Khi nghe họa sĩ Vũ Đức Hiếu nói về khái niệm “gốm Mường” do anh cùng những nghệ hữu thực hiện tại lò gốm ở Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường (Hoà Bình) do anh sáng lập, đã gây nhiều tò mò, thậm chí cả những phản biện khi biết rằng người Mường dùng gốm, chứ không làm gốm. Việc định danh “gốm Mường” thoạt nghe có vẻ nghịch lý, nhưng khi đứng trước các tác phẩm “gốm Mường”, hiểu được cách Hiếu Mường bấy lâu đắm say với xứ Mường, quy chiếu vào từng tác phẩm, lại thấy ở đó sự hòa hợp đến bất ngờ.
Mường là một dân tộc. Ở ngữ nghĩa khác, Mường còn là không gian, là địa bàn cư trú, là một vùng dân cư, một tổ chức xã hội thu nhỏ tựa như bản - làng. Họa sĩ Vũ Đức Hiếu sử dụng ngữ cảnh ấy vận dụng vào gốm, “gốm Mường” khi ấy trở thành sân chơi chung, không cho riêng Hiếu Mường, mà cho cộng đồng nghệ sĩ có cùng đam mê, hội tụ vào sân chơi gốm tại Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường, thông qua các hội trại sáng tác, các buổi giao lưu, trao đổi văn hóa, kiến thức, kỹ thuật làm gốm của nghệ sĩ trong và ngoài nước.
Hỏi chuyện chi tiết vào khái niệm “gốm Mường”, Vũ Đức Hiếu bày tỏ: “Đến nay đã được 10 năm tôi gắn bó với gốm ở xứ Mường. Từ ngay khi hình thành, tôi hướng đến việc sử dụng tối đa nguyên vật liệu bản địa trong chế tác gốm, chẳng hạn đất sét, đất ụ mối dùng cho việc tạo cốt, men thuốc dụng các loại tro, khoáng thiên nhiên đấu phối mà thành, còn tạo dáng cho tác phẩm tùy vào kiến thức, tư duy sáng tạo của người nghệ sĩ”.
Họa sĩ Vũ Đức Hiếu đang vào men cho các tác phẩm “gốm Mường” .
“Mường” trong gốm của Vũ Đức Hiếu, trở thành một “sân chơi” là sự kết hợp của anh em trong giới nghệ sĩ, từ điêu khắc gia, họa sĩ, đến nghệ sĩ gốm, cùng thể hiện những sáng tạo mang ngôn ngữ cá nhân, nhưng chung trên chất liệu gốm. “Gốm Mường” hình thành từ lẽ ấy. Chính thế, từ cái nhìn đầu tiên, “gốm Mường” cho người xem thấy được nét lạ, đặc biệt ở phần tạo hình, tiếp sau đó là dấu ấn của sắc men.
Không hào nhoáng bóng bẩy, không phô diễn xa hoa, không gây choáng ngợp với vẻ ngoài, “gốm Mường” mang đến cho người xem một khái niệm, suy nghĩ khác về gốm. Cái tài tình ở đây là người nghệ sĩ đã đưa gốm qua khỏi lằn ranh của đặc tính sử dụng, thoát luôn khỏi tính dân tộc là khái niệm Mường, chỉ còn lại chất tự sự mạnh mẽ của tác phẩm khi đối mặt trực diện với người xem. Gốm có hình, mà không hẳn là hình, gợi chứ không tả, nhờ vậy tạo nên sự tương phản quen - lạ biểu hiện cân đối, hài hòa.
Đứng bên “gốm Mường”, tùy cảm nhận, trải nghiệm, kiến thức, vốn sống của từng người, sẽ thấy ở đó những khái niệm hoàn toàn không giống nhau. Tạo hình khi như một vật chứa đựng (đồ gia dụng), nhưng đường nét lại là ngôn ngữ điêu khắc (tính nghệ thuật), tổng thể lại có thể là một dáng hình phụ nữ miền cao, hay phảng phất nét quen một con vật trong gia súc, gia cầm (tính dân tộc, bản địa)… Sự đa ngữ trong diễn thể gốm tạo cho tác phẩm đậm chất đương đại.
Khởi hình “gốm Mường” dễ dàng chuyển thể sang ngôn ngữ nghệ thuật khác.
Thêm một đặc tính thú vị khi quan sát “gốm Mường”, ấy là gốm vốn “tĩnh”, nhưng được Vũ Đức Hiếu cho “động” chỉ với thao tác tạo chân đế hình kiềng. Mỗi tác phẩm đứng trên những trụ đế mong manh, chông chênh, gây ngạc nhiên bởi độ thử thách của chất liệu, đồng thời tạo cho tác phẩm có cảm giác bay - thanh thoát, tĩnh mà động chính là từ chi tiết ấy mà thành.
“Gốm Mường” là sự tìm tòi, đúc kết nhiều hành trình ngang dọc các làng gốm cổ của Vũ Đức Hiếu, cốt tìm ra hướng đi dài hạn chứ không chỉ từng đợt sáng tác nhất thời, cũng không phải để học cách thể hiện như một sự rập khuôn, mà là tìm nguyên lý về đất, nguyên lý về men. Ví dụ từ dòng men cơ bản là men tro, người nghệ sĩ dựa trên nền đó để phối khoáng chất vào, có thể là ôxit đồng, sắt, kẽm, nhôm… cho ra các gam màu theo ý muốn.
Hiếu Mường tâm sự: “Tôi quy gốm về phương pháp, nguyên lý. Từ cơ bản đó, đi đâu cũng làm gốm được, không bị gò ép vào nguyên liệu, men, lửa nữa”. “Gốm Mường” chuyển tải nguyên lý ấy, để nghệ sĩ hội họa, điêu khắc, hay nhiều lĩnh vực khác có thể biểu hiện ngôn ngữ riêng mình, dùng gốm làm phương tiện sáng tác.
Sự hòa trộn chất liệu đất bản địa tạo cho “gốm Mường” một sắc thái thân quen, gần gũi.
Từ nguyên lý “gốm Mường”, việc nhân rộng tác phẩm, tùy từng không gian, đều dễ dàng ứng dụng, lấy ví dụ một sáng tác “gốm Mường” của Vũ Đức Hiếu, khi đưa về làng bích họa Tam Thanh, tác phẩm được chuyển thể chất liệu, hình khối được nhân bản - phóng to từ khởi hình gốm, tạo thành một tác phẩm nghệ thuật đầy ấn tượng nơi bờ biển. “Gốm Mường” - khi quy về đơn giản, muốn là vật chứa đựng, là chiếc bình cắm hoa hay tác phẩm trang trí nội thất… đều tiện dụng và hợp công năng. “Gốm Mường” ở góc độ này, không còn giới hạn bởi ranh giới, vùng miền, sự sáng tạo, mà hòa nhập trở thành đích đến chung cho những nghệ sĩ muốn kiếm tìm chất liệu mới trong thể hiện tác phẩm. “Gốm Mường - Mường gốm”, một hội tụ những thành tố tạo nên một “Mường” riêng cho những người chơi gốm.
“Gốm Mường” không còn là một tên gọi định danh cho dòng gốm cụ thể, cho phong cách sáng tác, cho xuất xứ của gốm, mà là mô hình mở có thể dễ dàng tiếp cận, ứng dụng, áp đặt vào nhiều vùng miền, dựa trên mạch nền sáng tác của người nghệ sĩ để tiếp nối, phát triển nghệ thuật chế tác gốm trong dòng chảy đương đại. Dòng chảy ấy không giới hạn trong xứ Mường, mà lan tỏa rộng hơn ở khắp đất Việt và bạn bè quốc tế như cách hoạt động, vận hành Không gian Văn hóa Mường của Vũ Đức Hiếu từ ngày sáng lập bảo tàng nơi xứ Mường đến hôm nay.