Làng Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng với nghề nặn tò he truyền thống. Dưới đôi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân nơi đây, con giống bột trở nên sinh động và hấp dẫn.
Phú Xuyên là huyện ngoại thành phía nam TP Hà Nội, được gọi là vùng đất trăm nghề, với nhiều làng nghề truyền thống độc đáo. Trong đó có làng nghề nặn tò he ở làng Xuân La.
Từ những cụ già 70, 80 tuổi đến những em bé còn chưa đến tuổi vào lớp 1, đều mang trong mình niềm say mê, hứng khởi với những “con giống bột”. Trong số đó, nghệ nhân Đặng Văn Hậu (36 tuổi) là một trong số ít những thợ nặn trẻ luôn đau đáu nỗi niềm lưu giữ, duy trì và phát triển nghề truyền thống của quê hương mình.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề, thừa hưởng sự khéo léo, tỉ mỉ từ ông ngoại là nghệ nhân nổi tiếng Đặng Văn Hạ, cùng với năng khiếu trời ban, tính đến nay, anh Hậu đã gắn bó hơn 20 năm với nghề. Hàng nghìn con giống đã được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo ấy và được mọi người công nhận. Từ những thành công của mình, anh đã khẳng định: “Người trẻ có thể sống được bằng nghề truyền thống của cha ông”.
Bằng sự sáng tạo không ngừng nghỉ và kỹ thuật nặn con giống cổ truyền, nghệ nhân Đặng Văn Hậu đã cho ra đời nhiều sản phẩm tò he độc đáo như bộ Tam phủ, Tứ phủ; bộ Rước đèn Trung thu; Tứ Linh, Tam Sư, Ngũ hổ thần quan; bộ Lục súc và con giống...
Nghệ nhân Đặng Văn Hậu luôn đau đáu với việc làm những con giống kết hợp cả 2 trường phái truyền thống lẫn hiện đại đòi hỏi người thợ phải có tay nghề rất cao. Đào tạo được phải ngồi kèm từng ly từng tý. “Dù thợ đã rất giỏi nhưng phải vài năm mới thành thục được, nên nhiều người bỏ dở giữa chừng. Tò he lại là nghề thủ công, nên cần nhiều nhân lực mới có thể phát triển. Tìm được người theo nghề đã khó, giờ theo nghề mà lại có tay nghề cao càng khó hơn”. Anh Hậu từng ngỏ lời kết hợp với những nghệ nhân khác trong làng nhưng mọi người chọn theo lối truyền thống...
Năm 2014, anh Hậu được UBND TP Hà Nội và Sở Công thương Hà Nội trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”, trở thành một trong những nghệ nhân trẻ tuổi nhất của Thủ đô, nhận được nhiều bằng khen từ các liên hoan, hội chợ, triển lãm và từng là nghệ nhân trẻ tuổi nhất vinh dự được mời tham gia giới thiệu văn hóa tò he trong chuỗi các hoạt động tham quan ngoại khóa tới các đại biểu Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU132) do Việt Nam đăng cai tổ chức.
Hành trình gìn giữ nghề nặn tò he truyền thống của nghệ nhân Đặng Văn Hậu gặp không ít khó khăn, nhưng anh luôn vượt qua. Khi đã gắn bó sâu đậm cuộc đời của mình với nghề, nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu lại tiếp tục nhận ra những nhược điểm của con giống làng nghề Xuân La. Đó là dễ bị mốc, dẫn đến sản phẩm được người mua yêu thích không thể để được lâu, giảm bớt giá trị. Anh Hậu đã nghiên cứu loại bột mới, có thể giữ trong nhiều năm, mang đi xa hơn và được coi là “yếu tố quyết định để cho nghề phát triển”.
Xem những con tò he anh nặn cách đây đã cả gần chục năm mà vẫn còn nguyên vẹn, thoạt nhìn tưởng chừng không khác gì những món đồ chơi bằng nhựa, nhưng đưa sát vào mũi ngửi thì vẫn thấy thoang thoảng mùi hương nếp thơm đượm, không thể lẫn với bất cứ loại nguyên liệu nào.
Bên cạnh đó, để tò he trở nên phổ biến và quảng bá làng tò he Xuân La được mọi người biết đến nhiều hơn, nghệ nhân Đặng Văn Hậu thường xuyên mở các lớp học và các buổi workshop trải nghiệm, mang các sản phẩm tò he đến các khu du lịch, hội chợ, triển lãm. Mô hình này không chỉ các em nhỏ, mà cả người lớn, du khách trong và ngoài nước hào hứng tham gia.
“Tôi mở các lớp học theo hình thức truyền nghề, dạy nghề. Các em học sinh được bắt đầu học từ năm lớp 6. Phải dạy từ khi còn sớm như vậy để định hướng nghề cho các em, nếu không lớn lên chút nữa, có những thú vui mới lạ hơn, tôi sợ các em không còn thích nghề bột này” - anh Hậu chia sẻ.
Việc phát triển tò he theo hướng đi mới giúp cho không chỉ nghệ nhân Đặng Văn Hậu mà nhiều nghệ nhân khác ổn định được cuộc sống. Anh Hậu cho hay: “Mỗi dịp lễ hay ngày đặc biệt, tôi sẽ cho ra mắt những sản phẩm để bắt kịp với xu hướng thị trường. Ví dụ, vào ngày Trung thu, tôi thiết kế ra bộ Tết Trung thu có những nhân vật như chị Hằng, chú Cuội mặc trang phục Việt Nam nhưng với khuôn mặt chibi (hoạt hình). Hoặc vào ngày Giáng sinh, tôi thiết kế những ông già Noel đứng cạnh công chúa Elsa. Những sản phẩm của tôi lồng ghép cả cái cũ và cái mới, những cái đã rất quen thuộc và những cái đang được ưa chuộng. Có như vậy, sản phẩm mới vừa có thể truyền đi thông điệp ý nghĩa, vừa thu hút được giới trẻ”.
Hiện nay, tò he cũng như đồ chơi truyền thống nói chung, đang phải cạnh tranh với đồ chơi hiện đại, mới lạ hơn. Tuy vậy, nghệ nhân Đặng Văn Hậu vẫn cho rằng tò he sẽ luôn phát triển, bởi bản thân nó có một chỗ đứng riêng trong đời sống người Việt và mọi người đang ngày càng quan tâm đến các giá trị văn hóa nhiều hơn. Bởi thế, nghề nặn con giống bột sẽ phát triển ở một tầm mới, đẩy mạnh về các giá trị văn hóa dân gian và mỹ thuật hiện đại.
Theo: daidoanket.vn