NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
(50-59)- Cảm hứng nguồn cội
(Ngày đăng: 02/03/2024   Lượt xem: 18)

Vẫn chừng ấy chất liệu của hội họa, nhưng với nguồn cảm hứng từ văn hóa truyền thống, lịch sử dân tộc, họa sĩ thế hệ 9X Nguyễn Thanh Vũ chinh phục khán giả đương đại bằng những tác phẩm mang cảm xúc tự hào xứ sở. Mỗi tác phẩm như đi qua các triều đại của đất nước, nhắc nhớ một nền văn hiến mấy ngàn năm lịch sử.

Họa sĩ Nguyễn Thanh Vũ và quá trình sáng tác “Từ tính tứ linh”

Họa sĩ Nguyễn Thanh Vũ và quá trình sáng tác “Từ tính tứ linh”

Dấu ấn vương triều

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt, nhắc đến tứ linh, nhiều người nghĩ ngay đến bộ tứ: Long, Lân, Quy, Phụng. Nhưng theo dòng lịch sử dân tộc, đi qua các triều đại phong kiến, còn xuất hiện nhiều linh thú khác, kể cả những con vật gần gũi với con người, có thể kể đến như: chó, ngựa, mèo, trâu, voi,… Triển lãm “Từ tính tứ linh” của họa sĩ Nguyễn Thanh Vũ thu hút người xem như một làn gió mới trong các triển lãm hội họa gần đây và linh thú - một đề tài vừa gần vừa lạ, đủ sức để người xem tò mò trước những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

“Từ tính tứ linh” (diễn ra từ nay đến hết ngày 10-3, tại World ArtSpace, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, TPHCM) là bộ sưu tập gồm 30 tranh giới thiệu các linh thú trong văn hóa lịch sử Việt Nam, tập trung ở 4 triều đại: Lý, Trần, Hậu Lê và Nguyễn. Bắt đầu từ sự hình thành nghệ thuật Việt độc lập - nhà Lý, từ giao ban chính trị, tiếp biến văn hóa và giao lưu hữu thức với nền nghệ thuật Chămpa, cho đến triều đại phong kiến cuối cùng - nhà Nguyễn; các linh thú bắt đầu xuất hiện, hoàn thiện về mặt thẩm mỹ, có thể thấy trong kiến trúc và điêu khắc, và trở thành một phần gắn liền trong đời sống, tôn giáo tín ngưỡng của người Việt.

Nói về quá trình sáng tác “Từ tính tứ linh”, họa sĩ Nguyễn Thanh Vũ chia sẻ: “Tôi đã dành hơn 1 năm nghiên cứu rất nhiều tài liệu và đi khảo sát thực tế, như tham quan các di tích ở Huế để hiểu về văn hóa nghệ thuật triều Nguyễn, đến Hoàng thành Thăng Long để hiểu về linh thú thời Lý, Trần… Tôi cũng sang Campuchia và Thái Lan để tìm hiểu thêm văn hóa của người Chăm ở các vùng miền. Đọc tư liệu không thôi thì chưa đủ, tôi phải đến tận nơi để sờ tận tay, nhìn tận mắt các chi tiết và các vết hằn thời gian. Khi bạn biết rõ về thứ đang đứng trước mặt mình, kết hợp với không gian địa điểm và dấu ấn thời gian thì cảm xúc mang lại rất khó tả”.

Dừng lại thật lâu trước những bức vẽ rồng trong triển lãm, chị Hoàng Phương Uyên (31 tuổi, nhân viên kinh doanh, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Năm nay là năm rồng, đi đâu cũng gặp nhiều hình ảnh, biểu tượng về rồng. Nhưng tôi ấn tượng với những tác phẩm rồng trong triển lãm này, vì mỗi bức tranh tạo một cảm nhận thị giác rất mạnh, và hình tượng đó còn đi kèm những chi tiết hoa văn của các triều đại lịch sử. Mỗi bức tranh khiến người ta tò mò về câu chuyện vương triều và phải tìm hiểu thêm kiến thức, vừa xem tranh vừa học sử cũng hay”.

Ngàn năm văn hiến còn trong hiện thời

Chọn đề tài lịch sử, văn hóa truyền thống và đặc biệt là hình tượng linh thú, vốn không dễ dàng gì với người làm sáng tạo, nhất là người trẻ. Bởi đất nước đi qua nhiều giai đoạn lịch sử, đứt gãy hay tiếp biến văn hóa là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên đó cũng là nền tảng phong phú để họa sĩ trẻ làm niềm cảm hứng biến tấu cùng nghệ thuật đương đại.

“Nền nghệ thuật Việt Nam có một phần chịu ảnh hưởng từ nghệ thuật Champa, đây là một quá trình giao lưu hữu thức từ thời Tiền Lê. Vì thế trong “Từ tính tứ linh” lần này, tôi phải tìm hiểu về nền văn hóa nghệ thuật Chămpa trước tiên, sang Campuchia và Thái Lan để tìm hiểu văn hóa của người Chăm ở các vùng miền. Từ đó mới đúc kết được hình dung chung về nền nghệ thuật của dân tộc và bắt đầu tìm hiểu quá trình giao lưu để hình thành nên nền nghệ thuật của người Việt”, họa sĩ Thanh Vũ cho biết.

Dòng chảy của sáng tạo luôn thay đổi qua từng ngày, câu chuyện chiếm dụng văn hóa liên tục đặt ra những trăn trở cho người trong giới lẫn công chúng. Để không bị cũ trong dòng chảy nghệ thuật đương đại, nhiều người trẻ thường chọn lối đi bắt trend (tạm dịch: xu hướng) hay đón đầu các trào lưu quốc tế sẽ dễ dàng thực hiện hơn việc chảy ngược về những giá trị xưa… Nhưng cũng chính trong lối đi ngược dòng, lại mang đến sự khác biệt đặc trưng, bởi bản sắc văn hóa vốn là điều độc đáo của mỗi quốc gia, dân tộc.

Họa sĩ Thanh Vũ bày tỏ: “Đề tài lịch sử dân tộc, văn hóa truyền thống là kho tàng cả đời tôi cũng không thể khai thác hết; mỗi sự kiện, mỗi sự vật, mỗi di tích đều mang trong mình một câu chuyện. Tôi nổi da gà khi xem các thành tựu của cha ông, tự hào khi đọc các sự kiện hiển hách, đau lòng khi biết tới những nỗi đau của tiền nhân từng trải qua, mọi thứ cứ chảy một mạch trong người. Nếu không bung tỏa cảm xúc này ra, không làm sống dậy những điều quá đỗi tuyệt vời mà cũ kỹ này, tôi sẽ thấy có lỗi với niềm đam mê của mình lắm”.

                                Theo: sggp.org.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

18
Đang xem:
72.488.279
Tổng truy cập: