NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
(TH)-Những sứ giả đưa hàng Việt chinh phục xứ người
(Ngày đăng: 29/01/2024   Lượt xem: 17)

Kiều bào ở Thái Lan nói chung và Hiệp hội Doanh nhân Thái - Việt Nam toàn Thái (TVBAOT) là những sứ giả đang cần mẫn đưa hàng Việt đến đất nước chùa Vàng.

Trò chuyện với phóng viên TG&VN trước thềm Xuân Giáp Thìn, doanh nhân Hồ Văn Lâm - Chủ tịch TVBAOT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV), chủ hệ thống chuỗi cửa hàng VT Namnueng - kể rằng, sinh ra và lớn lên ở Thái Lan nhưng tuổi thơ của ông luôn “đượm chất Việt” bởi gia đình ông rất coi trọng việc giữ gìn truyền thống và bản sắc văn hóa quê hương.
Những sứ giả đưa hàng Việt chinh phục xứ người
Hiện tại, VT Namnueng đã có chuỗi hệ thống cửa hàng ở 28 tỉnh, thành ở Thái Lan. (Ảnh: NVCC)

Hương vị nem nướng Việt trên đất chùa Vàng

VT Namnueng - thương hiệu nem nướng xứ Huế tại Thái Lan - chính là tình cảm của ông dành cho món ăn Việt và cho hai đất nước, hai quê hương.

Là thế hệ thứ ba trong một gia đình thuần Việt tại Thái Lan, ông đã duy trì và phát triển thương hiệu nem nướng trở thành một thương hiệu ẩm thực mang đặc sắc hương vị, văn hóa Việt Nam trở thành món ăn yêu thích đối với nhiều người dân bản địa.

Ông Lâm chia sẻ, “VT” chính là tên viết tắt của cha mẹ ông (mẹ tên Vỵ, bố tên Tuân) và “VT” cũng là chữ viết tắt của hai từ đầu Việt Nam và Thái Lan. “Namnueng” thực chất là nem lụi của xứ Huế theo cách phát âm người Thái. Vì vậy, ông đã đặt tên thương hiệu chuỗi cửa hàng và sản phẩm của ông là VT Namnueng.

Về nghề làm nem, ông tâm sự: “Bố tôi quê ở làng nem nướng, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Khi bố mẹ tôi mới đến Thái Lan, gánh hàng rong nem nướng của mẹ đã nuôi 8 anh, chị, em chúng tôi vượt khó khăn và trưởng thành. Đây là nghề gia truyền của gia đình tôi.

Qua tìm hiểu thị hiếu và thói quen ẩm thực của người dân Thái Lan, tôi quyết tâm duy trì và phát triển thương hiệu nem nướng Việt trở thành một thương hiệu ẩm thực mang đặc sắc hương vị, văn hóa Việt trở nên thân thuộc hơn với người dân Thái Lan”.

Hiện tại, VT Namnueng đã có chuỗi hệ thống cửa hàng ở 28 tỉnh, thành ở Thái Lan. Ngoài việc sản xuất nem nướng, VT Namnueng còn sản xuất ram, giò, lạp xưởng, chả tôm – những món ăn đậm chất Việt.

“Bên cạnh việc tiêu thụ tại thị trường Thái Lan, các sản phẩm thương hiệu VT namnueng đã được bà con người Việt mang đến Mỹ, Lào, Hong Kong (Trung Quốc) hay Singapore. Tôi thấy vui và hạnh phúc khi món ăn Việt lại được người dân khắp nơi trên thế giới đón nhận nhiều đến thế!”, Chủ tịch TVBAOT bày tỏ.

Nỗ lực đưa hàng Việt ra thế giới

Ông Lâm cho rằng, Thái Lan là một trong những đối tác có kim ngạch xuất, nhập khẩu lớn với tổng giá trị trao đổi thương mại luôn nằm trong số 10 quốc gia có quan hệ thương mại lớn nhất với Việt Nam. Trong những năm vừa qua, các doanh nghiệp Thái lan và các doanh nghiệp kiều bào đã đưa nhiều mặt hàng của Việt Nam vào thị trường Thái Lan.

Không chỉ thương hiệu nem nướng của ông Lâm, thời gian qua, các sản phẩm như thuỷ sản, rau quả, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, trái cây tươi của Việt Nam… cũng đang được thị trường này đón nhận “nồng nhiệt”.

Những sứ giả đưa hàng Việt chinh phục xứ người
Hàng Việt Nam được trưng bày tại Trung tâm thương mại VT Namneung community tại Udon Thani. (Ảnh: NVCC)
Từ tháng 8/2020 đến nay, đẩy mạnh việc thực hiện Đề án 1797 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về việc “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài” giai đoạn 2020 - 2024, ông Hồ Văn Lâm đã cùng Ban Chấp hành TVBAOT, BAOOV, Trung tâm dịch vụ đối ngoại TP. Hồ Chí Minh tổ chức Khai trương Trung tâm triển lãm hàng Việt Nam chất lượng cao nằm trong trung tâm thương mại VT Namneung community tại Udon Thani, Thái Lan.

