Theo truyền thống của người Dao, việc tổ chức các nghi lễ rất quan trọng trong cuộc đời, muốn được đặt tên tham gia các hoạt động trong cộng đồng, được cộng đồng công nhận thì người đàn ông Dao phải trải qua lễ cấp sắc; còn dòng họ được tôn vinh, truyền thống gia phong, các gia đình trong dòng tộc sống có hạnh phúc, đạo đức gia phong... thì dòng họ đó phải tổ chức lễ tẩu sai - một hình thức như trưởng thành “nhập tịch”, được suy tôn, tham gia vào các nghi lễ quan trọng của cộng đồng, đây được coi là nghi lễ quan trọng nhất trong đời sống gia đình, dòng họ của người Dao. Các nghi lễ cấp sắc từ thấp đến cao: 3 đèn, 5 đèn, cao nhất là 12 đèn theo phong tục của dân tộc Dao, người nào được cấp sắc mới có thể được làm thầy Tào và có khả năng đặc biệt liên hệ được với các vị thần linh.
Một trong những vật dụng quan trọng không thể thiếu của các thầy Tào, thầy mo trong thực hành nghi lễ của người Dao là những bức tranh thờ, đây được coi như “bảo bối” của các thầy phù thủy, làm phương tiện để liên hệ với các vị thần, đấng siêu nhiên và vũ trụ. Trong nghi thức lễ cấp sắc các thầy Tào qua những tranh thờ như cuốn “Thông thiên” hay còn gọi là “Bình hoàng khoán điệp” và “Quả som bảng văn”. Ghi chép lịch sử hình thành nguồn gốc của dân tộc Dao được truyền miệng từ đời này sang đời khác, tranh thờ là vật thiêng để cầu các vị thần linh phù hộ giúp đỡ hoặc chứng giám lòng thành của thân chủ... Hệ thống tranh thờ của người Dao rất phong phú, các vị thần linh được phân phẩm cấp theo thứ bậc, mỗi vị thần cai quản một lĩnh vực trong thế giới siêu nhiên...
Có bức vẽ chân dung từng vị thần với những nét mặt thể hiện các sắc thái, quyền uy, tính cách, phẩm cấp của mỗi vị thần tương ứng với vai vế trên thiên cung, có những bức tranh vẽ rất nhiều các vị thần linh cạnh nhau tùy thuộc vào cấp sắc của thầy mà các bức tranh được vẽ cho phù hợp. Các vị thần linh mặc dù được vẽ bằng nét bút, màu sắc đơn giản, chủ yếu là các đường nét, dưới bàn tay của người thợ vẽ tranh hằng trăm gương mặt thần linh không có gương mặt nào giống gương mặt nào, tất cả đều thể hiện được sắc thái của nhân vật. Điều quan trọng là người làm nghề vẽ tranh phải có kiến thức về thiên văn, địa lý, thuật phong thủy... ngoài khả năng về hội họa thì nhất định phải được cộng đồng người Dao công nhận và được truyền từ đời này qua đời khác.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà bưng ván gỗ, mái ngói âm dương rêu phong cũ kỹ, ông Đặng Phụ Quyên, nghệ nhân vẽ tranh thờ người Dao cho biết: Gần 3 năm nay, do điều kiện sức khỏe nên tôi không còn vẽ tranh thường xuyên; giới trẻ hiện nay đi học tập, lao động nhiều, điều kiện cuộc sống có những đổi thay nên việc tổ chức các nghi lễ truyền thống cũng hạn chế và đơn giản hơn nhiều. Các phong tục truyền thống bị mai một, trong đó nghề vẽ tranh thờ gần như thất truyền. Tôi tuổi đã cao không còn vẽ được như trước muốn truyền lại cho con cháu những chúng không mấy mặn mà, nếu cứ như vậy nghề vẽ tranh thờ khó mà duy trì được.
Hiểu tâm trạng của ông, tôi tiếp lời: Ông đã làm nghề vẽ tranh này từ bao giờ vậy? Ông Quyên nói: Gia đình tôi từ đời các cụ đã làm nghề này và truyền lại cho đời bố tôi, đến tôi là đời thứ 4 làm nghề vẽ tranh thờ cho các thầy Tào, từ nhỏ khoảng 5 - 6 tuổi tôi được bố cho theo học và truyền dạy cách vẽ tranh thờ. Trước đây, để vẽ được bộ tranh thờ bố tôi phải mất hằng tháng mang màu vẽ đến từng gia đình để vẽ tranh. Tranh thờ là tranh vẽ các vị thần thánh nên khi vẽ phải hết sức cẩn trọng, nơi vẽ phải được bố trí ở nơi trang trọng, sạch sẽ. Khi người thợ vẽ tranh gia đình không được đến gần, không được xem và bình phẩm các bức tranh, gia đình không được sát sinh, không được to tiếng mâu thuẫn; đàn bà con gái không được vào khu vực vẽ tranh thờ; người vẽ tranh thờ được cộng đồng xem là một nghề tri thức hết sức được coi trọng.
Năm nay tôi đã 70 tuổi, làm nghề này hơn 60 năm. Hồi trẻ còn sức khỏe tôi vẽ quanh năm, tranh treo đầy các gian phòng trong nhà, người Dao ở khắp nơi từ các huyện trong tỉnh hoặc từ miền Nam, Tây Bắc sang, thậm chí có người ở nước ngoài cũng đặt tôi vẽ, giờ sức yếu tôi không ngồi vẽ được nhiều nữa.
Nghe ông kể chuyện nghề và tìm hiểu về ý nghĩa của các bức tranh, chúng tôi phần nào hiểu thêm về nghề độc đáo này. Theo quan niệm truyền thống của người Dao, tranh thờ được coi là “cẩm nang”, cuốn “thông thiên” để các thầy Tào làm phương tiện liên hệ với thế giới “siêu nhiên”, tranh thờ như là “bảo bối” được các thầy mo, thầy Tào, các gia đình cất giữ cẩn thận và chỉ được mang ra khi có những việc hệ trọng, mỗi thầy Tào tùy theo cấp của mình thì tương ứng một bộ tranh riêng, nếu trong lễ “cấp sắc”, “tẩu sai” hoặc các ngày lễ trọng đại của gia đình, dòng tộc có nhiều thầy mo cùng làm thì các bộ tranh được treo trang trọng lên khu vực làm lễ trước bàn thờ. Mỗi khi làm lễ, các thầy thắp hương cầu khấn, xin các vị thần để được treo tranh bằng cách xin quẻ âm dương, bao giờ làm lễ xin được phép của các thầy phù thủy mới tổ chức lễ cúng.
Ông Quyên chia sẻ thêm: Nếu vẽ tranh bình thường, nhìn theo mẫu ai chịu khó cũng có thể vẽ, nhưng để vẽ được tranh thờ của người Dao, người vẽ phải am hiểu về văn hóa, nguồn gốc và thứ tự các vị thần linh để vẽ sao cho đúng thứ bậc và thể hiện được cái “hồn” của bức tranh, có những bức vẽ vài ba ngày nhưng cũng có những bộ tranh thờ vẽ cả tháng mới hoàn thành. Khi hoàn thiện bức tranh, người thợ vẽ phải sửa soạn lễ, thắp hương xin “nhập thần” cho tranh; sau khi làm xong thủ tục tranh mới được bàn giao cho chủ.
Tranh thờ của người Dao không cầu kỳ về mặt màu sắc, các màu chủ đạo gồm: vàng, đỏ, xanh dương, xanh lá... Nhìn các họa tiết, hoa văn của tranh thờ thấy được nhân sinh quan, thế giới quan và những sinh hoạt tín ngưỡng trong đời sống của người Dao, quan niệm của người Dao về các sự vật, hiện tượng trong vũ trụ. Hệ thống tranh thờ của người Dao rất đa dạng, có thần linh được miêu tả như võ tướng, khuôn mặt rất dữ tợn, đầu đội mũ, thân mặc áo giáp, tay cầm binh khí đang cưỡi trên lưng rồng; có vị thần mặt hiền từ, đầu đội mũ lọng, tay cầm cành lá, có lính theo hầu; hoặc có bức tranh là một đội quân lính có áo mũ và đi cùng những con vật dê, ngựa, chó, gà...
Các vị thần có vị phương phi phúc hậu, ánh mắt nhân từ, có vị mắt xếch, mày ngài, râu ria... được sắp xếp theo thứ tự, có hàng lối, thứ bậc như trong buổi chầu của thiên đình. Hàng trăm khuôn mặt với những biểu cảm, sắc thái khác nhau được nghệ nhân thể hiện một cách tỉ mỉ, theo một nguyên tắc nhất định; mỗi bức tranh thờ phục vụ cho một nghi lễ cụ thể, mỗi bức tranh có nội dung khác nhau, khi đưa tranh ra thực hiện nghi lễ gia chủ phải làm lễ thắp hương cầu khấn, xin phép.
Hiện nay, nghề vẽ tranh đang đứng trước nguy cơ thất truyền, nguyên nhân do một mặt đời sống kinh tế phát triển, lớp trẻ có điều kiện học tập thoát ly đi công tác, lao động ở xa; sự du nhập, giao thoa văn hóa làm mai một những phong tục truyền thống, một số nghi lễ của người Dao tuy vẫn được duy trì những chỉ mang tính hình thức, không quá coi trọng như ngày xưa... Để lưu giữ những nét truyền thống nghề vẽ tranh thờ đang nguy cơ mai một, cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, có những cơ chế, chính sách đầu tư cho việc lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa; đồng thời, khai thác những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc để trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.