NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
(62)- Giữ nghề chằm nón lá qua năm tháng cuộc đời
(Ngày đăng: 13/11/2024   Lượt xem: 32)

Chiếc nón lá không chỉ là vật dụng che nắng, che mưa mà còn gắn liền với cuộc sống của người thợ thủ công làng nghề vùng thượng Đức Hòa. Với họ, nghề chằm nón lá là một phần của ký ức, là cuộc sống của hiện tại và cần được gìn giữ trong tương lai.

Bà Võ Thị Lập (SN 1940, ngụ ấp An Thuận, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa) đã có gần 70 năm gắn bó với nghề chằm nón lá truyền thống

15 tuổi đã theo người cô học nghề chằm nón lá , bà Võ Thị Lập (SN 1940, ngụ ấp An Thuận, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) có gần 70 năm gắn bó với nghề truyền thống này. Ở tuổi 84, bà Lập vẫn minh mẫn kể cho chúng tôi nghe từng công đoạn làm nón lá. Với bà, không có công đoạn nào là khó vì nghề như đã ăn sâu vào tâm trí.

Ở huyện Đức Hòa, người ta chuộng nón có màu trắng đỏ, vậy nên bà Lập và nhiều thợ thủ công phải thêm bước luộc lá để lá đổi màu. Lá sau khi luộc, đem phơi dưới nắng cho khô cong rồi lại mang ra phơi sương cho mềm dẻo. Lúc này, bằng sự khéo léo, người thợ nhẹ nhàng mở bung lá để tiếp tục công đoạn vuốt lá cho phẳng hay còn được gọi là thả thương.

Cuộc đời bà Lập cũng như chiếc lá mật cật non ấy, đi qua hết thảy bom đạn, khói lửa, một mình nuôi hai con nhỏ để chồng yên tâm chiến đấu. Nhọc nhằn là vậy nhưng tình yêu quê hương không ngừng thôi thúc bà phải làm gì đó cho cách mạng. Trong dòng hồi tưởng, bà Lập kể: “Hồi đó cực khổ lắm, ra ruộng thì máy bay địch quần thảo trên đầu, ra chợ thì chúng cũng tra xét đủ kiểu nên tôi ở nhà chằm nón lá kiếm tiền nuôi con. Những năm đó, ban ngày, tôi bày đồ nghề ra ngồi chằm nón ở trước nhà, trong nhà nuôi giấu cán bộ cách mạng. Ban đêm, tôi cùng cán bộ đào hầm, có động tĩnh gì tôi lại lên ngồi chằm nón dưới ngọn đèn dầu. Nhiều lần địch tới hỏi, lục soát tìm người nhưng không tìm được vì tôi ngụy trang kỹ lắm”.

Vừa nuôi con, vừa nuôi giấu cán bộ cách mạng lại nhận nhiệm vụ vận động tải thương, binh vận nhưng 1 tuần, bà Lập vẫn chằm được khoảng 10 cái nón gửi đi bán. Với bà, chiếc nón lá không chỉ giúp kiếm tiền nuôi con mà còn góp phần che chở cho bà, cho cách mạng suốt những năm tháng quân thù giày xéo.

Thả thương lá cho phẳng tuy khó nhưng chỉ cần người thợ tỉ mỉ là làm được nhưng người thợ ấy có “thả thương” cuộc đời mình cách mấy cũng không tránh được những chông chênh. Tưởng chừng cố gắng nuôi con, nương nhờ nghề chằm nón có thể chờ ngày giải phóng để gia đình đoàn tụ nhưng rồi bà Lập đứt từng đoạn ruột khi nhận tin chồng hy sinh. Thương con gái nhỏ còn chưa biết mặt cha, hận quân thù cướp đi những hy vọng, bà Lập càng quyết tham gia cách mạng để góp phần giành lại độc lập.

Bà sắt son với lý tưởng cách mạng cũng như thủy chung với nghề chằm nón lá. Chiếc nón dù mỏng manh nhưng đủ sức trải qua nắng gió, mưa giông vẫn không phai màu như người phụ nữ vùng thượng ấy dù chịu bao mất mát, đau thương vẫn một lòng vì cách mạng. “Nhà tôi có truyền thống cách mạng, tham gia cách mạng là niềm tự hào nên tôi không sợ khó, không sợ khổ lại càng không sợ chết. Mỗi một vết thương trên người lại càng cho tôi thêm ý chí, sức mạnh hoàn thành nhiệm vụ” - bà Lập nói.

Sau ngày quê hương vắng bóng quân thù, bà Lập vẫn tiếp tục gắn cuộc đời mình với nghề chằm nón lá. Trở về với cuộc sống bình yên, bà vẫn cặm cụi làm nghề để vừa chăm lo cho gia đình, vừa giữ nghề đã theo bà từ thời chiến đến thời bình./.

                                            Theo:  baolongan.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

70
Đang xem:
74.242.617
Tổng truy cập: