NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
(29-33)- Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát: “Tôi muốn đưa những câu chuyện về văn hóa Việt Nam vào tác phẩm sơn mài”
(Ngày đăng: 25/12/2023   Lượt xem: 45)

Để chào đón năm Giáp Thìn 2024, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (Đường Lâm, Sơn Tây) đã cho ra mắt bộ sưu tập 1.000 tác phẩm mang hình tượng rồng. Trong đó, nổi bật là chiếc ghế hình rồng với 5 móng rồng vững chãi có giá lên tới 2 tỉ đồng, mang một ý nghĩa sâu rộng về văn hóa của người Việt.

Tác phẩm rồng độc bản mang hình tượng "con rồng cháu tiên" 

Là người con của mảnh đất “địa linh nhân kiệt” Sơn Tây, họa sĩ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát được thừa hưởng cái gen hội họa, điêu khắc từ ông cha. Tấn Phát cho biết, anh xuất thân là dân hội họa, từng là cử nhân hội họa của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Tuy nhiên, đến với nghề sơn mài cũng là cái duyên của anh.

“Cái duyên đến với nghề của tôi cũng tình cờ. Ông nội tôi hay đi vẽ ở đền chùa, bố tôi cũng khéo tay lắm nhưng lại theo nghề sắt xây dựng, còn tôi theo học sơn mài ở trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Cuối năm thứ nhất, tôi đã đi làm thêm, làm cho một anh chuyên làm mô hình sa bàn kiến trúc, rồi làm mấy năm quen chơi với một số anh chị trên phố cổ có cửa hàng trang sức. Tôi học được chút nghề thủ công và cũng hiểu về thị hiếu khách nước ngoài”, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ.

Qua nhiều năm rèn luyện, học hỏi kinh nghiệm về làm nghề, đến nay, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã có cho riêng mình một xưởng điêu khắc các sản phẩm gỗ thủ công. Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, cái tên Nguyễn Tấn Phát như một từ khóa ‘hot’ trên mạng xã hội. Bởi bằng chính tài năng điêu khắc sơn mài của mình mà anh được các cơ quan, báo đài biết đến để ghi hình, đồng thời tại chính tư gia của anh ở làng cổ Đường Lâm là một địa điểm thu hút số đông du khách trong hành trình khám phá các sản phẩm nổi tiếng của Xứ Đoài. 
nghe nhan nguyen tan phat toi muon dua nhung cau chuyen ve van hoa viet nam vao tac pham son mai hinh 1

Họa sĩ, nghệ nhân sơn mài Nguyễn Tấn Phát (làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội).

Chia sẻ với phóng viên, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho biết: "Tôi được nhiều người biết và tìm đến là vì mấy năm trở lại đây vào dịp trước năm mới tôi lại bắt tay vào chế tạo ra những sản phẩm điêu khắc thủ công mang hình dáng loài vật trong số 12 con giáp. Nếu như năm 2023 tác phẩm là những chú mèo độc bản đa dạng về thể loại, màu sắc, thì năm nay tôi có thực hiện bộ sưu tập một nghìn tạo tác rồng tiên, hình tượng rồng được tôi gắn chặt với hình tượng Tiên - đây cũng là tình yêu gắn với văn hóa người Việt theo truyền thuyết "Con rồng cháu Tiên". Đặc biệt, trong bộ sưu tập lần này thì hình tượng rồng được tôi yêu thích và thể hiện xuyên suốt đó là rồng thời nhà Lý, thì với tôi là một nghệ nhân, họa sĩ thì tôi rất yêu thích hình tượng rồng này vì nó mang lại hình ảnh rồng thuần Việt, đồng thời thể hiện được hết tính cách của người Việt Nam ta".

Vốn được làm độc bản hoàn toàn nên các bức tượng của anh chủ yếu được chế tác thủ công từ gỗ và sau đó được phủ sơn mài lên sản phẩm. Tuy nhiên, để cho ra một tác phẩm rồng độc bản thì phải mất khoảng 15 đến 30 ngày. Đầu tiên là khâu lên ý tưởng rồi đục tượng bằng gỗ từ khúc gỗ nguyên khối (mất khoảng 1 tuần gỗ mới đảm bảo độ khô) sau đó mới mang đi làm sơn mài. Anh làm sơn mài theo lối truyền thống, có khảm chất liệu và sơn nhiều lớp khác nhau.
nghe nhan nguyen tan phat toi muon dua nhung cau chuyen ve van hoa viet nam vao tac pham son mai hinh 2
Chiếc ghế hình rồng (giữa) với 5 móng rồng vững chãi có giá lên tới 2 tỉ đồng, mang một ý nghĩa sâu rộng về văn hóa của người Việt.

Bắt đầu quá trình làm sơn là khảm chất liệu, khảm vỏ trứng, khảm vỏ trai hay lá đồng, đá rồi sau đó thực hiện quét từ 7 đến 10 lớp màu rồi đến công đoạn mài ra, và sau khi mài ra sẽ được dán bạc lá, vàng lá. Bước tiếp theo là phủ phẩm, phủ sơn rồi thực hiện mài nhẵn và đánh bóng thì sẽ hoàn thiện công đoạn làm một sản phẩm sơn mài truyền thống. 

Ngoài ra, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho biết thêm trong bộ sưu tập rồng năm 2024 thì anh tâm đắc nhất là chiếc ghế hình con rồng với 5 móng vững chãi và mạnh mẽ, đuôi rồng như lá bồ đề, tư thế uốn lượn có giá lên tới 2 tỉ đồng mang đậm ý nghĩa về văn hóa cội nguồn của người Việt Nam. 

Lan tỏa nghề sơn mài đến quốc tế 

Với tài năng cùng nhiều ý tưởng mới lạ nên trong bộ sưu tập năm nay, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã thể hiện nhiều chất liệu khác nhau như sơn mài trên gỗ, trên đá, gốm sứ thì đây cũng là một cách để giới thiệu được nhiều chất liệu nghề thủ công đối với cộng đồng. Và các tác phẩm do anh tạo ra đều mang một kiểu dáng khác nhau, qua đó giúp thúc đẩy sự sáng tạo của con người trong xã hội hiện đại khi mọi thứ đang bị công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày một nhiều. 

Lên ý tưởng cách đây 2 năm, nhưng đến hiện tại nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho biết, anh đã hoàn thành được một nửa bộ sưu tập (khoảng 500 sản phẩm), mất khoảng 1-2 tuần nữa sẽ hoàn thiện xong. Đặc biệt, bộ sưu tập lần này được Tấn Phát trưng bày từ hiện tại cho đến ra Tết, đồng thời kéo dài quãng thời gian trưng bày tại tư gia ở Làng cổ Đường Lâm để tăng thêm nhiều cơ hội, điểm nhấn về du lịch để mọi người có nhiều dịp thưởng lãm bộ sưu tập hơn. 
nghe nhan nguyen tan phat toi muon dua nhung cau chuyen ve van hoa viet nam vao tac pham son mai hinh 3
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát trong quá trình chế tác các tác phẩm điêu khắc sơn mài mang hình Rồng tượng trưng cho năm mới Giáp Thìn 2024.

Hiện tại, xưởng sản xuất của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát có khoảng 8 nhân công làm việc (trong đó có 4 người làm sơn, ngoài ra có 4 người hỗ trợ về mảng điêu khắc gỗ) - trực tiếp sản xuất gỗ tại nhà. Thậm chí, anh còn phải đến từng nhà để điều chỉnh để có thể hoàn thiện những điêu khắc đó, sau đó chuyển về xưởng sơn để thực hiện các công đoạn tiếp theo. "Tôi phải chẻ nhỏ từng công đoạn ra bởi quy mô xưởng của tôi không thể đáp ứng được nhiều người cùng sản xuất một lúc, nhất là sản xuất mộc thì cần rất nhiều diện tích" - nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát tâm sự. 

Làng cổ Đường Lâm vốn là mảnh đất du lịch nên Nguyễn Tấn Phát luôn luôn mở cửa miễn phí cho mọi người tham quan, khám phá, vì đây cũng là cách giúp anh giới thiệu về nghề thủ công sơn mài và cũng như thêm một sản phẩm hấp dẫn cho địa phương. Những bộ sưu tập lần này, Tấn Phát cho biết mục đích đầu tiên là để quảng bá, giới thiệu, trưng bày và sau khi cuộc trưng bày kết thúc thì anh vẫn có thể bán những sản phẩm, qua đó đến gần hơn với những người yêu thích, giúp người nghệ nhân có thêm kinh phí để sáng tạo ra nhiều sản phẩm mang ý nghĩa hơn. 

"Tôi biết là có rất nhiều người yêu thích sơn mài, nhưng rất khó tiếp cận với nó, bởi sơn mài rất kén người dùng do đề tài của sơn mài khá hạn chế, mọi người sẽ cảm giác hoài cổ, cũ kĩ. Ngoài ra, giá thành của sơn mài khá cao thì đây cũng là một cái khó tiếp cận với mọi người. Chính vì vậy, cách làm sơn mài của tôi là luôn luôn đưa sơn mài đến gần hơn với đời sống hiện tại bằng cách tạo những dáng sản phẩm sơn mài đơn giản hơn, khúc triết hơn để dễ trang trí hơn trong nội thất gia đình. Qua đó giúp cho người dùng tại Việt Nam sẽ tự hào hơn khi sử dụng sản phẩm, đồng thời thu hút khách quốc tế khi tìm đến những sản phẩm mang đậm văn hóa Việt", nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát nói thêm. 
nghe nhan nguyen tan phat toi muon dua nhung cau chuyen ve van hoa viet nam vao tac pham son mai hinh 4

Tác phẩm rồng đẻ trứng vàng mang đậm ý nghĩa về văn hóa của người Việt trong năm mới 2024.

Hiện tại, với 22 năm làm nghề sơn mài thì ngoài sáng tạo làm nghề và sản xuất ra những sản phẩm mang tính thực tiễn, dễ dàng đi vào cuộc sống, thì nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát có mở lớp truyền dạy nghề sơn mài miễn phí trực tiếp tại xưởng sản xuất thu hút nhiều người dân địa phương. Thêm nữa, anh cũng có thêm một không gian làm trải nghiệm sơn mài miễn phí tại làng cổ Đường Lâm, qua đó thu hút khách du khách tới làng trải nghiệm, để nghề sơn mài đến gần hơn với mọi người. 

Nói về mức độ quan tâm của du khách tới sơn mài, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho biết: “Khi mở lớp trải nghiệm sơn mài miễn phí thì tôi rất bất ngờ, rất vui vì không nghĩ giới trẻ ngày nay rất quan tâm tới nghề truyền thống. Trong dịp hè vừa rồi, tôi ước tính tôi đã đón khoảng từ 4.000 đến 5.000 du khách đến trải nghiệm lớp dạy miễn phí. Đặc biệt, những du khách nước ngoài thì họ rất quan tâm và thậm chí họ còn muốn học nghề, tỏ ra rất thích thú bởi với những giá trị sơn mài mang lại cho cuộc sống. Qua đó, họ hiểu nhiều hơn về cuộc sống của người Việt xưa qua nghề truyền thống này". 

                                                Theo: congluan.vn
 
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

15
Đang xem:
72.476.901
Tổng truy cập: