NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
(29)- Nghệ nhân khiếm thính giữ lửa nghề gốm vuốt tay
(Ngày đăng: 14/04/2024   Lượt xem: 40)

Ở làng gốm Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội), nhiều gia đình đã bỏ nghề gốm vuốt tay truyền thống, nhưng nghệ nhân khiếm thính Phạm Anh Đạo lại đi ngược với số đông, ngày đêm vẫn miệt mài giữ lửa nghề không bị mai một.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm gốm thủ công ở Bát Tràng, nghệ nhân Phạm Anh Đạo đã được nuôi dưỡng tình yêu với gốm từ nhỏ. Từ nhỏ, anh đã bị đau ốm liên miên, phải dùng thuốc kháng sinh liều cao để rồi dẫn tới việc gần như mất đi thính giác.

Khả năng giao tiếp và diễn đạt của anh Đạo cũng vì thế mà trở nên rất khó khăn, ảnh hưởng trầm trọng tới việc học. Chật vật học hết lớp 6, anh buộc phải xin nghỉ học.
 Nghệ nhân Phạm Anh Đạo luôn dành một tình yêu bền bỉ và đam mê với kỹ thuật làm gốm thủ công truyền thống.

Nghệ nhân Phạm Anh Đạo luôn dành một tình yêu bền bỉ và đam mê với kỹ thuật làm gốm thủ công truyền thống.

Bỏ học giữa chừng, cậu học trò Phạm Anh Đạo ở nhà theo bố học vuốt gốm rồi xin vào làm phụ việc trong Xí nghiệp Gốm sứ Bát Tràng. Chưa đầy một năm, Phạm Anh Đạo đã thuần thục những kỹ thuật khó và phức tạp mà chỉ người thợ lành nghề mới làm được. Thấy được tố chất và tài năng của con trai, bố anh Đạo đã vay mượn tiền để mở lò gốm cho con ngay tại nhà. Thời điểm đó, rất nhiều hộ đã chuyển sang gốm công nghiệp để tối ưu năng suất, mang lại kinh tế ổn định. Cả làng Bát Tràng giờ chỉ còn Phạm Anh Đạo là người trẻ nhất vẫn miệt mài làm gốm trên bàn xoay theo kiểu vuốt - nặn - vẽ.

Đôi bàn tay say nghề của người thợ gốm khiếm thính.

Để sống và gắn bó được với nghề làm gốm theo cách thủ công, anh Đạo đã phải trải qua rất nhiều khó khăn. Song anh chưa bao giờ cô đơn trên con đường này, bởi luôn có vợ ở bên động viên và chia sẻ. Chị Mỹ Trinh - vợ nghệ nhân Phạm Anh Đạo chính là hậu phương vững chắc, là cánh tay đắc lực hỗ trợ chồng theo đuổi đam mê.

Chị Trinh tâm sự: “Anh Đạo mất thính giác từ nhỏ, phải nói thật to mới nghe thấy nên thường ngại giao tiếp. Mọi việc từ quảng bá sản phẩm, tiếp khách cho đến bán hàng đều do tôi quán xuyến”.

Với tâm hồn của một nghệ sĩ, anh Phạm Anh Đạo đã sáng tạo ra những tác phẩm gốm độc đáo. Ảnh: MINH HUYỀN

Thời gian đầu, những sản phẩm gốm vuốt tay của anh Phạm Anh Đạo không được nhiều người hỏi mua vì quá đơn sơ, không phù hợp với thị hiếu khách hàng. Chị Mỹ Trinh nhiều lần khuyên chồng chuyển sang sản xuất gốm công nghiệp nhưng anh Đạo không đồng ý và chỉ trung thành với gốm thủ công.

“Không thuyết phục được anh Đạo nên tôi lại cùng chồng chuyên tâm làm gốm theo cách thủ công. Anh Đạo yêu gốm lắm, ngày đêm tìm tòi và sáng tạo đến quên ăn, quên ngủ. Hễ có cảm hứng sáng tác là anh ấy lại lao vào làm”, chị Trinh chia sẻ.

Với nỗ lực không mệt mỏi ấy, những bình gốm của Phạm Anh Đạo đã đến gần hơn với khách hàng nhờ sự “độc bản”, không trùng lặp. Tiếng tăm của nghệ nhân gốm vuốt tay dần vang xa. Xưởng gốm của gia đình nghệ nhân Phạm Anh Đạo bắt đầu khởi sắc, đơn đặt hàng gốm từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Mỹ… ngày càng nhiều lên. Nhờ đó, kinh tế cũng đi vào ổn định.

Trong khi các nghệ nhân khác ở Bát Tràng thường tìm cách mở rộng quy mô sản xuất thì anh Đạo vẫn “bảo thủ” với diện tích xưởng khiêm tốn của gia đình. Vì làm gốm thủ công, năng suất thấp nên gia đình chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng. Hằng ngày, người nghệ nhân khiếm thính ấy vẫn tỉ mẩn nặn, vuốt từng sản phẩm.

“Tôi muốn thuê thêm thợ làm để tăng năng suất và phát triển kinh tế, nhưng anh Đạo không đồng ý. Bởi anh ấy muốn mỗi sản phẩm mình tạo ra đều là hàng độc, không bao giờ đụng hàng và phải mang chất riêng của Phạm Anh Đạo”, chị Mỹ Trinh chia sẻ.

Nhờ đôi bàn tay khéo léo cùng lòng yêu nghề, nghệ nhân Phạm Anh Đạo đã tạo ra nhiều tác phẩm đặc sắc. Đặc biệt, phải kể đến là cặp chóe Tứ Linh cao hơn 2m, bán kính 2 người ôm, được làm để chào đón Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngày 24-9-2016, tác phẩm này đã được nhận bằng Kỷ lục Việt Nam 2016 cho “Cặp chóe Tứ linh đắp nổi được chế tác bằng phương pháp thủ công truyền thống lớn nhất”.

Sau nhiều năm cống hiến, say mê với nghề làm gốm vuốt tay truyền thống, nghệ nhân Phạm Anh Đạo đã nhận được nhiều bằng khen và giải thưởng danh giá, như: Bằng khen tài năng trẻ nghề gốm sứ Hà Nội (năm 2004); Giải xuất sắc Hội thi “Bàn tay vàng làng nghề gốm sứ” (năm 2006); 1 trong 10 Công dân Thủ đô ưu tú (năm 2009); Đại biểu Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam (năm 2009); Nghệ nhân Hà Nội (năm 2012).

                                        Theo:  qdnd.vn
 
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

14
Đang xem:
72.482.015
Tổng truy cập: