NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
(29-33)- Tạo tác rồng độc bản đón năm Giáp Thìn của nghệ nhân sơn mài
(Ngày đăng: 01/01/2024   Lượt xem: 108)

Với niềm đam mê bất tận, và khả năng học hỏi nắm bắt xu hướng thị trường nhanh nhạy, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (Đường Lâm, Sơn Tây) đã tạo ra những sản phẩm độc đáo và có giá trị kinh tế cao, rất khác biệt so với các sản phẩm sơn mài trên thị trường. Để chào đón năm Giáp Thìn 2024, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã cho ra mắt bộ sưu tập 1.000 tác phẩm mang hình tượng rồng. 

Mỗi năm một linh vật

Đến hẹn lại lên, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát lại bận rộn với hàng nghìn bức tượng linh vật đại diện cho năm mới sắp tới. Mỗi bức tượng được nghệ nhân chạm khắc tinh xảo, tỉ mỉ để đón chào tết cổ truyền. Năm nay, khi tết Giáp Thìn đang cận kề, nghệ nhân lại cho ra mắt bộ sưu tập rồng độc bản để đón năm mới.

Tạo tác rồng độc bản đón năm Giáp Thìn của nghệ nhân sơn mài ảnh 1

Tạo tác rồng độc bản trong bộ sưu tập 1.000 tác phẩm đón năm Giáp Thìn 2024.

Nếu như năm 2023 tác phẩm là những con mèo độc bản đa dạng về màu sắc, thể loại thì năm nay nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát thực hiện bộ sưu tập 1.000 tạo tác rồng tiên: "Năm nay, hình tượng rồng được tôi gắn chặt với hình tượng tiên, đây cũng là tình yêu gắn với văn hóa người Việt Nam theo truyền thuyết 'Con rồng cháu Tiên'. Đặc biệt, trong bộ sưu tập lần này, hình tượng rồng được tôi thể hiện xuyên suốt là hình tượng rồng thời Lý. Bản thân tôi rất ấn tượng với hình tượng rồng năm nay bởi đó là hình ảnh rồng thuần Việt, đồng thời thể hiện được hết tính cách của người Việt Nam ta."

Bộ sưu tập lần này đã được nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát ấp ủ suốt hai năm với số lượng tượng rồng - tiên lên đến 1.000 tác phẩm, được làm hoàn toàn từ gỗ mít, đá ong - những chất liệu quen thuộc của xứ Đoài, kết hợp với nghệ thuật sơn mài thuần Việt, nghệ nhân mong muốn mang lại món ăn tinh thần cho mọi người thưởng lãm vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Để hoàn thiện được một tác phẩm rồng cỡ trung phải mất khoảng 15 - 30 ngày. Đầu tiên là khâu lên ý tưởng rồi tạo hình lên gỗ sau đó mới mang đi làm sơn mài.

Tạo tác rồng độc bản đón năm Giáp Thìn của nghệ nhân sơn mài ảnh 2

Tượng rồng - trứng được nghệ nhân lấy cảm hứng từ truyền thuyết mẹ Âu Cơ đẻ trăm trứng.

Bắt đầu quá trình làm sơn là khảm chất liệu, khảm vỏ trứng, khảm vỏ trai hay lá đồng, đá rồi sau đó thực hiện quét từ 7 đến 10 lớp sơn màu. Với nguyên liệu vỏ trứng có thể đốt lên để có màu sắc khác cho tác phẩm. Bước tiếp theo là phủ phẩm, phủ sơn rồi thực hiện mài nhẵn và đánh bóng là đã hoàn thiện được một sản phẩm sơn mài truyền thống. Nghệ nhân cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, bộ sưu tập đã hoàn thiện được một nửa bộ sưu tập (khoảng 500 sản phẩm).

Điểm nhấn trong bộ sưu tập 1.000 tạo tác rồng - tiên năm nay của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chính là chiếc ghế được dát 2.500 lá vàng. Ghế có hình con rồng với 5 móng vững chãi và mạnh mẽ, đuôi rồng như lá bồ đề, tư thế uốn lượn có giá lên tới 2 tỉ đồng mang đậm ý nghĩa về văn hóa cội nguồn của người Việt Nam.

Tạo tác rồng độc bản đón năm Giáp Thìn của nghệ nhân sơn mài ảnh 3

Ghế rồng được dát 2.500 lá vàng có giá trị lên tới 2 tỷ.

Để sơn mài gần hơn với cộng đồng

Với kinh nghiệm 22 năm gắn bó với nghề, đến nay nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã có riêng cho mình một xưởng điêu khắc sơn mài thủ công. Không chỉ tâm huyết với cái nghề đã gắn bó với mình từ thuở còn ngồi trên ghế giảng đường, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát còn ấp ủ ý định đưa sơn mài đến gần hơn với mọi người.

Tạo tác rồng độc bản đón năm Giáp Thìn của nghệ nhân sơn mài ảnh 4

Nhiều người được tiếp cận với nghệ thuật sơn mài ngay tại xưởng nhà nghệ nhân.

Chia sẻ với phóng viên, nghệ nhân sơn mài cho biết: "Tôi biết có rất nhiều người yêu thích sơn mài nhưng rất khó để tiếp cận, bởi sơn mài rất kén người dùng do đề tài của sơn mài khá hạn chế, mọi người sẽ có cảm giác hoài cổ, cũ kĩ. Ngoài ra, giá thành của sơn mài khá cao nên cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người khó tiếp cận. Chính vì vậy, cách làm sơn mài của tôi là luôn đưa sơn mài đến gần hơn với đời sống hiện tại bằng cách sáng tạo những dáng sản phẩm sơn mài đơn giản hơn, khúc triết hơn để dễ dàng trang trí hơn trong nội thất gia đình. Qua đó giúp người dùng dễ dàng tiếp cận sản phẩm hơn, đồng thời thu hút khách quốc tế khi tìm đến những sản phẩm mang đậm văn hóa Việt".
Tạo tác rồng độc bản đón năm Giáp Thìn của nghệ nhân sơn mài ảnh 5

Không gian trưng bày tại tư gia của nghệ nhân tại làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây.

Với khao khát giữ lửa truyền thống cho mỹ thuật sơn mài, anh đã mở lớp dạy nghề miễn phí tại nhà và thu hút nhiều người đến học. "Tôi mở lớp dạy nghề miễn phí với mong muốn là tìm được những 'truyền nhân' có thể cùng tôi xây dựng và vực làng cổ Đường Lâm thành một làng nghề sơn mài truyền thống", anh Phát nói.

Nhờ sự đặc biệt và độc đáo trong việc chế tác sản phẩm, xưởng điêu khắc của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát gần đây đã trở thành một địa điểm thu hút số đông du khách trong hành trình khám phá các sản phẩm nổi tiếng của Xứ Đoài. Bên cạnh đó, nghệ nhân sơn mài còn mở một lớp trải nghiệm "Nghề làng" tại đình làng để du khách khi ghé thăm làng cổ sẽ có cơ hội trải nghiệm những nghề truyền thống của mảnh đất cổ Đường Lâm. Ngoài ra, ngay tại tư gia của mình ở làng cổ Đường Lâm nghệ nhân cũng mở một không gian trưng bày những sản phẩm sơn mài hoàn thiện và mở cửa tham quan miễn phí để nhiều người có cơ hội đến thưởng lãm.

Tạo tác rồng độc bản đón năm Giáp Thìn của nghệ nhân sơn mài ảnh 6

Nhiều tác phẩm rồng độc bản được trưng bày tại không gian triển lãm.

Có tài và "không giấu nghề", nghệ nhân luôn muốn lan tỏa niềm đam mê đến với nhiều người. Những người tìm đến học nghề đều được anh Nguyễn Tấn Phát chỉ dẫn rất tận tình, có những người được làm việc hỗ trợ luôn trong xưởng của anh. Hiện tại, xưởng sản xuất của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát có khoảng 8 nhân công làm việc trong đó có 4 người làm sơn, 4 người hỗ trợ điêu khắc gỗ. Thậm chí, với những người điêu khắc gỗ làm tại nhà anh còn phải đến từng nhà để điều chỉnh để có thể hoàn thiện những tác phẩm điêu khắc đó một cách chính xác nhất. "Tôi phải chẻ nhỏ từng công đoạn bởi quy mô xưởng của tôi không đủ để đáp ứng được nhiều người sản xuất cùng một lúc, nhất là sản xuất mộc thì cần rất nhiều diện tích" - nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát tâm sự.
Tạo tác rồng độc bản đón năm Giáp Thìn của nghệ nhân sơn mài ảnh 7

Không gian trưng bày sơn mài của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát luôn là điểm hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Hiện nay, không chỉ hằng tuần đều có những lớp đến không gian trưng bày của anh để trải nghiệm vào những ngày cuối tuần mà đây còn thu hút được rất nhiều khách nước ngoài đến tham quan. Nghệ nhân cho biết: "Khi mới mở lớp trải nghiệm sơn mài miễn phí tôi rất bất ngờ vì không nghĩ rằng giới trẻ hiện nay lại dành nhiều sự quan tâm đến nghề truyền thống như vậy. Trong dịp hè vừa rồi, tôi ước tính đã đón khoảng 4.000 đến 5.000 du khách đến để trải nghiệm lớp dạy nghề miễn phí. Đặc biệt, những du khách nước ngoài họ rất quan tâm và thậm chí còn muốn học nghề. Họ tỏ ra thích thú với những giá trị mà sơn mài đem lại cho cuộc sống."
                                      Theo; tienphong.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

41
Đang xem:
72.485.744
Tổng truy cập: