong cung vua mà trước đây chưa hề có.

Năm 979, Đinh Tiên Hoàng và con trai trưởng là Nam Việt Vương Đinh Liễu, bị Đỗ Thích sát hại. Bà Tứ phi Nguyễn Thị Sen đã đưa các con từ giã hoàng cung trở về làng Trạch Xá, truyền dạy nghề cho nhân dân trong làng, từ đó làng Trạch Xá có nghề may quần áo cung đình và áo dài. Sau khi bà mất, nhân dân lập đền thờ và tôn bà là bà tổ nghề may. Hiện nay, đền thờ của bà được đặt tại thôn Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.


Nghệ nhân Lê Văn Sếu.

Thăng trầm nghề may áo dài cổ và cuộc đời nghệ nhân…

Cụ Lê Văn Sếu năm nay gần 90 tuổi là một trong hai cụ già trong làng được phong là Nghệ nhân làng nghề Việt Nam năm 2012.  Đôi mắt của người có tuổi mỗi khi nhớ về quá khứ  như đứa trẻ mau nước mắt. Người ngồi đối diện thấy trong khóe mắt cụ thi thoảng lại khẽ động, cụ kể rằng nhà cụ chỉ có hai anh em trai, năm cụ Sếu 15 tuổi, không may bố  qua đời, một mình mẹ tần tảo nuôi hai con. Năm 1945, cụ tham gia dân quân du kích ở Hà Đông, trong trận đánh đó đội quân của cụ tham gia cướp thóc gạo của địch chia cho dân nghèo, cứu đói. Sau trận đó, cụ về quê sinh sống.

Vì gia đình làm nghề may, năm 13 tuổi, cụ được gia đình cho theo học nghề. “Cụ nhớ về một thời cơ cực, gian truân, một mình phải lặn lội xuống Hà Nội kiếm việc làm nuôi vợ đợ con. Làm thuê cho 7, 8 chủ cửa hàng may ở Hà Nội mà chẳng ăn thua. Trong cái thời nghề may ế khách, “bắc nước chờ người” không đủ mưu sinh, cụ phải bỏ sang nghề đạp xích lô hơn 2 năm để kiếm sống.


Nghệ nhân Nghiêm Văn Đạt, bên chiếc áo lụa cổ (áo liền anh).

Cụ cho biết thêm: “Ngày xưa, áo lụa quý lắm, chỉ có quan lại, người giàu mới có để mặc!. Hỏng chỗ nào là người ta đem đi phục chế chỗ đó.  Còn bây giờ, có tiền sẵn vải, người ta toàn mua mới, vì tiền phục chế còn quá tiền mua, sắp trẻ bây giờ cách tân quá, vào chỗ linh thiêng còn mang quần sooc thì còn đâu là thành kính nữa, khó coi, khó nhìn lắm!”.

Gặp ông Nghiêm Văn Miến, trưởng thôn Trạch Xá, xã  Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, ông Miến cho biết: “Làng tôi ngoài cụ Sếu, còn có anh Đạt, cũng là một nghệ nhân được Nhà nước phong tặng là Nghệ nhân làng nghề Việt Nam đấy!”, rồi ông Miến giới thiệu qua về làng nghề may Trạch Xá. Giọng ông khiêm tốn, làng tôi có 460 hộ với khoảng gần 1.000 nhân khẩu thì có tới khoảng 80% gia đình theo nghề may. Để biết rõ hơn, chú cứ gặp anh Đạt, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Trạch Xá thì rõ hơn!.

Gặp anh trong buổi chiều tại căn nhà riêng khá khang trang. Đang bận rộn giải quyết công việc trên Hà Nội, nghe tin có PV tới viết bài, anh nhiệt tình giao công việc cho người làm ngồi tiếp chuyện PV, giọng anh hào hứng: “Gia đình tôi có 8 anh em, trong đó có tới 5 người theo nghề may. Thời mới chập chững vào nghề. Hầu hết những người theo nghề may, phần vì truyền thống cha truyền con nối, một phần vì ham thích yêu nghề mà theo. Thuở còn học vỡ lòng, tôi đã bắt đầu vào nghề. Năm lên 12, 13 tuổi, tôi theo bố đi lên Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang để mưu sinh. Có khi dăm tháng nửa năm, lâu thì đi cả năm mới về nhà một lần. Ngày xưa không có phương tiện đi lại như bây giờ, nên phải đi bộ. Hành trang và đồ nghề là tay nải, kéo, cái vách…Vất vả lắm chú ạ!”. Nghề may và thêu thùa, thực ra đòi hỏi phải cần đến sự khéo léo, nó hợp với phụ nữ hơn. Nhưng hầu hết đi xa chủ yếu là nam giới, những người có sức khỏe tốt mới đi xa triền miên. Rồi anh giới thiệu về những nghệ nhân kì cựu trong nghề. Trong làng bây giờ có khoảng 10 người nổi tiếng, còn nói về phục chế áo lụa cổ thì anh khiêm nhường mà rằng: “Phục chế áo lụa cổ chỉ có cụ Sếu, cụ ấy giỏi lắm, phục chế áo lụa cổ là không ai bằng!”.

Hỏi về áo lụa xưa và nay, anh chia sẻ, nói về áo lụa xưa thì có áo liền anh, áo liền chị. Đây là những sản phẩm chủ yếu làm ở Bắc Ninh, nơi nổi tiếng dân ca quan họ. Ngoài ra, còn có áo thần cho các vua chúa, quan lại. Áo lụa ngày xưa còn gọi là áo cặp (áo mớ ba mớ bẩy dành cho con gái). Cổ áo được làm hình cánh sen, ở eo có hai cái bao tượng. Áo lụa ngày xưa làm cho phụ nữ hay còn gọi là áo tứ thân. Áo được thiết kế có hai sống, sống sau và sống trước. Áo được làm bằng gấm, hoặc lụa ở bên trong, bên ngoài được mặc một tấm áo lưới để nổi bật bên trong, được cắt liền vai, cổ hình lá sen to choán hết gần vai. Hai cái bao tượng dùng để thắt ngang eo, như bây giờ gọi là thắt lưng. Hai cái hầu bao có hai màu khác nhau. Vừa tôn vẻ đẹp của người phụ nữ, vừa để thắt lưng vì áo lụa ngày xưa không có cúc. Đó cũng là nơi để trầu cau, hoặc để tiền xu. Áo lụa bây giờ chỉ có một sống lưng. Gấu tay áo cổ ngày xưa rộng khoảng 10 phân, còn bây giờ người ta cách tân đi nhiều, làm 3 - 5 phân thôi. Áo ngày xưa rộng, còn bây giờ người ta làm hẹp hơn để tôn chiều cao của người phụ nữ, cũng như phù hợp với thời đại…

Bây giờ, người ta chỉ có thể chiêm ngưỡng những trang phục áo lụa cổ qua những buổi dân ca quan họ, hay các lễ hội truyền thống dân gian ở các địa phương…Nhưng cũng có những sản phẩm cách tân quá đi cũng khó coi, khó nhìn, đặc biệt trong mắt các cụ lớn tuổi, những người còn nặng lòng với vẻ đẹp truyền thống xưa. Đến đây, tôi lại nhớ đến câu nói của cụ Sếu: “Giới trẻ bây giờ cách tân quá, vào chỗ linh thiêng còn mặc quần sooc thì còn đâu là thành kính nữa, khó coi, khó nhìn lắm!”
                                                                                          Theo: PL& XH
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

23
Đang xem:
72.470.299
Tổng truy cập: