Biến ngôi nhà thành "bảo tàng" thu nhỏ
Gần 80 tuổi nhưng mỗi khi được hỏi về niềm đam mê sưu tầm văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, ông Vi Văn Phúc lại kể một cách say sưa.
Ông nói, thuở nhỏ được nghe ông bà, bố mẹ kể về những câu chuyện, tập tục, lễ hội của người Thái. Từ đó, ông có niềm đam mê sưu tầm, lưu giữ những nét văn hóa dân tộc mình. "Từ niềm đam mê đó, tôi mong muốn xây dựng một "bảo tàng" thu nhỏ của gia đình để lưu giữ những nét văn hóa dân tộc Thái. Đây sẽ là nơi cho thế hệ trẻ sau này chiêm ngưỡng, gìn giữ, đồng thời góp phần xua tan nỗi lo lắng bản sắc văn hóa của đồng bào mình dần bị mai một. Vì vậy, suốt 30 năm qua, hễ có thời gian rảnh rỗi là tôi lại bỏ công đi sưu tầm" - ông Vi Văn Phúc chia sẻ.
Trong căn nhà sàn hơn 300m2 của gia đình mình, ông Phúc đã trưng bày gần 1.000 hiện vật. Các hiện vật được sắp xếp thành nhiều nhóm khác nhau, trình bày một cách khoa học, phong phú. Khu vực tầng trệt, ông Phúc trưng bày các vật dụng sử dụng trong sản xuất, đời sống. Nhiều hiện vật có tuổi đời hàng trăm năm được ông lưu giữ rất cẩn thận. Trong đó nhiều hiện vật có kích thước rất lớn như chiếc thuyền độc mộc nguyên khối dài gần 10m, bộ khung cửi, chiếc quay tơ… Đặc biệt, hai bộ cửa gỗ nguyên khối điêu khắc hình các con vật liên quan đến đời sống của người Thái hàng trăm năm tuổi rất độc đáo cũng được trưng bày tại đây.
Lối lên cầu thang nhà sàn được ông Phúc trang trí những chiếc ghế dài làm bằng gỗ, mặt ghế được chạm khắc hoa văn khá tỉ mỉ, bắt mắt. Riêng tầng hai nhà sàn được ông bố trí trưng bày những hiện vật có kích thước nhỏ hơn, có nhiều hiện vật quý hiếm, có giá trị văn hóa như trang phục xưa, vật dụng sử dụng trong tế lễ hay những cuốn văn tự cổ... Cuối gian nhà, ông Phúc bài trí không gian bếp của người Thái xưa với đầy đủ các vật dụng cần thiết. Ngoài ra, "bảo tàng" thu nhỏ của ông Phúc còn trưng bày 5 bộ chiêng cổ của người dân tộc Thái.
"Từ đồ dùng sinh hoạt, sản xuất của bà con đến những nhạc cụ truyền thống, ma chay, cưới hỏi... thuộc về nét văn hóa dân tộc Thái, tôi đều sưu tầm. Nhiều người biết được mong muốn của tôi đã chủ động biếu tặng chứ không bán. Hiện "bảo tàng" của gia đình tôi đã trở thành điểm đến của du khách thập phương, các bạn trẻ trong vùng có nhu cầu tìm hiểu văn hóa người dân tộc Thái"- ông Phúc chia sẻ.
Lan tỏa nét văn hóa của người dân tộc Thái
Trong quá trình sưu tầm, ông Phúc còn tìm tòi những tài liệu liên quan đến các hiện vật để giới thiệu về những nét văn hóa Thái cho khách đến tham quan.
Giới thiệu về chiếc luống giã gạo, ông Phúc cho hay, chiếc luống giã gạo có âm thanh đều đều, nhịp nhàng nhưng để người nghe đỡ cảm thấy nhàm chán, trong quá trình giã gạo người ta khua thêm một vài nhịp vào thành luống hoặc khua chày với nhau nên tiếng phát ra nghe rất vui tai. Tác dụng của âm thanh này là để xua tan mọi phiền muộn, lo âu, mệt mỏi trong những ngày tháng lao động vất vả. Theo thời gian, tiếng giã gạo đã được diễn thành bài, thành nhịp điệu, trở thành một loại hình diễn xướng dân gian được biểu diễn trong các dịp lễ, Tết, ngày cưới...
Anh Nguyễn Đức Hùng, một du khách đến từ Hà Tĩnh chia sẻ: "Đến với "bảo tàng" gia đình ông Vi Văn Phúc, tôi vô cùng nể phục bởi sự cầu kỳ, tỉ mỉ của người sưu tầm. Phải có niềm đam mê cháy bỏng cùng sự đầu tư công phu mới xây dựng, hình thành bảo tàng tư nhân độc đáo, lưu giữ những nét văn hóa dân tộc Thái như thế này. Thông qua các hiện vật, người xem có thể hình dung một cách đầy đủ cuộc sống, những nét văn hóa người dân tộc Thái xưa, từ tầng lớp nông dân đến tầng lớp giàu có lúc bấy giờ".
Theo ông Phan Anh Tài - Trưởng Phòng Văn hóa -Thông tin huyện Con Cuông, đồng bào dân tộc Thái chiếm đến 72% dân số toàn huyện. Bởi vậy, "bảo tàng" của ông Vi Văn Phúc là tài sản quý báu đối với đồng bào người Thái nói riêng, nhân dân trong vùng nói chung. Hằng năm, công tác bảo tồn những nét văn hóa dân tộc Thái luôn được chính quyền địa phương quan tâm. Hiện huyện đã xây dựng được 32 câu lạc bộ dân ca, dân vũ dân tộc Thái.
Hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của cơ chế thị trường, những nét văn hóa của người Thái vô tình bị thế hệ trẻ lãng quên. Nhiều bộ phận người Thái trẻ đã không còn biết nói tiếng Thái cũng như không biết chữ viết của đồng bào mình. Để lưu giữ nét văn hóa này, hàng năm, ông Vi Văn Phúc thường xuyên nhắc nhở con cháu, mỗi khi về nhà phải cố gắng nói chuyện với nhau bằng tiếng Thái, khôi phục lại nét văn hóa truyền thống của dân tộc để lưu giữ nét đẹp của đồng bào mình.