Trung tâm triển lãm nhằm giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt ở Thái Lan, góp phần giúp cho doanh nhân biết đến Việt Nam nhiều hơn và người tiêu dùng Thái Lan biết đến và sử dụng hàng Việt nhiều hơn. Hiện có khoảng hơn 60 mặt hàng (chủ yếu là hàng nông, thủy, hải sản, nước mắm, hồ tiêu, cà phê, hàng mỹ nghệ…) được trưng bày, triển lãm miễn phí và bán tại VT Namneung community.

Đặc biệt, thông qua Chương trình kết nối doanh nghiệp - doanh nhân Việt Nam tại Lào và Thái Lan (2020), diễn đàn kết nối doanh nghiệp Việt kiều Thái Lan với các doanh nghiệp Việt Nam tại 6 tỉnh Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; Hội nghị xúc tiến Thương mại Thái Lan - Việt Nam quốc tế mở rộng, Quảng Nam, Kiên Giang và Bắc Giang (7/2022); Diễn đàn doanh nghiệp Thái Lan - Việt Nam - Lào (tháng 11/2022).

“Qua những sự kiện này, đã có nhiều văn bản hợp tác giữa các doanh nghiệp các nước được ký kết, với giá trị lên tới hàng chục triệu USD”, ông Lâm hồ hởi thông báo.

Những sứ giả đưa hàng Việt chinh phục xứ người
Ông Hồ Văn Lâm tại Diễn đàn doanh nghiệp Thái Lan - Việt Nam - Lào. (Ảnh: NVCC)
Mới nhất, tháng 11/2023, dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, Hiệp hội đã tổ chức thành công Diễn đàn Doanh nghiệp Thái Lan - Việt Nam - Lào - Campuchia - Myanmar tại Udon Thani, với 500 đại biểu doanh nghiệp tham dự và trưng bày sản phẩm.

Qua các diễn đàn xúc tiến thương mại, ông Hồ Văn Lâm chia sẻ, Hiệp hội đã hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam đưa nhiều mặt hàng chất lượng cao của Việt Nam vào giới thiệu tại Trung tâm triển lãm hàng Việt Nam để tiếp cận với thị trường Thái Lan bằng cả đường tiểu ngạch và chính ngạch.

Cũng trong tháng 11/2023, Hiệp hội đã chính thức ký kết với Tập đoàn Y dược Sâm Ngọc linh Việt Nam để chuẩn bị đưa các sản phẩm Sâm Ngọc Linh Việt Nam vào thị trường Thái Lan bằng đường chính ngạch, giới thiệu tới người tiêu dùng xứ Chùa Vàng sản phẩm được mệnh danh là “Quốc bảo” của Việt Nam.

Hiện tại, sản phẩm Sâm Ngọc Linh cũng đã được trưng bày và bán tại VT Namneung community và các cửa hàng bán lẻ tại một số tỉnh của Thái Lan.

Trong năm 2024, ông Hồ Văn Lâm cho hay, TVBAOT sẽ tiếp tục thực hiện và tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại giữa các doanh nghiệp kiều bào Thái Lan với các Doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước nhằm trao đổi hợp tác thương mại và xúc tiến đầu tư, tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến thương mại hưởng ứng Đề án 1797 của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường đưa hàng Việt Nam chất lượng cao đến với thị trường Thái Lan.

Theo ông Lâm, dư địa để hàng Việt tới Thái Lan còn rất lớn. Bên cạnh những mặt hàng tiêu dùng hàng ngày, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm từ các làng nghề truyền thống và các mặt hàng organic hữu cơ có tiềm năng để tiếp cận thị trường Thái Lan trong tương lai.

“Hiện nay, TVBAOT có trên 500 doanh nghiệp với 15 chi hội ở khắp các tỉnh của Thái Lan. Hiệp hội có nhiều doanh nhân người Thái gốc Việt thành đạt với tài sản từ vài chục đến trên 100 triệu USD. Hiệp hội đang sở hữu một công ty riêng với vốn điều lệ gần 20 tỷ đồng. Vì vậy, kiều bào ở Thái Lan nói chung và TVBAOT chính là những sứ giả đưa hàng Việt đến khắp thế giới”, ông Lâm bày tỏ.

Chia sẻ thêm về dự định và mong ước trong thời gian tới, ông Hồ Văn Lâm nói rằng: “Tôi sẽ tìm hiểu thị hiếu, thị trường và cơ hội hợp tác thương mại để phân phối nem nướng và các sản phẩm mang thương hiệu VT namnueng tại một số nước trong khu vực ASEAN. Tôi mong muốn được tiếp tục quảng bá hình ảnh, văn hóa, sản phẩm của Việt Nam, nhất là những nét đẹp truyền thống của người Việt tới người dân Thái Lan và du khách từ khắp nơi trên thế giới đến đất nước này”.

                                      Theo:  baoquocte.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

12
Đang xem:
72.482.028
Tổng truy cập: